Phát triển Công nghiệp chế biến nông sản - một trong những giải pháp góp phần đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững trên địa bàn
tỉnh Sơn La
Th.S Mè Thu Thủy
Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng - Trường Chính trị tỉnh Sơn La
Sơn La là Trung tâm của vùng Tây Bắc, cách Hà Nội 320km về phía Tây Bắc, diện tích tự nhiên là 14.174,44km2, đứng thứ 3 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỉnh Sơn La có quốc lộ 6 (Hà Nội - Sơn La - Điện Biên) đi qua, là điểm nhấn trên hành lang kinh tế Tây Bắc. Quốc lộ 279 nối liền các tỉnh từ Tây Bắc sang Đông Bắc, có ranh giới với các tỉnh trong nước dài 628km và có chung đường biên giới Việt Nam - Lào dài 274km. Sơn La nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa mang đặc điểm khí hậu Tây Bắc, mùa đông lạnh và khô, mùa hè nóng ẩm mưa nhiều. Địa hình chia cắt mạnh hình thành nhiều tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi tạo điều kiện cho sự phát triển một nền sản xuất nông lâm nghiệp phong phú.
Khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm gắn với đẩy mạnh công nghiệp chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế của tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, các nghị quyết của Trung ương Đảng khóa XII và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Trong lĩnh vực kinh tế, tỉnh đã chú trọng lãnh đạo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Trong đó, đã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng. Cụ thể, tỉnh đã lãnh đạo định hướng thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn được ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hình thành các vùng cây ăn quả, vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tăng cường sử dụng các giống mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất tốt, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng tiêu thụ sản phẩm và hiệu quả kinh tế, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi tư duy và phương thức sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, với nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư chăn nuôi tập trung; trong nội bộ lĩnh vực trồng trọt, tăng diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp, giảm diện tích cây hàng năm kém hiệu quả.
Kết quả đến năm 2020, tỉnh Sơn La đã trở thành vựa hoa quả lớn nhất miền Bắc, lớn thứ hai cả nước. Diện tích cây ăn quả và cây sơn tra toàn tỉnh đạt 80.515 ha, tăng 311% so với năm 2015, đạt 400% mục tiêu kế hoạch; có 147 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường 12 nước (Úc; Pháp; Mỹ; Nhật,...). Chăn nuôi được quan tâm phát triển cả về quy mô và chất lượng; toàn tỉnh đã có 22 hợp tác xã và 398 trang trại chăn nuôi (tăng 46% so với năm 2015). Một số sản phẩm đã được chế biến, tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước và xuất khẩu (một số sản phẩm nông nghiệp có sản lượng lớn như nhãn, xoài, mận, sơn tra, cà phê, chè, bò sữa...), đóng góp vào ngân sách tỉnh và góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân.
Tiếp tục phát huy lợi thế và những kết quả đã đạt được về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh trong thời gian qua, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định: “Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Xây dựng và hình thành 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc...”
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, thì việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản của Sơn La là rất quan trọng, tác động trực tiếp đến việc phát triển quy mô và chất lượng sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Hiện nay, trên bình diện cả nước cũng như ở Sơn La, thị trường đầu ra cho nông sản đang là một thách thức lớn, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn còn xẩy ra đối với người nông dân. Nếu không gắn với thị trường, không giải quyết được đầu ra thì sản xuất nông nghiệp không thể phát triển được. Thị trường đầu ra cho nông sản của tỉnh Sơn La bao gồm: Thị trường nội tỉnh, thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Đối với thị trường trong tỉnh, trong nước: Thị trưởng trong tỉnh với số dân trên 1,7 triệu và mức sống ngày được nâng cao sẽ có nhu cầu tiêu thị lượng nông sản chế biến lớn. Thị trường trong nước còn nhiều tiềm năng cần khai thác, đặc biệt là thị trường ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh … Thị trường nước ngoài: Xu thế mở cửa hội nhập hiện nay đã tạo ra triển vọng lớn cho xuất khẩu các sản phẩm nông sản (chủ yếu là lĩnh vực cây ăn quả) của tỉnh Sơn La trong thời gian tới. Do đó, tỉnh Sơn La cần tập trung khai thác hiệu quả các thị trường nông sản xuất khẩu như: Thị trường các nước Châu Á trong đó chú trọng các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật, Tây Âu, Mỹ. Song, yêu cầu bức bách đặt ra là phải nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu, cạnh tranh và chiếm lĩnh được thị trường. Trên thực tế, theo thống kê của tỉnh đến nay lượng nông sản được chế biến, có sức cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ ổn định còn thấp, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài mới chỉ tập trung vào một số sản phẩm chủ lực. Một lượng lớn sản phẩm nông sản chủ yếu tiêu thụ trôi nồi trên thị trường tự do, giá trị thấp. Do vậy, để góp phần đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Sơn La trong những năm tiếp theo, tỉnh Sơn La cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn của tỉnh.
Phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm từ nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từ nông nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm từ nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy sự phát triển toàn diện nền nông nghiệp hàng hóa một cách có hiệu quả; tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm; tăng thu nhập cho người lao động và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội khác ở nông thôn.
Trong những năm qua, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sơn La đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên so với tiềm năng hiện có thì công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp của tỉnh còn hạn chế nhiều mặt, chưa có tác động mạnh đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Điều đó do nhiều nguyên nhân như: sự mất cân đối giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; thiết bị máy móc chưa đồng bộ, phần lớn thiết bị lạc hậu, tình hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất chưa đảm bảo môi trường …
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh; thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế Sơn La, cần đầu tư phát triển Công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sự đột phá đi lên của tỉnh nhà. Sơn La cần phát huy hơn nữa năng lực của các thành phần kinh tế, kết hợp quy mô vừa và nhỏ, kỹ thuật thủ công nửa cơ khí và cơ khí, công nghệ hiện có và công nghệ hiện đại; phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, hướng tới giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp tinh chế…Đồng thời, cần sử dụng những giải pháp: Tiếp tục xây dựng và mở rộng các vùng tập trung chuyên canh, ứng dụng tiến bộ của cách mạng sinh học vào sản xuất, đảm bảo khối lượng, chất lượng nông sản nguyên liệu cho Công nghiệp chế biến sản phẩm từ nông nghiệp; Tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở chế biến nông sản hiện có theo hướng liên doanh, liên kết, gia công; đầu tư xây dựng những cơ sở chế biến mới theo hướng hiện đại nhằm sản xuất những sản phẩm mới có nhiều tiềm năng, có giá trị cao; Tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Thực hiện một số chính sách hợp lý để tạo điều kiện, tác động, thúc đẩy, thu hút các nhà đầu tư phát triển các nhà máy chế biến sản phẩm từ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cao theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới. Thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản khu vực Tây Bắc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra./.