Đường dây nóng: 0212.3852.153

Lịch Giảng Dậy

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 17
Hôm qua : 23
Tháng này : 600
Tổng truy cập : 236810
Đang trực tuyến : 1

Tin Tức ››

“GIÁ TRỊ NGƯỜI PHỤ NỮ LÀ THƯỚC ĐO TRÌNH ĐỘ PHÁT TRIỂN CỦA XÃ HỘI”

Cập nhật: 08:06:20 08 / 06 / 2021
Lượt xem: 104
“GIÁ TRỊ NGƯỜI PHỤ NỮ LÀ THƯỚC ĐO TRÌNH ĐỘ PHÁT TRIỂN CỦA XÃ HỘI”

“Không có mặt trời hoa hồng không nở,

Không có phụ nữ không có tình yêu,

Không có tình yêu không có hạnh phúc

Không có người mẹ không có anh hùng.” – Sưu tầm.

 

 

Nhưng không phải ở đâu, lúc nào người phụ nữ cũng được trân trọng và đặt đúng chỗ. Thời cổ đại ở Phương Tây, người phụ nữ bị cột chặt trong vai trò sinh học, không được coi là một con người đúng nghĩa, Platon từng nói: “Tôi cám ơn trời đã cho tôi là một người Hy Lạp chứ không phải là một người dân mọi rợ, một người tự do chứ không phải một người nô lệ, một người đàn ông chứ không phải một người đàn bà”[1]; hay theo Aristote phụ nữ là người không hoàn thiện theo nghĩa nào đó: “Một người phụ nữ là một “người đàn ông không hoàn chỉnh””[2]. Đến thời trung cổ, dù xã hội có sự phát triển nhất định về mặt kinh tế, nhưng dưới chế độ bóc lột giai cấp của chế độ phong kiến gia trưởng và sự lên ngôi của thần học, vị thế và vai trò của người phụ nữ càng bị chà đạp. Phụ nữ lúc này bị coi “là cám dỗ đáng sợ nhất của quỷ dữ”, Giăng Crixotom một nhà thuyết giáo cho rằng: “Trong các loài dã thú, không có con nào làm hại bằng đàn bà” và theo Thánh Tô mát: “đàn bà chỉ là một sinh linh nhất thời và không hoàn chỉnh, một thứ đàn ông dở dang”[3].

Ở Phương Đông, sự phân biệt đẳng cấp được thể hiện rõ nét trong tư tưởng của Nho giáo và ý thức hệ phong kiến. Đạo Phật được coi là đạo từ bi, khi mong muốn giải thoát cho chúng sinh khỏi kiếp khổ hạnh, và bao hàm cả tư tưởng bình đẳng sơ khai. Nhưng vẫn có khoảng cách về giới giữa nam và nữ, khi quan niệm sắc dục là một trong những cám dỗ và trở ngại lớn trên con đường đấu tranh đạt đến cảnh giới Phật môn. Trong tư tưởng Nho giáo – một học thuyết triết học chính trị xã hội có thể được coi là chủ nghĩa xã hội không tưởng phương Đông, khi chủ trương xây dựng một xã hội “Đại đồng”. Thế nhưng khi bàn về phụ nữ, Nho giáo chưa thừa nhận đúng vai trò của phụ nữ, khi xếp phụ nữ vào hạng “tiểu nhân” trong xã hội. Vì thế, số phận những người phụ nữ bị trói buộc và gò ép vào thuyết “tam tòng”, “tứ đức”. Theo Khổng Tử phụ nữ là thứ người khó dạy bảo, cảm hoá: Duy nữ tử dữ tiểu nhân, vi nan dưỡng dã. Cận chi, tắc bất tốn, viễn chi, tắc oán  (chỉ có đàn bà và bọn tiểu nhân là khó nuôi dạy. Hễ mình gần gũi thì họ khinh nhờn, còn xa cách nghiêm nghị thì họ oán ghét). Tư tưởng đó ăn sâu vào trong từng gia đình phong kiến “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “trai nam nhân năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”...

Tư tưởng giải phóng phụ nữ, dần được phát triển gắn với hoạt động của những nhà tư tưởng cấp tiến từ thời Phục hưng cho đến thời hiện đại. Với những đại diện tiêu biểu như: Sáclơ Phuriê với luận điểm “Giải phóng phụ nữ là thước đo mức độ tự do trong xã hội”[4], Môngxtetkio, Vônte, Điđrô... Đặc biệt là người phụ nữ được đặt yêu cầu cần được giải phóng và bênh vực triệt để trong tư tưởng của các nhà sáng lập và phát triển của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Từ hoạt động thực tiễn, trong nhiều tác phẩm của mình, Mác đã đồng cảm và phác hoạ số phận, tình cảnh của người phụ nữ trong xã hội tồn tại đối kháng giai cấp và bóc lột. Trong xã hội tư bản, những người phụ nữ bị áp bức, bóc lột dã man đến kiệt sức, thậm chí là chết. Nhưng những gì mà tư bản trả cho phụ nữ thì cực kỳ rẻ mạt: “3 em gái 13 tuổi, trả tiền công từ 6 đến 8 silinh một tuần thay thế cho 1 người đàn ông lớn tuổi có tiền công từ 18 đến 45 silinh”[5]. Sự bất bình đẳng đối với phụ nữ cũng lan cả vào các gia đình tư sản, Ăngghen viết: “Trong gia đình gia đình, người chồng là nhà tư sản, người vợ đại biểu cho giai cấp vô sản”[6].

Vị trí và vai trò của phụ nữ trong xã hội được Mác và Ăngghen đánh giá rất cao. Mác cho rằng “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng, muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc chắn không làm nổi... Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà, con gái thì biết xã hội tiến bộ ra thế nào”[7]. Nhưng để phụ nữ có được quyền bình đẳng trong xã hội, một trong những nguyên tắc cơ bản nhất là phải xoá bỏ chế độ tư hữu, vì đến cả chủ nghĩa tư bản – chế độ sở hữu tư nhân cao nhất trong lịch sử, người phụ nữ vẫn chưa được giải phóng và vẫn bị chà đạp. Lênin khẳng định: “Việc lập pháp tư sản ngay ở những nước tiên tiến nhất cũng lợi dụng vị trí không rõ ràng của phụ nữ để bắt họ ở vào địa vị không bình đẳng trước pháp luật và làm nhục chị em”[8]. Vì thế, theo Lênin một trong những nhiệm vụ lập pháp ở Nga và các nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là xây dựng luật pháp mới không còn thấy “dấu vết” gì về bất bình đẳng với nữ giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng luôn dành sự quan tâm và tình cảm đặc biệt cho phụ nữ, ngay từ những văn bản đầu tiên khi thành lập nước đã khẳng định: đàn bà ngang quyền với đàn ông trên mọi phương diện – Hiến pháp 1946, cho đến tận lúc sắp “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”, trong Di chúc thiêng liêng, Người vẫn đau đáu nghĩ về tương lai phụ nữ:“Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ  đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ…”[9].

“Giá trị người phụ nữ là thước đo trình độ phát triển của xã hội” – đây không chỉ là một luận điểm mang tính lý luận thuần tuý, mà đang được thể nghiệm thực tế trong xã hội hiện nay. Ở các nước tư bản phát triển cao như Bắc Âu: Đan Mạch, Na uy, Thuỵ Điển... Nơi được gọi là “Xã hội phúc lợi” rất phổ biến cảnh các ông bố đẩy xe nôi hoặc dắt tay con, trong khi người mẹ một mình tung tăng cười nói. Trong gia đình người chồng sẽ vào bếp nấu nướng hoặc tắm rửa cho con, trong khi vợ xem tivi hoặc đang làm việc trên laptop. Ở đây, mại dâm là bất hợp pháp, và khi bị bắt quả tang, nhà chức trách không đụng chạm đến các “nàng Kiều” mà chỉ tập trung phạt tiền rất nặng những kẻ “mua hoa”. Tôi thiết nghĩ, chắc vì những giá trị tốt đẹp đó mà rất nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định: Những chiếc ô cửa sổ của chủ nghĩa xã hội đang được hình thành ở các nước Bắc Âu.

Ở Việt Nam – quốc gia đang thu được rất nhiều thành tựu trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, luôn đặt vấn đề giải phóng và bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ của sự phát triển đất nước. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới… nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”[10]. Sự bình đẳng về giới và sự phát triển của đất nước luôn gắn với vai trò của phụ nữ trong xã hội. Đó là ngày càng có nhiều hơn tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các công việc quan trọng của quốc gia, dân tộc: từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội khóa I đến tỷ lệ 24,42% của Quốc hội khóa XIII; trong phát triển kinh tế, xã hội ngày càng xuất hiện nhiều doanh nhân thành đạt, nhà khoa học danh tiếng là nữ giới.

Thời kỳ cổ đại và phong kiến gia trưởng đã lùi xa vào lịch sử bánh xe tiến hoá nhân loại, nhưng những tư tưởng phân biệt đối xử, xem thường người phụ nữ không vì thế mà biến mất. Với tính cách là hình thái ý thức xã hội, những tư tưởng đó vẫn hiện hữu ở khá nhiều nơi và nhiều người trong xã hội hiện nay. Giải phóng, mang lại quyền tự do, bình đẳng cho phụ nữ vẫn là một cuộc cách mạng phải tiếp diễn.

Tóm lại, việc mang lại quyền tự do và bình đẳng thực sự cho phụ nữ không chỉ dừng lại bằng việc hiến định trong Hiến pháp, hay ghi nhận bằng pháp luật, mà phải từ trong tư tưởng của những người đàn ông. Tất nhiên, chúng ta không kêu gọi cái bình đẳng theo nghĩa cào bằng, vì “chỉ có những kẻ điên mới đi tìm sự bình đẳng ở cái được sinh ra”. Nhưng một xã hội văn minh, phát triển thì cần nhìn nhận đúng vai trò, vị thế của phụ nữ xứng tầm với sự cần thiết của họ đối với xã hội và yêu cầu tái sản xuất chính bản thân con người. “Giá trị người phụ nữ là thước đo trình độ phát triển của xã hội”, nên chừng nào phụ nữ chưa được giải phóng thì chừng đó chưa thể nói đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

[1]Jostein Gaarder (2006), Thế giới của Sophie, Nxb.Tri thức, tr.149.

[2] Jostein Gaarder (2006), Thế giới của Sophie, Nxb.Tri thức, tr.149.

[3] Bùi Thị Tỉnh (2009). Phụ nữ và giới, Nxb. Chính trị quốc gia, tr.86.

[4] Jostein Gaarder (2006), Thế giới của Sophie, Nxb.Tri thức, tr.178.

[5] C. Mác (1988), Tư bản – Phê phán khoa kinh tế chính trị, Nxb Sự thật, t.1, tr.500.

[6] C. Mác – Ph.Ăngghen: Toàn tập (1995), Nxb.Chính trị quốc gia, t.21, tr116.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập (2002), Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, t.2, tr.288.

[8] V.I.Lênin với vấn đề giải phóng phụ nữ (1970), Nxb.Phụ nữ, tr.34.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia-Sự thật, H.2011, t.14, tr.617.

[10] Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb.Tư pháp, H.2013, tr.18.


 


 ThS. Hoàng Văn Sơn                                              

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở - Trường Chính trị tỉnh
 


Các tin khác:
Các tin liên quan: