NÊU GƯƠNG - TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Th.s Nguyễn Thanh Tâm
Trưởng khoa xây dựng Đảng - Trường Chính trị tỉnh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và chính Người là tấm gương sáng về nêu gương. Theo Người mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải nêu gương về tư tưởng, đạo đức, lối sống và tự nêu cao vai trò nêu gương đối với mình, đối với người và đối với việc; phải luôn “nói đi đôi với làm” và phải biết lấy người tốt, việc tốt để tuyên truyền cho sự nêu gương. Nếu cán bộ, đảng viên nói nhiều làm ít, nói mà không làm, hoặc “nói một đằng làm một nẻo”, thì nhất định sẽ mất uy tín trước đơn vị, trước cộng đồng và vai trò của sự nêu gương sẽ không thể phát huy được. Người khẳng định: “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống”1 và “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”2.
Ngay từ khi Đảng ta mới ra đời, nêu gương đã trở thành một trong những truyền thống cao đẹp của Đảng và là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Những thế hệ lãnh tụ tiền bối của Đảng như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai,… là những tấm gương tiêu biểu về nêu gương, trọn đời cống hiến, hy sinh vì Đảng, đất nước và nhân dân. Đặc biệt, trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ và đổi mới đất nước, hàng triệu cán bộ, đảng viên của Đảng đã và đang là những tấm gương tiêu biểu, sáng ngời về nêu gương, qua đó đã lôi cuốn, cổ vũ, động viên, tổ chức, dẫn dắt nhân dân ta lập nên những thắng lợi to lớn của cách mạng; củng cố, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Thời gian qua, để khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, Đảng ta ban hành nhiều quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Ngày 7-6-2012, Ban Bí thư ban hành Quy định số 101-QĐ/TW “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Tiếp đó, ngày 19-12-2016, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Tại Hội nghị lần thứ tám (khóa XII), Trung ương thảo luận, ban hành Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.
Quá trình thực hiện các quy định trên cho thấy, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ Trung ương đến cơ sở đã được nâng lên một bước, tạo chuyển biến tích cực trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Kỷ cương, kỷ luật của Đảng được tăng cường, pháp luật của Nhà nước được đề cao, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường sẽ tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, tình cảm đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do vậy, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên càng phải được coi trọng và là một nhiệm vụ, giải pháp cấp thiết để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống. Để thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị các cấp cần tiếp tục thực hiện thật tốt trách nhiệm nêu gương, cụ thể là:
Thứ nhất, thường xuyên tự rèn luyện, trau dồi mọi mặt để thực sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, trong sáng, gương mẫu về mọi mặt. Để làm tốt điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương; làm cho việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên; cần phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm; nói và làm không nhất quán giữa khi còn đương chức với lúc nghỉ hưu; phải thật sự xem đây là một nội dung, biện pháp hết sức quan trọng trong xây dựng Đảng về tư tưởng và đạo đức trong tình hình mới.
Thứ hai, không ngừng nâng cao nhận thức về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nêu gương không chỉ là trách nhiệm mà còn là bổn phận và đạo lý của người cán bộ, đảng viên. Do đó, phải biến nhận thức đúng đắn về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên thành những hành động thiết thực, cụ thể trong công tác và đời sống hằng ngày; thấm nhuần sâu sắc di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”3. Mặt khác, phải tự đặt mình trong kỷ luật của tổ chức, nghiêm túc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy định của cơ quan, đoàn thể; phải là những người đi đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá cách mạng.
Thứ ba, thường xuyên đổi mới phong cách, lề lối làm việc theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; không độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng; luôn gắn bó mật thiết với đồng chí, đồng nghiệp nơi công tác và nhân dân ở nơi cư trú. Cần quán triệt và thực hiện tốt phương châm: lãnh đạo nêu gương cho nhân viên; đảng viên nêu gương cho quần chúng; thế hệ đi trước nêu gương sáng cho thế hệ đi sau. Kiên quyết chống những biểu hiện vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ tư, thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình coi đó là biện pháp quan trọng để thực hành nêu gương. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, thường xuyên tự kiểm điểm bản thân mình, có dũng khí đấu tranh tự phê bình và phê bình trước cấp ủy, tổ chức đảng, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh, không tranh công, đổ lỗi, dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Thực hiện tự phê bình và phê bình phải mang mục đích, ý nghĩa trong sáng, vì công việc chung, vì sự đoàn kết của tổ chức và vì sự tiến bộ của từng đảng viên. Kiên quyết đấu tranh chống lại việc lợi dụng phê bình để bôi nhọ, hạ thấp uy tín của nhau, gây mất đoàn kết nội bộ, hoặc ca ngợi, xu nịnh nhau, làm cho nhiều người, kể cả người lãnh đạo tự mãn, chủ quan.
Thứ năm, mỗi cán bộ, đảng viên phải có quyết tâm cao trong việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào thực tiễn. Đó là biểu hiện tốt nhất của trách nhiệm nêu gương. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy các cấp, mỗi cán bộ, đảng viên phải có quyết tâm chính trị cao, trong mỗi việc làm phải thể hiện được khát vọng, tầm nhìn và ý chí trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị; đồng thời, phải cụ thể hóa các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp trong các Nghị quyết sao cho phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị, tránh những biểu hiện giáo điều, chủ quan, duy ý chí và chạy theo thành tích... Đồng thời, phải bằng mọi cách thông qua hoạt động lãnh đạo trong thực tiễn của tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và của từng cán bộ, đảng viên để nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào nghị quyết của Đảng, để nghị quyết của Đảng thật sự đi vào cuộc sống./.
1 Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 263.
2 Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 552.
3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 284