GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CHO THẾ HỆ TRẺ SƠN LA THÔNG QUA CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA
|
Ths Đinh Thị Hải Anh Giảng viên Phòng QLĐT&NCKH - Trường Chính trị tỉnh |
Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, phát triển kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan đối với nước ta trong quá trình hội nhập và phát triển. Những thành tựu về phát triển kinh tế trong những năm qua đã chứng minh sự cần thiết phải tiếp tục phát triển mô hình kinh tế này ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận những biểu hiện tiêu cực của kinh tế thị trường đang có xu hướng gia tăng, lan truyền trong đời sống xã hội đặc biệt là thế hệ trẻ, tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, lối sống của thanh niên.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa VII nêu rõ: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào thanh niên”. Và Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Dảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được thông qua tại Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa IX tiếp tục khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Xuất phát từ quan điểm đó, Đảng ta luôn giành cho thanh niên sự quan tâm, chăm lo đặc biệt, giáo dục, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển, trưởng thành, phát huy mọi tiềm năng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thế hệ trẻ ngày nay không chỉ là những con người có tri thức, có trình độ cao, có bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, mà một điều quan trọng là con người ấy phải có tư tưởng vững vàng, có lòng yêu nước, có ý chí biết vươn lên. Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ đó là một trong những ưu tiên hàng đầu, góp phần tạo nên những con người vừa hồng, vừa chuyên, khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức tự cường, tự tôn dân tộc trong thời đại ngày nay.
Giáo dục truyền thống cách mạng là việc giáo dục, tuyên truyền những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng, của quân và dân ta trong việc đấu tranh giữ gìn và xây dựng đất nước
Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thông qua các di tích lịch sử, các buổi nói chuyện giáo dục truyền thống. Điều đó giúp cho thế hệ trẻ có điều kiện rèn luyện, trưởng thành và sống có lý tưởng. Từ đó giáo dục thanh niên thấy được vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, hăng hái trong hoạt động thực tiễn, xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội và trên mọi lĩnh vực.
Giáo dục truyền thống tức là chuyển giao một di sản qúy báu của dân tộc cho những người trẻ tuổi, để họ có cơ sở hiểu được một quá khứ gian khổ, đau thương, vinh quang, anh dũng mà bao thế hệ trước đã đấu tranh gìn giữ và sáng tạo ra; để chúng ta có được ngày hôm nay. Từ đó nâng cao lòng tự hào, tự trọng dân tộc, rút ra cho mình một thái độ lao động mới, một cách nghĩ, cách sống mang đậm ý thức trách nhiệm với hiện tại và tương lai dân tộc.
“Lịch sử không phải là ngọn đèn đỏ gắn sau đuôi con tàu chỉ cho ta con đường đã qua, mà lịch sử là ngọn đèn pha rọi về phía trước chỉ cho ta biết ta từ đâu tới”. (Rô manh-Rô lăng, đại văn hào Pháp).
Những nội dung giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay để tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu của các thế hệ đi trước đó là:
- Truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, phục vụ suốt đời vì Tổ quốc, vì lợi ích dân tộc, lợi ích của nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
- Truyền thống xung kích cách mạng, xung phong tình nguyện, không ngại hy sinh, gian khổ, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
- Truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái và nhân đạo cao cả.
- Truyền thống hiếu học, ham hiểu biết, có ý chí vượt khó, cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, có hoài bão lớn.
Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã thực hiện rất tốt công tác này, thông qua các buổi giáo dục truyền thống tại các trường học, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bản tỉnh. Tính đến năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La có 97 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cụ thể:
Về xếp hạng: 64 di tích đã xếp hạng ( 01 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 47 di tích cấp tỉnh) và 33 di tích chưa xếp hạng
Về loại hình: Di tích lịch sử - văn hóa: 56 di tích; Danh lam thắng cảnh: 28 di tích; Kiến trúc nghệ thuật: 02 di tích; Khảo cổ: 11 di tích.
Về địa bàn phân bố: Thành phố Sơn La: 08 di tích; huyện Thuận Châu: 07 di tích; huyện Mộc Châu: 21 di tích; huyện Vân Hồ: 11 di tích; huyện Phù Yên: 05 di tích; huyện Mai Sơn: 09 di tích; huyện sông Mã: 03 di tích; huyện Sốp Cộp: 01 di tích; huyện Mường La: 06 di tích; huyện Bắc Yên: 05 di tích; huyện Quỳnh Nhai: 11 di tích; huyện Yên Châu: 10 di tích.
Như vậy có thể thấy với số lượng các di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng tại Sơn La rất lớn, đó là điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành, các đơn vị trường học tham gia xây dựng kế hoạch và phối hợp với Bảo tàng tỉnh thực hiện công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thông qua các địa chỉ đỏ, với những hoạt động cụ thể như:
Bảo tàng tỉnh Sơn La đã chủ động xây dựng kế hoạch phối kết hợp với phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện thực hiện công tác giáo dục truyền thống cho học sinh cấp Tiểu học và THCS. Tích cực phối hợp với chi đoàn thanh niên Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, chi đoàn Công an tỉnh, các trường học trên địa bàn thành phố Sơn La và một số huyện lân cận tổ chức đến học tập và trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, đền thờ Vua Lê Thái Tông. Tổ chức triển khai sâu rộng và có trọng tâm công tác giáo dục truyền thống tại cơ sở với 2 chuyên đề: “Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; Tiểu sử cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí minh và Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Sơn La”, tổ chức thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về lịch sử di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Phối hợp cùng với đoàn Bộ đội Biên phòng tỉnh; Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tổ chức tuyên truyền, tặng quà, chiếu phim tại Đồn Biên phòng và Trường THCS một số xã trên địa bàn các huyện.
Các chủ đề tuyên truyền được xây dựng và thường xuyên chỉnh sửa, được bổ xung xây dựng mới. Trong 5 năm đã xây dựng được các chủ đề:
Chủ đề 1: Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.
Chủ đề 2: Sơn La thời kỳ tiền sử và sơ sử.
Chủ đề 3: Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam, những bằng chứng lịch sử và pháp lý.
Chủ đề 4: Tiểu sử cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc Sơn La.
Chủ đề 5: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị danh tướng huyền thọai.
Chủ đề 6: Sơn La di tích và danh thắng.
Chủ đề 7: Di tích Ngã ba Còi Nòi - khúc tráng ca bất tử.
Chủ đề 8: Vượt ngục 1943.
Từ năm 2016 đến 2020 đã tổ chức tuyên truyền giáo dục truyền thống cho 76.044 lượt giáo viên, học sinh, sinh viên và tân binh lực lượng vũ trang tham gia. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và thực tế đã chứng minh thông qua các cuộc giáo dục truyền thống cách mạng qua các di tích lịch sử - văn hóa, thế hệ trẻ tận mắt tham quan di tích, nghe thuyết trình về lịch sử tại ngay địa chỉ đỏ, càng thấm thía hơn về hoạt động cách mạng cũng như sự hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ và nhân dân trong những năm tháng hoạt động cách mạng. Điều đó một lần nữa để khẳng định rằng thế hệ trẻ ngày nay không được phép quên cũng như không được phép thiếu hiểu biết về quá khứ đau thương mà kiêu hãnh của dân tộc.
Mặc dù đạt được những thành quả như trên, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Sơn La thông qua các di tích lịch sử trong thời gian qua vẫn còn có những hạn chế:
Công tác giáo dục truyền thống đã được quan tâm tuy nhiên công tác triển khi thực hiện còn chưa đồng bộ, một số trường học chưa chú trọng công tác giáo dục truyền thống lịch sử địa phương. Một số trường học trên địa bàn ở xa trung tâm nên giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, do đi tuyên truyền ở cơ sở cán bộ tuyên truyền phải mang theo rất nhiều bộ tranh ảnh trưng bày thuyết minh cho các chuyên đề giáo dục truyền thống.
Việc tham quan, tuyên truyền chủ yếu tại các di tích lịch sử - văn hóa lớn như: di tích lịch sử đặc biệt Nhà tù Sơn La, đền thờ Vua Lê Thái Tông, nghĩa trang liệt sỹ Nhà tù Sơn La… còn các di tích lịch sử - văn hóa khác tại các huyện, xã phần lớn chưa phát huy được.
Việc giới thiệu, tuyên truyền nội dung, ý nghĩa của một số di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương ở một số di tích còn chưa đảm bảo tính chính xác, cụ thể.
Từ thực trạng trên, để nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thông qua các di tích lịch sử - văn hóa cần phải thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là: Tăng cường sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
Cấp uỷ đảng các cấp, nhất là cấp cơ sở, cần quan tâm sâu sát, chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay. Tạo mọi điều kiện để việc giáo dục đem lại hiệu quả nhất, thức tỉnh được ý thức hệ của thế hệ trẻ. Để thế hệ trẻ vững vàng hơn về tâm thế, năng động, nhạy bén hơn trong tư duy và tích cực trong công việc, trong cuộc sống. Từ đó, giúp thế hệ trẻ ý thức được trách nhiệm đối với Tổ quốc, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc Việt Nam XHCN, tu dưỡng đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi thử thách của thời cuộc.
Hai là: Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giũa các cơ quan, ban, ngành đơn vị để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục truyền thống và nhận thức của thế hệ trẻ.
Để đạt hiệu quả thống nhất, ý thức tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ cần triển khai giáo dục một cách toàn diện, đồng loạt và nhất quán.
Ba là: Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ tuyên truyền cho cán bộ làm công tác tuyên truyền tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh
Chú trọng bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ cho các cán bộ làm công tác tuyên truyền, giáo dục để tác động tích cực, đánh thức ý thức của thế hệ trẻ đối với truyền thống cách mạng với bề dày kỳ tích lịch sử của dân tộc
Bốn là: Đổi mới, sáng tạo hơn nữa các hình thức tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng gắn với từng độ tuổi, ngành nhề.
Bên cạnh đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, cần phối hợp đổi mới phương pháp tuyên truyền, sao cho phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên. Phương pháp cần sinh động, gần gũi, dễ tiếp thu, dễ nhớ
Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thông qua các di tích lịch sử - văn hóa trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày là nay góp phần đào tạo nên những con người đủ phẩm chất năng lực, đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.