TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC CHO THANH,
THIẾU NIÊN TRONG TRƯỜNG HỌC TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận, đánh giá cao vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Người khẳng định “...Nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần lớn do các thanh niên,… sự phát triển tương lai của đất nước và tiền đồ vẻ vang của dân tộc nằm trong tay thanh niên”, “ Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già và là người dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”. Người thường xuyên chăm lo việc giáo dục thanh, thiếu niên giúp họ trở thành những con người ưu tú vừa “ Hồng” vừa “Chuyên”.
Một trong những nội dung được Người quan tâm là giáo dục truyền thống, đặc biệt là giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh, thiếu niên. Nhờ vậy, đã có lớp lớp thanh niên Việt Nam kế tiếp nhau phát huy sức mạnh truyền thống dân tộc, sức mạnh chủ nghĩa yêu nước, cùng cả dân tộc làm nên những thắng lợi to lớn, vẻ vang của cách mạng và của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn, truyền thống tốt đẹp ấy được hình thành và phát triển cùng với quá trình dựng nước và giữ nước, đã phát triển đến đỉnh cao, trở thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, ít có dân tộc nào trên thế giới có được. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là sự tổng hòa các yếu tố trí thức, tình cảm, ý chí con người Việt Nam, tạo động lực tinh thần, thúc đẩy họ sẵn sàng cống hiến, sức lực, trí tuệ, xả thân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là giá trị cao đẹp, bền vững trở thành chuẩn mực cao nhất, định hướng suy nghĩ, điều chỉnh hành vi mỗi con người và cộng đồng cùng hướng tới mục tiêu vì sự trường tồn, phát triển của đất nước. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam luôn là cội nguồn sức mạnh, là bệ phóng đưa dân tộc Việt Nam vượt qua sóng gió, thử thách đi đến những vinh quang; là giá trị thiêng liêng của toàn dân, của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, trở thành tính cách con người Việt Nam, là nội dung cốt lõi của tư tưởng, nhân sinh quan, thế giới quan Việt Nam; là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là nguồn sức mạnh thường trực trong lòng dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh ra và lớn lên trên quê hương Nghệ An, trong gia đình nhà nho yêu nước. Truyền thống gia đình và quê hương đã sớm hình thành và bồi đắp tinh thần yêu nước con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ chủ nghĩa yêu nước đã đưa Người đến với Chủ nghĩa Mác - Lê.Nin và luôn gắn chặt suốt cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của Người. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho toàn dân, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống nói chung và giáo dục chủ nghĩa yêu nước nói riêng có nhiều cách thức, biện pháp, nhưng cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung:
Thứ nhất, phải kết hợp chặt chẽ và phát huy vai trò giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội.
Thứ hai, phải tập hợp thanh, thiếu niên vào tổ chức đoàn thể để giáo dục.
Thứ ba, thông qua hoạt động thực tiễn và bằng hoạt động thực tiễn để thanh, thiếu niên tự tìm hiểu, tiếp thu, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức truyền thống.
Thứ tư, thông qua các phong trào thi đua yêu nước.
Thứ năm, phát huy vai trò tự tìm hiểu, tự giáo dục chủ nghĩa yêu nước của thanh, thiếu niên.
Thứ sáu, giáo dục bằng nêu gương người tốt, việc tốt hằng ngày và phải đặc biệt chú trọng kết hợp giữa xây và chống.
Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương thức giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cho thanh, thiếu niên, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách có hệ thống, thường xuyên, phát huy vai trò của các chủ thể giáo dục như gia đình, nhà trường xã hội và các tổ chức trong hệ thống chính trị với những hình thức nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp với đối tượng thanh, thiếu niên.
Để tiến hành giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong các trường học có chất lượng, hiệu quả, đòi hỏi ngành giáo dục đào tạo và mỗi nhà trường cần thực hiện:
Một là, phải quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giáo dục truyền thống, giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cho thanh, thiếu niên.
Hai là, phải nắm rõ được nội hàm, cấu trúc của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, những biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và yêu cầu giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong tình hình mới.
Ba là, xác định được nội dung giáo dục, các điều kiện, phương tiện, lực lượng thực hiện và tham gia giáo dục.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ với gia đình, các tổ chức đoàn thể, kết hợp với tổ chức các phong trào thi đua trong các trường học.
Năm là, nghiên cứu đề ra cách thức, biện pháp tiến hành giáo dục phù hợp, phát huy tính chủ động, tự giác học tập gắn với các hoạt động thực tiễn của thanh, thiếu niên, học sinh từng bậc học, cấp học.
Sáu là, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, gương người tốt, việc tốt trong nhà trường.
Bảy là, xây dựng đội ngũ lãnh đạo quản lý, đội ngũ thày, cô giáo đáp ứng yêu cầu giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cho thanh, thiếu niên, học sinh.
Trong thời gian qua, các nhà trường trên địa bàn huyện đã có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện, chú trọng việc giáo dục đạo đức nói chung và giáo dục truyền thống, giáo dục chủ nghĩa yêu nước nói riêng cho thanh, thiếu niên, học sinh. Tuy nhiên việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cho thanh, thiếu niên, học sinh các trường học trên địa bàn huyện chưa được quan tâm đúng mức, nội dung giáo dục ở mỗi bậc học, cấp học chủ yếu dựa vào sách giáo khoa các môn về xã hội nhân văn, chưa chú trọng giáo dục đầy đủ 03 yếu tố cơ bản của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, là tri thức yêu nước, tình cảm yêu nước và ý chí yêu nước, lực lượng tham gia giáo dục chủ nghĩa yêu nước còn những bất cập, phối hợp giữa các lực lượng tham gia giáo dục chưa chặt chẽ, hình thức giáo dục đơn điệu, chưa phong phú.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cho thanh, thiếu niên, học sinh các trường học trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo huyện, các nhà trường cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa một số nội dung sau:
Một là, Ngành giáo dục và đào tạo huyện, cấp ủy, Ban Giám hiệu các nhà trường cần nêu cao trách nhiệm lãnh đạo và tổ chức thực hiện, xác định thời lượng, biện pháp và hình thức thực hiện giáo dục chủ nghĩa yêu nước, xác định nội dung giáo dục, tập trung cao vào giáo dục tri thức yêu nước, cung cấp cho thanh, thiếu niên, học sinh những tri thức cơ bản về lịch sử, về truyền thống, về văn hóa của dân tộc, về điều kiện tự nhiên, xã hội, những thuận lợi, khó khăn của đất nước, tình cảm, ý chí, phẩm chất đạo đức, lối sống, cốt cách của con người Việt Nam, giúp thanh, thiếu niên, học sinh hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước, về thiên nhiên, con người, những bất lợi và điều kiện, hoàn cảnh đất nước, là ý thức sâu sắc bảo vệ độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc,... đây là yếu tố đầu tiên quyết định hình thành, dẫn dắt tình cảm và ý chí yêu nước.
Hai là, Tiến hành giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cho thanh, thiếu niên, học sinh trên địa bàn huyện, bên cạnh cung cấp các tri thức yêu nước cần đặc biệt chú trọng giáo dục nâng cao hiểu biết cho thanh, thiếu niên, học sinh những giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp, những đóng góp của nhân dân các dân tộc toàn huyện vào quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, điều kiện tự nhiên, xã hội, những thuận lợi, khó khăn, hoàn cảnh, điều kiện để phát triển của huyện, những phẩm chất tốt đẹp, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn bản sắc văn hóa và những hạn chế, yếu kém của con người địa phương,...giúp thanh, thiếu niên hiểu được thực tế địa phương, từ đó có ý thức đầy đủ những điều đáng tự hào, cần bảo tồn phát huy, những tiềm năng và cả những khó khăn của huyện, khơi dậy khát vọng, ước mơ, ý chí vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp.
Thứ ba, Đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng lực lượng giáo viên nhất là giáo viên bậc học mần non, Tiểu học, giáo viên giảng dạy các môn xã hội nhân văn cấp Trung học, giáo viên phụ trách Đoàn, Hội, Đội đủ khả năng tiến hành giáo dục hiệu quả chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cho học sinh.
Thứ tư, Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác này, phối hợp chặt chẽ với gia đình và các đoàn thể ở địa phương để tiến hành giáo dục.
Thứ năm, Chăm lo xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong trường học với các hoạt động phong phú để tập hợp, tổ chức cho thanh, thiếu niên, học sinh vào các hoạt động thực tiễn, hướng các nội dung hoạt động vào bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
Thứ sáu, Mỗi cán bộ quản lý, mỗi thày, cô giáo nêu cao gương mẫu trong học tập bồi dưỡng và thực hành chủ nghĩa yêu nước, không ngừng học tập nâng cao hiểu biết về nội dung, ý nghĩa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, cải tiến phương pháp giảng dạy, truyền thụ, phát huy tính chủ động tự nhận thức, tự giác học tập, tìm hiểu chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong thanh thiếu niên, học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam,...nhằm bồi dưỡng, xây dựng những thế hệ thanh, thiếu niên huyện Bắc Yên có phẩm chất đạo đức tốt, có trí thức sâu rộng, giàu lòng yêu nước, tự hào dân tộc, có hoài bão và khát vọng, có ý thức tự lực, tự cường, trở thành những công dân ưu tú vừa "Hồng" vừa " Chuyên" như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng to lớn, xung kích với khát vọng vươn lên, xây dựng huyện Bắc Yên ngày càng phát triển giàu mạnh./.
----
Vũ Công Thành
Phó Giám đốc TTBDCT Bắc Yên