Vận dụng một số nội dung về dự báo tình hình thế giới và Việt Nam trong văn kiện Đại hội XIII vào giảng dạy Lịch sử Đảng
|
Thạc sỹ: Đinh Thị Hải Anh Giảng viên Phòng QLĐT&NCKH – Trường Chính trị tỉnh |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, đúng là như vậy và hơn bao giờ hết trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, đưa đến cho chúng ta rất nhiều cơ hội để phát triển cũng như đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Đại hội lần thứ XIII là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, của dân tộc và của đất nước ta. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII có nhiều điểm mới so với các đại hội trước, trực tiếp là so với Ðại hội XII, việc xác định điểm mới trong dự báo tình hình thế giới và trong nước tại Báo cáo chính trị tại Ðại hội XIII có những điểm mới nổi bật.
“Về dự báo tình hình thế giới, so với Đại hội XII, Văn kiện Đại hội XIII nêu những dự báo mới: Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và gay gắt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn.
Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thỏa hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới.
Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch Covid-19. Các quốc gia, nhất là các nước lớn điều chỉnh lại chiến lược phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, làm thay đổi các chuỗi cung ứng. Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư nước ngoài giữa các nước ngày càng quyết liệt, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc.
Về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, Văn kiện Đại hội XIII nêu những dự báo mới: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn.
Về tình hình trong nước, Văn kiện Đại hội XIII nêu những dự báo mới: Sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn và sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Xu hướng già hóa dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước”[i].
Như vậy chúng ta thấy rằng Đại hội XIII đã dự báo rất rõ ràng, cụ thể tình hình thế giới và trong nước trong thời gian tới. Vậy làm thế nào để đất nước ta vượt qua được khó khăn, thách thức, vươn lên sánh vai với các cường quốc, năm châu, làm thế nào để chúng ta “hòa nhập nhưng không hòa tan” vẫn giữ được chủ quyền, giữ được những tinh hoa văn hóa mà cha ông ta đã hy sinh xương máu đề giành lại độc lập tự do.
Có thể khẳng định rằng, có lịch sử mới có tương lai. Lịch sử là quá trình phát triển khách quan của xã hội loài người nói chung cũng như của mỗi quốc gia, dân tộc. Lịch sử như một dòng chảy không ngừng từ khi con người xuất hiện, phát triển liên tục đến ngày nay và cả mai sau. Xu hướng toàn cầu hóa hiện nay đã làm cho các quốc gia dân tộc không phân biệt thể chế chính trị xích lại gần nhau. Vì thế, muốn hội nhập phải nói rõ lịch sử dân tộc mình cho thế giới hiểu đúng. Đồng thời, nước ta là nước đang phát triển, cần phải học hỏi kinh nghiệm của các nước khác.
Nghiên cứu, học tập, nắm vững tri thức khoa học về lịch sử Đảng có ý nghĩa rất to lớn trong việc giáo dục phẩm chất chính trị, lòng trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, tính kiên định cách mạng trước tình hình chính trị quốc tế có những diễn biến phức tạp và trong việc giáo dục đạo đức cách mạng, mà Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam là một mẫu mực tuyệt vời. Việc nghiên cứu, học tập lịch sử Đảng cũng có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục về truyền thống cách mạng, về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính, về lòng tự hào đối với Đảng và đối với dân tộc Việt Nam; đồng thời còn có tác dụng bồi dưỡng ý chí chiến đấu cách mạng, thôi thúc ở người học ý thức biết noi gương những người đã đi trước, tiếp tục cuộc chiến đấu dũng cảm ngoan cường, thông minh, sáng tạo để bảo vệ và phát triển những thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã tốn biết bao xương máu để giành được, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những môn học lý luận chính trị có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc giáo dục chính trị tư tưởng cho học viên, hình thành ở họ nhận thức và hành động cách mạng, đáp ứng mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước.
Trước bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến đổi như hiện nay, việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của Đảng Cộng sản việt Nam là điều cần thiết và để chống lại các thế lực phản động trong nước và quốc tế đang ra sức cổ súy, hô hào đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập theo “mô hình” tư bản phương Tây. Chúng ra sức chống phá Đảng và Nhà nước ta, nhằm mục tiêu phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng ta.
Qua mỗi bài giảng trong học phần Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam giảng viên cần làm rõ cho học viên thấy được thực tế lịch sử Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân ta đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh đổ đế quốc thực dân hùng mạnh là Pháp, Mỹ, giành độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ. Và hơn 30 năm đổi mới là giai đoạn lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt về sự lãnh đạo của Đảng ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện và triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, thể hiện tài năng lãnh đạo của Đảng ta. Đất nước ta đã đạt được những thành tự to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá; nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước được hình thành; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa, xã hội có bước phát triển mới; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; dân chủ XHCN được phát huy và ngày càng mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Như vậy chúng ta có thể khẳng định rằng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là đội tiên phong, dẫn đường và khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất của mình. Và trong thời đại 4.0, Ðảng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hệ thống chính trị và các lĩnh vực của đời sống xã hội; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, toàn quân chung sức, đồng lòng, tạo xung lực mới thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và phát triển đất nước
Hiện nay, để ngày càng nâng cao chất lượng học tập môn Lịch sử Đảng tại Trường Chính trị cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa người dạy và người học cùng với sự quan tâm của Nhà trường, trong đó vai trò của giảng viên Lịch sử Đảng là rất quan trọng, phải luôn trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ lý luận chính trị, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn nhằm mang đến cho học viên những bài học có tính thực tiễn cao, giúp học viên có nhận thức đúng đắn và góp phần xây dựng nên những con người vừa hồng, vừa chuyên sẵn sàng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân./.
[i] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà nội 2021.