Đường dây nóng: 0212.3852.153

Lịch Giảng Dậy

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 17
Hôm qua : 23
Tháng này : 600
Tổng truy cập : 236810
Đang trực tuyến : 1

Tin Tức ››

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI VỀ MÔ HÌNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨAỞ VIỆT NAM

Cập nhật: 08:17:05 16 / 07 / 2021
Lượt xem: 47

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI VỀ MÔ HÌNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨAỞ VIỆT NAM                                         

                                            

                                     

     Tòng Thị Lan

Giảng viên Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu- Trường Chính trị

 

Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một dạng thức của mô hình kinh tế thị trường hỗn hợp, có sự quản lý điều tiết của nhà nước giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay. Đây là mô hình kinh tế đặc thù trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chưa có tiền lệ trong nền kinh tế thế giới: không phải là mô hình kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, cũng chưa phải là mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Khi luận giải mô hình kinh tế ở nước ta, các thế lực thù địch đã lợi dụng tên gọi đặc thù này để đưa ra các quan điểm sai trái, tuyên truyền chống phá bằng những luận điệu như: “Kinh tế thị trường là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, phát triển kinh tế thị trường là Việt Nam đang phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa”, Kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội như nước với lửa”,“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là chiếc mũ tàng hình, làm thế nào đi trên con tàu kinh tế thị trường của tư bản lại có thể tới đích xã hội chủ nghĩa”[1]. Có thể thấy, đây là những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta với mục đích: hình thành nhận thức sai lệch rằng đất nước đang phát triển theo con đường kinh tế tư bản chủ nghĩa; làm giảm sút uy tín của Đảng, làm lung lay niềm tin, ý chí của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, với con đường phát triển kinh tế xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

 Sự lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại ngày nay, sự lựa chọn này xuất phát từ những điểm sau đây:                                        

1- Kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản

Theo quan điểm kinh tế chính trị Mác-Lênin, kinh tế thị trường là giai đoạn phát triển cao của kinh tế hàng hóa, trong đó các yếu tố đầu vào, đầu ra đều thông qua thị trường, chịu sự tác động của các quy luật thị trường, các chủ thể tham gia trong nền kinh tế với mục tiêu tìm kiếm lợi ích, lợi nhuận. Giai đoạn kinh tế hàng hóa đã phát triển đến trình độ cao là giai đoạn được đánh dấu hình thành bằng trật tự vận động mua – bán  và mục đích của các chủ thể tham gia sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế khác với kinh tế hàng hóa giai đoạn phát triển. Cụ thể, nền kinh tế hàng hóa phát triển vận động theo công thức H-T-H’, đó là trao đổi hàng hóa qua vật trung gian là tiền, để có được hàng hóa mới đáp ứng nhu cầu sử dụng, mục đích là giá trị sử dụng của hàng hóa mới. Bên cạnh đó, trong nền kinh tế thị trường, các chủ thể sản xuất kinh doanh sẽ dùng vốn đầu tư để mua trước toàn bộ các yếu tố “đầu vào” rồi bán toàn bộ các sản phẩm “đầu ra” theo công thức T-H-T’ với T’>T, tức là mục đích của các chủ thể sản xuất, kinh doanh lúc này là hoạt động đầu tư có lãi, hoạt động tìm kiếm lợi nhuận.

Với cách hiểu khái quát và đầy đủ về kinh tế thị trường như trên, kinh tế thị trường có nguồn gốc và bản chất của kinh tế hàng hóa. Nhìn lại lịch sử phát triển kinh tế, kinh tế hàng hóa đã ra đời giữa các công xã trong xã hội chiếm hữu nô lệ. Theo tiến trình tự nhiên, khi sản xuất hàng hóa phát triển thì việc trao đổi, mua bán hàng hóa ngày càng được mở rộng, mối quan hệ hàng hóa – tiền tệ cũng phát triển, tất yếu những yếu tố đầu vào phục vụ quá trình sản xuất như vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên, khoa học kỹ thuật…(kể cả sức lao động, đất đai) cũng trở thành hàng hóa trên thị trường, dẫn đến sự ra đời của kinh tế thị trường.

Thế kỷ XV-XVI tại Vương quốc Anh, ngành dệt len, sợi ở Anh phát triển mạnh mẽ được C.Mác mô tả rằng: “Người Phéc-mi-ê bán toàn bộ sản phẩm của mình, và vì vậy trên thị trường phải hoàn lại tất cả các yếu tố sản xuất của anh ta, cho đến cả hạt giống nữa còn người tiểu nông thì tiêu dùng trực tiếp đại bộ phận sản phẩm của mình; anh ta mua và bán càng ít càng tốt, và trong chừng mực có thể, anh ta còn tự chế tạo lấy công cụ lao động, quần áo...[2] lúc này sản xuất hàng hóa đã phát triển đến giai đoạn của kinh tế thị trường. Ở Việt Nam, dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn vào thế kỷ XVII – XVIII, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Trung Quốc, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp….đã hình thành khu phố sầm uất Nhật Bản  ở Hội An. Các thuyền buôn mang đồ đồng, tiền đồng, sắt, đồ gia dụng… từ đất nước của họ đến Hội An bán và mua lại đường, tơ lụa, trầm hương… mang về nước bán lại, đây chính là điển hình minh chứng cho sự phát triển cao của kinh tế hàng hóa lúc bấy giờ. 

Như vậy, thực tiễn lịch sử cho thấy, kinh tế thị trường phát triển từ nền tảng kinh tế hàng hóa giản đơn trong xã hội chiếm hữu nô lệ, hình thành trong xã hội phong kiến và phát triển tới đỉnh cao trong xã hội tư bản và phát triển dưới nhiều chế độ chính trị xã hội khác nhau. Do đó, kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, mà là sản phẩm của văn minh nhân loại, trải qua lịch sử phát triển lâu dài mới hình thành nên nền kinh tế thị trường hiện đại và hiệu quả như hiện nay.

2- Phát triển kinh tế thị trường vừa không đối lập với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa là phương tiện cần thiết để xây dựng chủ nghĩa xã hội

  Theo quan điểm của Mác, quá trình phát triển của xã hội loài người đã, đang và sẽ trải qua năm hình thái kinh tế - xã hội: cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa (giai đoạn đầu được gọi là chủ nghĩa xã hội). Những hình thái kinh tế - xã hội đó được V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “Mác không tưởng tượng ra, nghĩ ra một xã hội “mới” nào cả. Không, Mác nghiên cứu sự phát sinh của xã hội mới từ xã hội cũ, nghiên cứu những hình thức quá độ từ xã hội này chuyển sang xã hội kia, coi đó là một quá trình lịch sử tự nhiên”[3]. Theo tuần tự quá trình lịch sử tự nhiên ấy, nếu cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công ở những nước tư bản chủ nghĩa đã có nền kinh tế thị trường phát triển cao thì nhà nước cách mạng chỉ cần kế thừa nền tảng vật chất kỹ thuật của xã hội cũ và xác lập kiến trúc thượng tầng của xã hội chủ nghĩa. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử đặc thù, cách mạng vô sản thành công ở một số  nước tiểu nông chiếm ưu thế, chưa có được nền tảng kinh tế của tư bản chủ nghĩa. Do vậy, theo tất yếu khách quan trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở những quốc gia không trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa, Lênin đã chỉ ra rằng phải “kế thừa tất cả những bài học mà nền văn minh lớn của chủ nghĩa tư bản đã thu được[4]bao gồm cả kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, thực tiễn lịch sử đã chứng minh kinh tế thị trường là mô hình kinh tế nhất có khả năng khai thác, sử dụng nguồn lực hiệu quả, tạo ra khối lượng của cải to lớn, sự thịnh vượng cho xã hội loài người, tất cả các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều đã và đang phát triển kinh tế thị trường. Từ đó, có thể khẳng định rằng, kinh tế thị trường không những không mâu thuẫn đối lập với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà còn là công cụ, phương tiện kinh tế để xây dựng tiền đề cơ sở vật chất kỹ thuật chủ nghĩa xã hội.

3- Thực tiễn Việt Nam đã chứng minh: mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với Việt Nam 

Thời kỳ trước năm 1986, Việt Nam duy trì mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, thực hiện thành công vai trò lịch sử trong việc tập trung, thống nhất mọi nguồn lực để khôi phục, xây dựng kinh tế ở miền Bắc và làm hậu phương cho nhiệm vụ chiến thắng quân xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi đất nước bước vào thời bình, mô hình kinh tế tập trung bao cấp đã có những hạn chế do triệt tiêu động lực kinh tế, kìm hãm sức sản xuất của xã hội. Vì vậy, tại Đại hội VI – Đại hội Đổi mới, Đảng ta đã khởi xướng, lãnh đạo đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện với cốt lõi là đổi mới kinh tế, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung do Nhà nước trực tiếp điều hành nền kinh tế (điều hành bằng mệnh lệnh hành chính, quan liêu, không thừa nhận vai trò của thị trường) sang phát triển nền kinh tế hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường, từ đó, dần hình thành các yếu tố cơ bản của thị trường như: giá cả hình thành tự do, nền kinh tế hoạt động theo các quy luật của thị trường. Sau Đại hội VI, Đảng tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đến Đại hội VIII (1996) đưa ra một khẳng định rất quan trọng: “Sản xuất hàng hóa tồn tại khách quan cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng”[5]

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (năm 2001), lần đầu tiên khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được khẳng định. Đại hội IX xác định “phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”[6], đây là kết quả của quá trình 15 năm đổi mới tư duy và đúc kết thực tiễn để lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn có bước bổ sung quan điểm, ngày càng làm rõ hơn nội hàm, mục tiêu và thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đến nay, Đại hội XIII của Đảng thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) với nội hàm như sau: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.”[7]

Kết quả, sau 35 năm Đổi mới tư duy kinh tế và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn: từ một nước nghèo, kém phát triển, quy mô nền kinh tế Việt Nam chỉ đạt 6.3 tỷ USD vào năm 1989 đã tăng lên đến 343 tỷ USD vào năm 2020, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN; thu nhập bình quân/người tăng từ mức chưa đạt 100USD/người năm 1986 lên đến 2.750 USD vào năm 2020 GDP/người, tức là tăng gấp 27.5 lần; kết cấu hạ tầng: giao thông vận tải, giáo dục, y tế…được đầu tư phát triển nhanh chóng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân, diện mạo đất nước và đời sống nhân dân đã thay đổi rõ rệt.  Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn…“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. [8]

Như vậy, kinh tế thị trường không phải là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, phát triển kinh tế thị trường không những không mâu thuẫn, đối lập với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà còn là phương tiện cần thiết để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, thực tiễn đã chứng minh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, kế thừa văn minh nhân loại, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình lãnh đạo phát triển đất nước mang lại những thành tựu to lớn trong công cuộc Đổi mới. Từ đó, tạo dựng niềm tin, sự đồng thuận của đại đa số nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế, xây nền tảng vững chắc đi lên chủ nghĩa xã hội./.

 



[1] Xem: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Cơ sở lý luận và thực tiễn”, Hội đồng Lý luận Trung ương, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đồng tổ chức, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2009, tr. 37, 44 – 46

[2] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t. 24, tr. 176

[3] V.I. Lê-nin: Toàn tậpSđd, 1976, t. 33, tr. 59 - 60

[4] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, 1977, t. 36, tr. 334, 382

[5] Ban Tuyên giáo TW Đảng: Tài liệu tham khảo bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2020, tr.70.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2001,tr.86

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021 (tập 1),tr.128

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập I), Nxb Chính tri quốc gia sự thật, H. 2021, tr.25.

 

 


Các tin khác:
Các tin liên quan: