Đường dây nóng: 0212.3852.153

Lịch Giảng Dậy

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 14
Hôm qua : 23
Tháng này : 597
Tổng truy cập : 236807
Đang trực tuyến : 1

Tin Tức ››

ĐƯA MỘT SỐ BÀI TẬP TÌNH HUỐNG VÀO NỘI DUNG LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH ĐỂ HỌC VIÊN KHẮC SÂU KIẾN THỨC TRONG BÀI 5 – PHẦN III.1

Cập nhật: 07:46:19 06 / 01 / 2021
Lượt xem: 48

ĐƯA MỘT SỐ BÀI TẬP TÌNH HUỐNG

VÀO NỘI DUNG LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH ĐỂ HỌC VIÊN KHẮC SÂU KIẾN THỨC TRONG BÀI 5 – PHẦN III.1 – CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH

           Ths. Đỗ Thị Hải

                                       Khoa Nhà nước và Pháp luật

          Luật Hôn nhân và Gia đình là một ngành luật có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, điều chỉnh các quan hệ hôn nhân, gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên nhằm xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

          Để phù hợp với những thay đổi trong quan hệ hôn nhân và gia đình trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Luật Hôn nhân và Gia đình không ngừng được hoàn thiện. Đạo luật về Hôn nhân và gia đình đầu tiên, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959, đã qua ba lần bổ sung. Ngày 19 tháng 6 năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Luật này có nhiều nội dung thể hiện quan điểm mới của Đảng và Nhà nước ta trong việc điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, bảo đảm tốt hơn các quyền nhân thân và tài sản của các thành viên của gia đình.

          Nhằm giúp học viên khắc sâu kiến thức về Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thiết nghĩ giảng viên lên lớp cần áp dụng một số bài tập tình huống trong một số nội dung cụ thể của Luật này để giờ giảng được sinh động, tránh nhàm chán, bên cạnh đó giúp học viên nhớ nhanh và hiểu rõ về nguyên nhân sâu xa của những quy định cũng như những thay đổi trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 so với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

          Tình huống thứ nhất: tình huống về tuổi kết hôn

          Anh A sinh ngày 31/12/1996. Chị B sinh ngày 31/12/2002. Hai người yêu thương và tự nguyện muốn tiến tới hôn nhân. Ngày 01/09/2020 anh A và chị B đi đăng ký kết hôn tại uỷ ban nhân dân xã nơi anh A sinh sống. Vậy theo quy định hiện hành của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 anh A và chị B có đủ điều kiện về độ tuổi để kết hôn hay không?

          Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 quy định về độ tuổi nam, nữ được phép kết hôn là: “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”. Luật này chỉ quy định độ tuổi tối thiểu mà không quy định độ tuổi tối đa. Luật cũng không quy định khoảng cách về độ tuổi giữa hai bên nam và nữ khi kết hôn. Độ tuổi kết hôn tối thiểu của nam giới cao hơn so với nữ giới xuất phát từ những kết quả nghiên cứu tâm sinh lý của con người; từ phong tục tập quán; từ kết quả thống kê về độ tuổi kết hôn trong thực tế và xuất phát từ mục đích của hôn nhân là nhằm xây dựng một gia đình dân chủ, tiến bộ, hạnh phúc bền vững. Khi con người đạt đến độ tuổi nhất định mới có suy nghĩ đúng đắn và nghiêm túc trong việc kết hôn của mình, bản thân họ sẽ lựa chọn được người bạn đời của họ theo những tiêu chuẩn họ đặt ra, họ sẽ ý thức được trách nhiệm làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ; họ sẽ ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình và các thành viên khách trong gia đình. Hơn nữa, khả năng tham gia vào quá trình lao động tạo ra thu nhập khi mà con người đạt đến độ tuổi nhất định. Điều đó đảm bảo cho họ có cuộc sống độc lập về kinh tế, chín muồi về tâm lý, đầy đủ ý thức xã hội để thực hiện các chức năng của gia đình và duy trì tế bào của xã hội.

          So với Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã nâng độ tuổi kết hôn của nữ thành đủ 18 tuổi, nam đủ 20 tuổi thay vì vừa bước sang tuổi 18 đối với nữ hay bước sang tuổi 20 đối với nam như trước đây. Như vậy, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định nâng độ tuổi kết hôn nhằm thống nhất với những quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên), khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý...Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì đương sự là người đủ 18 tuổi trở lên mới có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Như vậy, nếu cho phép người chưa đủ 18 tuổi kết hôn là không hợp lý, thiếu đồng bộ và làm hạn chế một số quyền cảu người nữ khi xác lập các giao dịch như quyền yêu cầu ly hôn thì phải có người đại diện. Vì vậy, việc quy định nữ phải từ đủ 18 tuổi mới được kết hôn có mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nữ giới trong tố tụng dân sự.

          Cách tính tuổi kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 như sau: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên là trường hợp nam đã đủ hai mươi tuổi, nữ đã đủ mười tám tuổi trở lên và được xác định theo ngày, tháng, năm sinh. Trường hợp không xác định ngày sinh, tháng sinh thì thực hiện như sau:

          + Nếu xác định được năm sinh nhưng không xác định được tháng sinh thì tháng sinh được xác định là tháng một của năm sinh;

          + Nếu xác định được năm sinh, tháng sinh nhưng không xác định được ngày sinh thì ngày sinh được xác định là ngày mùng một của tháng sinh.

          Như vậy trong tình huống trên anh A sinh ngày 31/12/1996 thì đến ngày 31/12/2016 anh đủ 20 tuổi và được thực hiện quyền kết hôn. Chị B sinh ngày 31/12/2002 thì đến ngày 31/12/2020 chị mới đủ 18 tuổi. Tại thời điểm hai người muốn đăng ký kết hôn là ngày 01 tháng 9 năm 2020 chị chưa đủ 18 tuổi, chị chưa đủ điều kiện kết hôn.

          Hiện nay vấn đề tảo hôn vẫn còn xảy ra nhiều, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, cở các vùng đồng bằng dân tộc thiểu số sinh sống. Các cặp vợ chồng trẻ miền núi thường tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán địa phương, sau đó về chung sống với nhau, đến khi đủ tuổi mới ra Uỷ ban nhân dân cấp xã đăng ký kết hôn và làm thủ tục xác nhận cha, mẹ, con. Nhiều trường hợp mới đăng ký kết hôn đã muốn ly hôn vì kết hôn khi chưa suy nghĩ chín chắn, như vậy ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hai vợ chồng về sau, đặc biệt là con cái. Vì vậy chính quyền, cơ quan ban hành cần tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nam, nữ kết hôn đúng tuổi mà Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, để đảm bảo cho cuộc sống của gia đình sau này được ấm no, hạnh phúc và bền vững.

           Thứ hai: Tình huống về quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ và chồng

          Sự kiện kết hôn làm phát sinh quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng. Nội dung quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng bao gồm các quan hệ nhân thân và các quan hệ tài sản. Trong đó, quan hệ nhân thân là quan hệ giữa vợ và chồng về những lợi ích phi vật chất, gắn liền với cá nhân vợ, chồng trong suốt thời kỳ hôn nhân và không thể chuyển giao cho người khác. Khác với chế độ phong kiến, mục đích của việc xác lập quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

 Anh A theo Đạo Thiên chúa giáo, chị B theo Đạo Phật giáo. Sau khi kết hôn, anh A ép chị B phải từ bỏ Đạo Phật để theo Đao Thiên chúa giáo, chị B theo Đạo Phật giáo. Hành vi đó có vi phạm quy định  của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 không?

          Theo quy định tại Điều 22 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau”. Như vậy hành vi của anh B đã vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của chị A, trừ trường hợp một trong hai người muốn thay đổi tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ hôn nhân, khi đó, người còn lại có thể có ý kiến riêng, nhưng không thể áp đặt tín ngưỡng, tôn giáo của mình cho người khác. Quy định này xoá bỏ hiện tượng xảy ra trên thực tế là với danh nghĩa vợ, chồng một bên đã cấm cản trở quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của bên kia, làm ảnh hưởng đến quyền cơ bản của con người đã được Hiến pháp thừa nhận. Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật

          Thứ ba: Một số tình huống về chế độ tài sản giữa vợ và chồng

          Chế độ tài sản của vợ chồng là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ về tài sản giữa vợ và chồng, bao gồm các quy định về căn cứ xác lập tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng; các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản giữa vợ và chồng. Theo quy định tại khoản 1, Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Vợ chồng có quyền lựa chọn chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thoả thuận” và phải dựa vào nguyên tắc chung khi áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng; của các thành viên trong gia đình và của người thứ ba liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng.

           Tình huống trong việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Anh A và chị B kết hôn năm 2012, từ đó đến nay chị B sinh lần lượt 2 con, do sức khoẻ của con yếu nên chị B chỉ ở nhà nội trợ và trông con còn anh A đi làm, hàng tháng thu nhập của anh A khá cao và mọi chi tiêu sinh hoạt trang trải cuộc sống đều do anh A lo liệu. Nay anh A và chị B có những mâu thuẫn không thể chung sống tiếp được, chị B muốn ly hôn, nhưng lại e ngại mình sẽ phải ra đi tay trắng vì chị nghĩ rằng chị chỉ ở nhà nội trợ trông con không trực tiếp đi làm. Vậy trong trường hợp của chị B khi ly hôn Toà sẽ xử phân chia tài sản ra sao

          Tại khoản 1, Điều 29. Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ và chồng có quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”.

 Điểm b, khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình 2014, nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn: “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập”

Theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ban ngày 6/01/2016 về hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014​ thì “công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” theo Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.

Như vậy theo những quy định trên đây nếu vợ chồng chị không thoả thuận được việc phân chia tài sản thì Toà án sau khi hoà giải mà đôi bên vợ chồng chị vẫn nhất quyết ly hôn thì Toà án sẽ giải quyết theo chế độ luật định. Tài sản chung sẽ được chia đôi. Mặc dù chị không đi làm nhưng chị ở nhà nội trợ và trông con thì chị vẫn được coi như là lao động tương đương. Tuy nhiên Toà sẽ xét các yếu tố công sức đóng góp của mỗi người để phân chia một cách hợp lý để không bên nào bị thiệt thòi khi ly hôn và phân chia quyền nuôi con. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn

Trong thực tế nhiều gia đình chỉ có một người đi làm có thu nhập, người còn lại ở nhà nội trợ không trực tiếp tạo ra tài sản chung thì giữa họ cũng có quyền và nghĩa vụ như nhau trong quyền sở hữu tài sản chung. Bởi vì nếu một bên không chăm sóc con cái, nội trợ, thực hiện các công việc trong gia đình thì bên kia không thể tham gia lao động ngoài xã hội được. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên ở nhà chăm lo cho gia đình nên pháp luật đã ghi nhận sự bình đẳng giữa lao động ngoài xã hội và lao động trong gia đình. Đồng thời quy định này là phù hợp với mục đích của hai bên nam, nữ khi tiến tới hôn nhân là muốn cùng nhau quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ trong cuộc sống trên mọi phương diện.

 Tình huống về xác định tài sản chung, tài sản riêng

          “Vợ chồng anh A và chị B, tiết kiệm được 200 triệu đồng từ những khoản thu nhập của cả hai. Năm 2017, giữa anh chị phát sinh mâu thuẫn và cả hai yêu cầu được ly hôn. Toà án đã ra quyết định thuận tình ly hôn, 200 triệu là tài sản chung của anh A và chị B, vì vậy Toà án sẽ chia đôi. Sau khi ly hôn, chị B dùng 100 triệu đồng của mình để đầu tư kinh doanh nên số tiền đó đã tăng thành 400 triệu đồng. Anh A dùng 100 triệu đầu đầu tư vào thị trường chứng khoán nên bị thua lỗ. Năm 2019, anh A và chị B kết hôn lại với nhau. Vậy 400 triệu đồng là tài sản chung hay riêng của chị B?

          Trong trường hợp trên nếu vợ chồng anh A và chị B không thoả thuận được tài sản chung và tài sản riêng thì tài sản áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định. (Điều 28, Điều 29, Điều 33, Điều 43 Luật HNGĐ 2014)

          Khi hai bên nam nữ kết hôn trở thành vợ chồng thì việc xác định giữa tài sản chung, tài sản riêng của mỗi bên trước và trong thời kỳ hôn nhân trong nhiều trường hợp xác định sẽ khó khăn. Để hạn chế tranh chấp giữa hai bên vợ chồng cũng như bảo vệ quyền và lợi ích cho người thứ ba có liên quan đồng thời để có cách thức phân chia chính xác đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng khi có yêu cầu, cần dựa vào các căn cứ sau:

           + Thời kỳ hôn nhân: thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân. Về nguyên tắc, trước thời điểm hai bên kết hôn hoặc kể từ thời điểm hai bên chấm dứt hôn nhân mà mỗi bên có tài sản thì đó là tài sản riêng. Trong thời kỳ hôn nhân mà mỗi bên có tài sản thì có thể đó là tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản của mỗi bên vợ, chồng.

          + Nguồn gốc tài sản: Để xác định đâu là tài sản chung, tài sản riêng thì cần xem tài sản đó có được từ nguồn gốc nào: do vợ, chồng làm ra, do vợ, chồng thực hiện các giao dịch về tài sản với người khác...Tuỳ thuộc vào nguồn gốc nhất định mà xác định đó là tài sản chung của vợ chồng hay tài sản riêng của một bên vợ, chồng.

          Như vậy theo quy định 400 triệu đồng là tài sản riêng của chị B vì đây là tài sản có nguồn gốc khi chị B dùng 100 triệu được chia sau ly hôn để sinh lời, do vậy, tài sản này là tài sản riêng của chị B có được không trong thời kỳ hôn nhân.

          Trên đây là một vài tình huống có thể vận dụng giúp học viên khắc sâu kiến thức trong nội dung phần Luật Hôn nhân và Gia đình thuộc bài 5, phần III.1 – chương trình Trung cấp Lý luận chính trị-hành chính. Trong thực tế cuộc sống có thể có rất nhiều trường hợp rất phức tạp cần người trong cuộc bình tĩnh suy xét thấu đáo để giải quyết vấn đề, những tình huống tác giả đưa ra thường đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu nhằm giúp học viên nhớ nhanh kiến thức qua đó đề cập đến những trọng tâm chính của nội dung phần học muốn truyền tải trong chương trình này. 


Các tin khác: