TỰ HÀO NGƯỜI GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH SƠN LA
Lường Kim Duyên- Phòng QLĐT & NCKH
(Tập thể giảng viên Trường Chính trị tỉnh Sơn La)
Từ xưa đến nay, người Việt Nam ta luôn có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Cho dù ở thời đại nào, xã hội nào thì vai trò của người Thầy luôn được tôn vinh; đó là một minh chứng cho sự tôn trọng trí tuệ, khát khao hiểu biết của người Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà người xưa đã chắt lọc nên những câu ca dao, tục ngữ, những câu nói tốt đẹp về tình thầy trò như: “Muốn sang thì bắt cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”; “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Không thầy đố mày làm nên”…
Ở thời kỳ phong kiến Trung Quốc, xét quan niệm “Tam cang giả”, người thầy được đứng vị trí thứ hai trong trật tự “Quân – Sư – Phụ”, như vậy Thầy chỉ sau vua và trên cả cha. Tuy nhiên người thầy không có uy quyền của vua, không phải huyết thống như cha, nhưng vẫn được đặt lên hàng “Tam cương”. Các đối tượng trong mối quan hệ chặt chẽ ấy phải có một ranh giới rõ ràng, vua phải ra vua, thầy phải ra thầy, cha phải ra cha; giữa thầy và trò phải có một khoảng cách tuyệt đối. Quan niệm này khi du nhập vào nước ta đã có những chuyển biến mềm dẻo, phù hợp với truyền thống đạo đức, tâm lý của người Việt. Người Việt Nam ta cho rằng: Thầy là người dạy dỗ, bảo ban học trò, cho nên, người thầy là người đáng kính, gần gũi. Thầy như đấng sinh thành, dưỡng dục: Coi cha như thầy, coi thầy như cha. Người học trò xưa được cha mẹ gửi học tại nhà thầy, được thầy chăm sóc, bảo ban mọi chuyện trong cuộc sống, được sống với thầy nhiều hơn ở nhà, mọi chuyện đều hỏi thầy, nhờ thầy giúp đỡ. Vậy, Thầy là người được xã hội đặc biệt coi trọng và tôn vinh, là người mà nhân dân gửi gắm niềm tin, giúp con em họ học hành mà thành tài. Thầy giáo là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò noi theo, để trở thành người có đức, có nhân, có tài đứng ra giúp nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa…”[1]. Có thể thấy, vị thế của người thầy vô cùng quan trọng và thiêng liêng, Chính vì vậy, mỗi người thầy phải tự nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của mình, không ngừng vươn lên tự hoàn thiện bản thân mình, xứng đáng với trọng trách cao cả của mình.
Giảng viên trường chính trị là những thầy giữ trọng trách “huấn luyện” cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Bởi vậy công việc giảng dạy của những người thầy “đặc biệt” này là đào tạo ra đội ngũ cán bộ có đủ những năng lực và phẩm chất để làm người lãnh đạo, quản lý, làm người hoạch định chủ trương, đường lối và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, làm cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của đất nước thành hiện thực. Hàng năm, Trường Chính trị tỉnh Sơn La đã đào tạo, bồi dưỡng hàng nghìn cán bộ cho sự nghiệp cách mạng, tổ chức nghiên cứu nhiều đề tài khoa học các cấp, nhằm phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và góp phần cung cấp căn cứ khoa học cho tỉnh hoạch định đường lối, chính sách xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để thực hiện trách nhiệm lớn lao của mình, người giảng viên cần rèn luyện cho mình cả Tài và Đức, bởi uy tín của người giảng viên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo – bồi dưỡng.
Trải qua gần 60 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Trường Chính trị tỉnh Sơn La không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng, hoàn thành sứ mệnh vinh quang mà Đảng và Nhà nước đã giao.
Trong suốt chiều dài lịch sử của trường, Nhà trường đã không ngừng nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường cả về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, coi đây là khâu có tính đột phá và có tính chiến lược, lâu dài.Bên cạnh đó, nhằm thực hiện trách nhiệm lớn lao của người giảng viên Trường Chính trị, trong thời gian qua Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã đưa ra chủ trương, biện pháp cụ thể, tích cực trong việc tuyển dụng, bố trí sử dụng và đào tạo, rèn luyện đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ này trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Nhà trường.
Ý thức được vai trò, nhiệm vụ của mình, đồng thời để xứng đáng với sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường, mỗi giảng viên đã không ngừng vươn lên về mọi mặt ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, tác phong, lối sống và đặc biệt là nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức khoa học và phương pháp giảng dạy.
Trước yêu cầu to lớn của sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, với những âm mưu, diễn biến của các thế lực thù địch, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có lập trường chính trị tư tưởng vững vàng, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội; có trình độ chuyên môn cao; có kỹ năng trong xử lý công việc; có khả năng ứng phó với mọi điều kiện, hoàn cảnh. Điều đó đặt ra thách thức lớn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và đối với mỗi giảng viên Trường Chính trị tỉnh Sơn La nói riêng.
Mỗi thế hệ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Sơn La hôm nay nguyện đem hết khả năng, trí tuệ, nhiệt huyết của mình phục vụ sự nghiệp đào tạo cán bộ của đất nước, để làm tròn trọng trách cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; để xứng đáng là người giảng viên trường Chính trị tỉnh Sơn La, những người chiến sĩ tiên phong, đi đầu trên mặt trận chính trị tư tưởng, những nhà “huấn luyện” cán bộ như sinh thời Bác từng nói./.