NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG Ở ĐẢNG BỘ TỈNH SƠN LA
Th.s Nguyễn Thanh Tâm
Trưởng khoa xây dựng Đảng - Trường Chính trị tỉnh
Đảng bộ tỉnh Sơn La hiện có 17/17 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 597 tổ chức cơ sở Đảng (355 đảng bộ, 242 chi bộ), 4.223 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở với 86.116 đảng viên. Nhiệm kỳ 2015-2020, công tác học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng được cấp ủy các cấp tổ chức thực hiện khá toàn diện, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, góp phần quan trọng đưa nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, từng bước tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, "Xây dựng tỉnh Sơn La sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc".
Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng là khâu đầu tiên, quan trọng nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân và là điều kiện tiên quyết đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, căn cứ Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn tỉnh, trên cơ sở đó các cấp, các ngành và địa phương căn cứ vào Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt của địa phương, đơn vị mình phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, để học tập, quán triệt nghị quyết có chất lượng, hiệu quả, cấp ủy các cấp đặc biệt coi trọng việc phân công đội ngũ báo cáo viên cấp ủy triển khai học tập, quán triệt nghị quyết sao cho phù hợp với chuyên môn, năng lực và sở trường. Đội ngũ báo cáo viên cấp ủy các cấp là đồng chí Bí thư và các đồng chí trong Ban Thường vụ cấp ủy hoặc trong cấp ủy có trình độ lý luận chính trị, nhiều kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo. Trước khi tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết các báo cáo viên đều chuẩn bị kỹ đề cương, vận dụng phương pháp truyền đạt phù hợp với đối tượng nên việc học tập, quán triệt nghị quyết không trở nên khô cứng. Đặc biệt, sau học tập, quán triệt nghị quyết nhiều tổ chức đảng đã tổ chức cho đảng viên viết bài thu hoạch, đồng thời tổ chức nhận xét đánh giá đối với các bài thu hoạch của cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, ở một số tổ chức Đảng đã tổ chức các hội thi báo cáo viên giỏi về tuyên truyền nghị quyết bằng các hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tiễn… Những kết quả đạt được đó, khẳng định Đảng bộ tỉnh luôn nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhận định: Đảng bộ đã “Tiếp tục đổi mới về nội dung, phương pháp học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo hướng phù hợp với từng đối tượng như tăng cường tổ chức học tập bằng hình thức truyền hình trực tiếp, trực tuyến từ tỉnh; về nội dung, tập trung làm rõ những nội dung mới, cơ bản… Nhất là tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ tỉnh ủy về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng việc học tập, nghiên cứu, quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị và văn bản chỉ đạo của Ðảng”. Trong quá trình học tập, quán triệt nghị quyết luôn coi trọng phương pháp tự nghiên cứu, tăng cường trao đổi, thảo luận và quán triệt những vấn đề liên quan đến quan điểm, lý luận gắn với thực tiễn mà nghị quyết đặt ra, liên hệ với tình hình nhiệm vụ ở cơ sở, giải đáp thắc mắc nhằm tạo sự thông suốt, thống nhất cả về nhận thức, tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên”…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng ở Đảng bộ tỉnh vẫn có những hạn chế như một số cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên “...chưa chú trọng đến công tác quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Biểu hiện là một số cấp ủy, đội ngũ báo cáo viên chưa thực sự dành thời gian đầu tư biên tập tài liệu học tập nghị quyết phù hợp với đối tượng người học; khi truyền đạt nội dung còn hạn chế về liên hệ thực tiễn và phương pháp truyền đạt nên chưa thu hút, lôi cuốn người nghe. Công tác quản lý việc học tập nghị quyết của cấp ủy có nơi chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng một số đảng viên tinh thần, thái độ học tập nghị quyết chưa thật sự nghiêm túc, viết bài thu hoạch còn mang tính hình thức,...
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế trong công tác học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng ở Đảng bộ tỉnh Sơn La thời gian tới, nhất là học tập, quán triệt nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thực sự có chất lượng, hiệu quả, để sớm đưa nghị quyết vào đời sống thì ngoài việc thực hiện nghiêm túc tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 03/01/2018 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng việc học tập, nghiên cứu, quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị và văn bản chỉ đạo của Đảng", cấp ủy các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên cần làm tốt một số nội dung cơ bản sau đây:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về công tác quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là khâu đầu tiên, quan trọng nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân và là điều kiện tiên quyết đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đồng thời kiên quyết khắc phục cho được tình trạng học tập, quán triệt nghị quyết cho xong mà không chú đến chất lượng, hiệu quả việc tổ chức thực hiện nghị quyết ở địa phương, đơn vị mình.
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức học tập, quán triệt nghị quyết bằng các hình thức phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Về nội dung học tập: đối với cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương, báo cáo viên cần đi sâu vào những nội dung cơ bản và mới, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của các quan điểm trong nghị quyết; giải pháp thực hiện; liên hệ thực tiễn và định hướng vận dụng những nội dung của nghị quyết vào lĩnh vực công tác; đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Đối với đảng viên ở cơ sở, báo cáo viên giới thiệu những nội dung chính, ngắn ngọn, dễ hiểu, gắn với tình hình thực tiễn của từng lĩnh vực, của ngành, địa phương nhằm tạo sự thông suốt về nhận thức, tư tưởng và vận dụng vào thực tế công tác. Về hình thức học tập, quán triệt nghị quyết thì tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương, đơn vị mà sử dụng linh hoạt hình thức truyền thống tổ chức tại hội trường hay hình thức trực tuyến thông qua cầu truyền hình. Về phương pháp học tập, quán triệt nghị quyết hướng tới sử dụng phương pháp hiện đại phù hợp, như trình chiếu powerpoint; tránh tình trạng đọc cho xong, nói cho hết nội dung nghị quyết. Tăng cường trao đổi thảo luận nội dung học tập, quán triệt nghị quyết bằng cách chia tổ, nhóm để thảo luận. Ngoài ra, tùy vào từng chuyên đề để bố trí thời lượng hợp lý trên tinh thần rút ngắn thời gian triển khai nhưng đảm bảo nội dung, tránh dàn trải, kéo dài dẫn đến mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập, quán triệt nghị quyết.
Ba là, coi trọng đổi mới về cách thức tổ chức, quản lý các buổi học tập, quán triệt nghị quyết, trong buổi triển khai học tập, quán triệt nghị quyết cấp ủy các cấp phải thành lập Ban tổ chức để theo dõi qúa trình học tập, quán triệt của đảng viên; đồng thời đôn đốc, nhắc nhở kịp thời để cán bộ, đảng viên tập trung học tập, quán triệt nghị quyết nhằm đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất. Ban tổ chức không nên giải quyết cho đảng viên xin nghỉ học tập, quán triệt nghị quyết mà không có lí do chính đáng; xử lí nghiêm những đảng viên không nghiêm túc khi tham gia học tập, quán triệt nghị quyết theo quy định.
Bốn là, tùy tính chất và tầm quan trọng vào từng nghị quyết của Đảng, sau mỗi đợt học tập, quán triệt nghị quyết, Ban tổ chức triển khai cho cán bộ, đảng viên viết bài thu hoạch. Bài thu hoạch quy định phải viết bằng tay, không được đánh máy. Vì nếu bài viết đánh máy sẽ có hiện tượng sao chép để hoàn thành bài thu hoạch. Kết quả nhận xét, đánh giá các bài thu hoạch được gửi về ban thường vụ cấp ủy cấp dưới trực tiếp biết và xem đây là một cơ sở để nhận xét, đánh giá phân loại đảng viên hằng năm.
Năm là, cấp ủy và Ban Tuyên giáo cấp ủy phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng theo quy định. Kết quả kiểm tra, giám sát là căn cứ để khen thưởng kịp thời với các tổ chức đảng, đảng viên tổ chức học tập, quán triệt đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng; đồng thời xử lí nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên không thực hiện nghiêm túc kế hoạch học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng các cấp theo quy định./.