Đường dây nóng: 0212.3852.153

Lịch Giảng Dậy

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 14
Hôm qua : 23
Tháng này : 597
Tổng truy cập : 236807
Đang trực tuyến : 1

Tin Tức ››

SƠN LA - HIỆU QUẢ SAU 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XIV, NHIỆM KỲ 2015 - 2020

Cập nhật: 02:02:18 22 / 04 / 2021
Lượt xem: 43

SƠN LA - HIỆU QUẢ SAU 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XIV, NHIỆM KỲ 2015 - 2020

 

                                                                                          Th.S Nguyễn Thị Minh Nguyệt

                                     Phó trưởng Khoa Lý luận cơ sở - Trường Chính trị tỉnh

 

Sơn La là tỉnh miền núi nằm phía Tây Bắc của tổ quốc, có diện tích tự nhiên 14.174,44 km2 chiếm 4,28% tổng diện tích đất nước Việt Nam, là tỉnh có diện tích lớn thứ 3 trong số 63 tỉnh, thành phố. Dân số của tỉnh là 1.252.646 người (tính đến ngày 31/12/2020)  gồm 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tỉnh Sơn La có 11 huyện và 01 thành phố với 204 xã, phường, thị trấn và 2.509 tổ, bản, tiểu khu (trong đó có 1.511 bản đặc biệt khó khăn; 17 xã biên giới, 126 xã khu vực III, 11 xã khu vực II và 65 xã khu vực I); Sơn La có 274 km đường biên giới giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra từ ngày 23 đến ngày 24 tháng 9 năm 2020, với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; đảm bảo quốc phòng an ninh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững” đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Theo đó, trong những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 theo giá hiện hành đạt 56.009 tỷ đồng, tăng 1,54 lần so với năm 2015, đứng thứ 5/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 ước tăng 5,46%/năm; Quy mô kinh tế tăng mạnh; thực hiện năm 2020, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 6,23%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,1 triệu đồng/người/năm, (tăng 13,3 triệu đồng so với năm 2015), tăng 3,6 triệu so với 2019, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIV đề ra.

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 18,62% (bình quân giai đoạn 2015-2020 giảm được 3%/ năm); toàn tỉnh có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 26 xã so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIV đề ra), có 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Diện tích cây ăn quả đạt 78.850 ha (tăng 12,9% so với năm 2019), lớn nhất mền Bắc và đứng thứ hai cả nước; sản lượng quả ước đạt 450.000 tấn. Một số vùng nguyên liệu nông sản của Sơn La đứng trong tốp đầu cả nước như: Sản lượng quả nhãn, mận (lớn nhất cả nước); xoài (đứng thứ 2 cả nước); cà phê; chè... Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng bình quân 5,3%/năm, với nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Cà phê xuất sang Đức, Malaysia; chè sang Nhật Bản, Đài Loan, Afganistan; tinh bột sắn sang Trung Quốc, Canada; long nhãn sang Trung Quốc, Hàn Quốc... Lĩnh vực công nghiệp có bước phát triển mạnh, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông sản, với 10 nhà máy chế biến nông sản đã đi vào hoạt động.

Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hướng đồng bộ, diện mạo từ đô thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc. Văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội có chuyển biến tích cực. Quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới. Công tác đối ngoại được duy trì, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác với 09 tỉnh Bắc Lào. Công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị được tăng cường. Vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu ngày càng rõ nét.

Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội được triển khai có hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Tình hình giải quyết các vấn đề di cư tự phát, truyền học đạo trái pháp luật, tệ nạn xã hội và ma túy có nhiều chuyển biến tích cực.

Tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp tổ chức, bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; chỉ đạo xây dựng, ban hành 23/24 đề án thực hiện theo từng lĩnh vực bảo đảm sát thực, phù hợp, đem lại kết quả thiết thực.

Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh và đạt được kết quả tích cực. Một số chỉ số đo lường chất lượng phục vụ hành chính của tỉnh được đánh giá cao hơn qua các năm (Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) năm 2019 xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, tăng 19 bậc so với năm 2015; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 29 bậc so với năm 2017; Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; tăng 26 bậc so với năm 2015).

Tuy đạt được những kết quả như vậy, nhưng những năm qua, tỉnh Sơn La vẫn còn một số hạn chế sau:

  Việc thực hiện ba khâu đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu song chất lượng tăng trưởng của một số ngành, lĩnh vực chưa bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm và thiếu vững chắc.

Sản xuất nông nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi điều kiện thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường; còn manh mún, nhỏ lẻ, nhất là tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản còn hạn chế; Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh còn thấp.

Sản xuất công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô sản xuất tại một số cơ sở còn hạn chế, một số sản phẩm công nghiệp còn gặp khó khăn trong tiêu thụ; chưa thu hút được nhiều lao động, chất lượng lao động chưa cao, lao động trình độ tay nghề cao còn thiếu. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản còn hạn chế, yếu kém, vấn đề xử lý chất thải, ô nhiễm môi trường còn bất cập.

Còn 5/24 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra (tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân, tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa, tỷ lệ đô thị hóa, chỉ tiêu về ma túy); kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội còn thấp hơn so với các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (xếp thứ 12/14 tỉnh); tỷ lệ che phủ rừng (xếp thứ 11/14),...); tỷ lệ hộ nghèo còn cao (xếp thứ 4/14 tỉnh).

Thu ngân sách trên địa bàn qua các năm đạt và vượt dự toán giao, nhưng chất lượng thu ngân sách chưa cao và chưa ổn định, nợ đọng thuế còn cao; riêng năm 2020, thu ngân sách giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cơ cấu chi ngân sách đã có chuyển biển tích cực, tuy nhiên việc xây dựng, phân bổ và giao dự toán một số năm chưa sát với thực tiễn. Kết quả huy động, thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu đầu tư của tỉnh; kết cấu hạ tầng đã được quan tâm đầu tư song vẫn còn yếu kém và thiếu đồng bộ.

Việc rà soát, ban hành cơ chế, chính sách có mặt chưa toàn diện, chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực văn hoá, giáo dục, còn có nhiều hạn chế trong việc tăng cường, mở rộng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; công tác đào tạo nghề cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân còn có mặt hạn chế; tình trạng người sử dụng ma túy còn diễn biến phức tạp, công tác hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng còn hạn chế. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, còn để xảy ra sai phạm, liên quan đến một số cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ, đảng viên; có đảng viên bị truy tố, kỷ luật Đảng; một số đảng viên thiếu gương mẫu, thiếu tự giác nhận và sửa chữa khuyết điểm.

Tình hình an ninh, trật tự khu vực biên giới còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp như hoạt động truyền và học đạo trái pháp luật, hoạt động tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”, tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới, di cư tự phát, xuất nhập cảnh trái pháp luật. Việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết một số vụ việc phức tạp thuộc diện ban thường vụ huyện ủy, thành ủy theo dõi, đôn đốc giải quyết có việc còn chậm. Việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng còn hạn chế.

Công tác nghiên cứu lý luận, tính dự báo còn chưa cao, kết quả nghiên cứu có mặt chưa gắn kết với yêu cầu của thực tiễn. Công tác sơ kết, tổng kết một số chủ trương, chính sách chưa khoa học, do đó những nhận định đánh giá kết quả đạt được, phân tích rõ những mặt hạn chế, yếu kém... còn chung chung, có nội dung chưa sát thực.

Công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp cơ sở còn hạn chế, chưa phát huy được sự vào cuộc của mỗi người dân ngay tại cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị. 

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, để khắc phục những hạn chế trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La cần tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tập trung rà soát, xây dựng quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, các cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng thực hiện của địa phương, làm cơ sở, động lực thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.

Hai là, Cơ cấu lại thực chất các ngành kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực. Từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ hiện đại, dựa vào đầu tư, xuất khẩu. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, trên cơ sở phát huy lợi thế đặc trưng của từng địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm; gắn phát triển nông nghiệp với xúc tiến thương mại, chế biến và xuất khẩu.

Ba là, phát triển văn hóa, xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân

Thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình, nội dung giáo dục theo hướng toàn diện, chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo và giá trị cốt lõi, gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.

Năm là, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng

Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đoàn kết các dân tộc, tập hợp, vận động, phát huy quyền làm chủ và trí tuệ của nhân dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy khả năng, tiềm lực, vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trong những năm tới, tỉnh Sơn La cần phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được, không ngừng cố gắng, nỗ lực, tận dụng thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng Sơn La phát triển trên các lĩnh vực, góp phần cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đối với giảng viên Trường chính trị, cần nghiên cứu, nắm rõ những kết quả đạt được nêu trên, vận dụng để liên hệ thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị, làm cho bài giảng thêm phong phú, sinh động. Đó cũng là một hình thức để góp phần xây dựng quê hương Sơn La ngày càng giàu đẹp, từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội. 

 


Các tin khác:
Các tin liên quan: