Đường dây nóng: 0212.3852.153

Lịch Giảng Dậy

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 14
Hôm qua : 23
Tháng này : 597
Tổng truy cập : 236807
Đang trực tuyến : 1

Tin Tức ››

SƠN LA VỮNG BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN, PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG 90 NĂM CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Cập nhật: 15:08:15 27 / 07 / 2020
Lượt xem: 48

SƠN LA VỮNG BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN, PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG 90 NĂM CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam họp tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng), đã nhất trí thành lập một Đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thành lập Đảng đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, là Cương lĩnh và Điều lệ đầu tiên của Đảng ta, xác định đường lối cách mạng đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam đi theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với quy luật và thực tiễn lịch sử của một nước thuộc địa nửa phong kiến, đó là: giải phóng dân tộc gắn với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động; độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, là cơ sở dẫn tới những thắng lợi oanh liệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Đường lối chính trị đúng đắn của Đảng ta đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam khẳng định, đã đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong suốt 90 năm qua. Với đường lối đúng đắn, Đảng ta đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á, đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ lên địa vị của những người làm chủ một quốc gia độc lập, tự quyết định vận mệnh của mình.

Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đồng sức, đồng lòng đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng, giành thắng lợi vẻ vang, chấn động địa cầu bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân ta phải đương đầu với một thế lực ngoại xâm hung bạo nhất trong lịch sử loài người. Với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi vẻ vang bằng chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại ngày 30/4/1975.

Phát huy tinh thần cách mạng vẻ vang và quyết tâm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo nhân dân ta tiến hành sự nghiệp đổi mới (1986). Sau hơn 30 năm thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Năm 2019, Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư, tăng 15 bậc so với năm 2018. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018. Nền kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới[1].

Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Đảng bộ, quân và dân Sơn La luôn tuyệt đối trung thành với đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, vận dụng sáng tạo, có hiệu quả vào hoàn cảnh thực tiễn của địa phương, đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong tình thế đầy khó khăn, gian nan, thử thách, Đảng bộ, quân và dân Sơn La đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, vừa đánh địch, vừa xây dựng căn cứ cách mạng, vừa đấu tranh chống bọn phản động, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, nắm chắc tay súng, vững tay cày... góp phần xứng đáng vào những chiến công hiển hách của quân và dân cả nước.

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, quân và dân Sơn La đã chi viện cho tiền tuyến hàng ngàn cán bộ và chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu. Hai trung đoàn bộ đội địa phương Sơn La đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã đổi mới cách nghĩ, cách làm; năng động, sáng tạo; phấn đấu vươn lên giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế hàng hoá, từng bước xoá đói giảm nghèo; ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước.

Trong những năm qua, thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La đã phát huy các nguồn lực và lợi thế của địa phương, kế thừa kinh nghiệm của các thế hệ đi trước trong công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, đến năm 2019: Tổng sản phẩm bình quân đầu người ước đạt 40,6 triệu đồng/người/năm, tăng 2,6 triệu đồng so với năm 2018. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 17.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2018. Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả vượt bậc. Toàn tỉnh đã có 41 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 15 xã so với năm 2018; vượt 18 xã so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra); thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đã có 196/204 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, đạt 96%. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện quốc gia đạt 96% số hộ trong toàn tỉnh, tăng 2,2% so với năm 2018. Năm 2019, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu ước đạt 150 triệu USD (tăng 30,4% so với năm 2018); trong đó đã xuất khẩu được 16 loại nông sản thực phẩm, giá trị xuất khẩu đạt 142 triệu USD (tăng 26% so với năm 2018).

Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh hiện có 244/597 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 40,87%; 160/204 xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, đạt 78,4%. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm 2,98% so với năm 2018, còn 22,44%. Tổng lượt khách du lịch năm 2019 ước đạt 2,5 triệu lượt, tổng doanh thu hoạt động du lịch ước đạt 1.915 tỷ đồng[2].

 Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển theo hướng đồng bộ. An ninh chính trị ổn định, bảo đảm giữ vững trật tự an toàn xã hội; thế trận quốc phòng toàn dân được tăng cường. Giữ vững hiệu quả trong công tác đối ngoại, đặc biệt là mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào được nâng cao.  Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng. Cấp ủy các cấp đã tập trung triển khai và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về xây dựng đảng, củng cố hệ thống chính trị như Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7 khóa XII, Chị thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; ban hành và tập trung triển khai thực hiện 22/25 đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII; giảm được 350 đầu mối; 349 cán bộ lãnh đạo tại các cơ quan; 815/3.324 bản, tiểu khu, tổ dân phố và 2.900 người hoạt động không chuyên trách ở bản, tiểu khu, tổ dân phố. Số cơ sở có chi bộ đạt 99,96%; có đảng viên đạt 100% số bản, tiểu khu, tổ dân phố, trường học trên toàn tỉnh (không còn bản chưa có đảng viên).[3]

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La cần tiếp tục thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tập trung rà soát, xây dựng quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, các cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng thực hiện của địa phương, làm cơ sở, động lực thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Huy động, thu hút các nhà đầu tư vào việc thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn tỉnh để tạo tính lan tỏa, kết nối và tạo động lực thu hút các dự án đầu tư khác vào đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hai là, Cơ cấu lại thực chất các ngành kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ hiện đại, dựa vào đầu tư, xuất khẩu. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, trên cơ sở phát huy lợi thế đặc trưng của từng địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm; gắn phát triển nông nghiệp với xúc tiến thương mại, chế biến và xuất khẩu.

Ba là, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng di dân, tái định cư các dự án thủy điện. Tổ chức ổn định sản xuất cho các hộ tái định cư , khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp; chuyển đổi một số cây trồng hiệu quả thấp tại một số điểm tái định cư sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao; ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và chế biến sản phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo ổn định bền vững đời sống của các hộ dân tái định cư thủy điện Sơn La.  

Bốn là, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Năm là, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.

Trong những năm tới, tỉnh Sơn La cần phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được, không ngừng cố gắng, nỗ lực, tận dụng thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng Sơn La phát triển trên các lĩnh vực, góp phần cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đối với giảng viên Trường chính trị, cần không ngừng nghiên cứu, tổng kết, vận dụng những kiến thức thực tiễn trên vào bài giảng, làm cho bài giảng thêm phong phú, sinh động. Đó cũng là một hình thức để góp phần xây dựng quê hương Sơn La ngày càng giàu đẹp, từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội. 

Nguyễn Thị Minh Nguyệt

Phó trưởng Khoa Lý luận cơ sở



[1] Chinhphu.vn - Cổng thông tin Chính phủ - Phát triển kinh tế, một thước đo sự thành công của Đảng

, ngày 02/02/2020

[2] Phát biểu Diễn văn gặp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020) - Đ/c Nguyễn Hữu Đông, UV dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

[3] Tổng hợp các báo cáo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La năm 2019

 


Các tin khác:
Các tin liên quan: