TRƯỜNG CHÍNH TRỊ SƠN LA TRONG TÔI
Tôi gắn bó với mảnh đất Sơn La chưa lâu, thời gian công tác tại Trường Chính trị tỉnh Sơn La đến nay cũng chỉ mới 5 năm, con số tuy chưa phải là nhiều so với nhiều đồng nghiệp đang công tác tại trường. Nhưng có thể nói đó là niềm tự hào của tôi, khi được góp phần vào sự phát triển của nhà trường.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2012, nhưng phải đến năm 2017 tôi mới thực sự bén duyên trở lại với nghề sau rất nhiều công việc đã trải nghiệm. Có lẽ đó là cái duyên nghề nghiệp để tôi vững tin với sự lựa chọn của đời mình. Gắn bó với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đã giúp tôi có điều kiện cống hiến và trưởng thành, giúp tôi thấu hiểu sâu sắc những thăng trầm của lịch sử dân tộc, những giá trị cao đẹp của lý tưởng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, để rồi “đem hết tinh thần và nghị lực” góp phần cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nên những đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên” của tỉnh.
Thế hệ tôi và các đồng nghiệp trẻ về công tác tại trường, chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn so với thế hệ đàn anh đi trước ở rất nhiều điểm. Tôi vẫn thường được nghe những câu chuyện về nhà trường những năm tháng còn gian khó, nghe kể về những tấm gương của thế hệ các thầy cô đi trước với những nghị lực và sự tận tâm với nghề, họ đã tô thắm thêm trang sử vẻ vang trong các chặng đường phát triển của nhà trường. Sự trưởng thành của Trường Chính trị tỉnh Sơn La hôm nay đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ giảng viên và công nhân viên niềm tin và sự gắn bó với mái trường này.
Bản thân tôi, vốn xuất phát được đào tạo từ trường sư phạm nên trong công tác giảng dạy cũng có những thuận lợi rất cơ bản. Cùng với sự hồ hởi trong công việc là điều tôi cảm nhận được ở những người trẻ khi mới bắt đầu công tác. Tuy nhiên, cũng thật khó khăn với những giảng viên trẻ như tôi trong những ngày đầu công tác ở môi trường sư phạm khá đặc biệt này.
Trước hết, sự thiếu hụt về kiến thức thực tiễn là điều dễ nhận thấy ở đội ngũ giảng viên trẻ chúng tôi. Trong một môi trường mà đối tượng người học là những cán bộ, đảng viên đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác ở cơ sở thì việc giảng dạy, truyền đạt của giảng viên đòi hỏi cũng phải kết hợp linh hoạt rất nhiều các phương pháp giảng dạy, cách truyền đạt khác nhau. Mặc dù được đào tạo bài bản, có hệ thống ở bậc đại học và cao học trước đây, nhưng những vấn đề truyền thụ cho người nghe không hoàn toàn cố định như dạy học ở bậc phổ thông mà luôn thay đổi, bài giảng phải sống động, đòi hỏi tính thực tiễn cao, trên cơ sở những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu không đạt được yêu cầu đó, những kiến thức lý luận sẽ trở nên khô khan, khó thuyết phục và ít đọng lại giá trị đối với người nghe. Cái khó trong quá trình giảng dạy là phải làm sao để lời nói và hành động có sự thống nhất? Làm sao để lý luận và thực tiễn không mâu thuẫn với nhau? Và hơn nữa, phải làm cho chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước phải đến được với cơ sở, đi vào thực tiễn của cuộc sống, giúp cho đội ngũ cán bộ cơ sở (là những học viên của trường) hiểu rõ, nắm vững và vận dụng được vào trong thực tiễn công tác ở cơ sở. Để có thể đạt được những điều đó thì đòi hỏi ở người giảng viên, nhất là giảng viên trẻ như tôi phải không ngừng phấn đấu, tự học để lấp đầy những khoảng trống về tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng để có thể tự tin đứng trên bục giảng. Bản thân tôi phải luôn tự nhắc nhở không được tự mãn, kiêu ngạo cho rằng mình đã biết nhiều, biết đủ. Bởi tri thức trên đời này là bao la, cũng giống như đường chân trời, không có điểm đầu và điểm cuối cùng, những gì ta đã nhận thức được nó chỉ là sự hạn hữu trong thế giới vô cùng, nên phải không ngừng học hỏi và tự làm mới chính mình.
Thứ hai, đó là tâm lý bỡ ngỡ, rụt rè của một giảng viên trẻ khi mới bước vào nghề mà điểm dừng chân lại là một môi trường mà có nhiều đồng nghiệp vốn đã dạn dày kinh nghiệm… tất cả tạo nên những thử thách mới trong việc hòa nhập vào môi trường sinh hoạt chung của nhà trường.
Thứ ba, là sự chênh lệch về độ tuổi khá lớn giữa giảng viên trẻ và học viên, đôi khi đó là những khoảng cách khá lớn. Vốn dĩ xuất thân từ môi trường sư phạm nên tôi không lạ lẫm gì với việc đứng lớp, nhưng ở những môi trường đã tiếp cận trước đây chủ yếu là học sinh phổ thông hoặc sinh viên ở trường chuyên nghiệp, thì điểm lớn khác biệt về đối tượng người học ở trường Chính trị là học viên của nhà trường đều là những cán bộ đang công tác ở các sở, ban, ngành địa phương, nhiều người đã lớn tuổi, có địa vị trong xã hội. Họ không chỉ am hiểu về lý luận mà còn giàu kinh nghiệm thực tiễn, vốn sống phong phú. Tất cả những điều đó đã gây một sự áp lực không nhỏ đối với bản thân người giảng viên trẻ mới vào nghề như tôi. Có đôi lúc những điều đó làm tôi có sự nhầm lẫn dẫn đến “đánh tráo khái niệm”, tự làm cho mình phải già dặn hơn về mặt hình thức. Nhưng dần dần tôi nhận ra, để xóa nhòa những khoảng cách ấy, thì không phải đơn giản chỉ là sự thay đổi về hình thức bên ngoài và tác phong để che đậy đi những thiếu hụt của bản thân. Điều căn bản là tôi và các đồng nghiệp trẻ phải tự nâng tầm bản thân để khẳng định giá trị, uy tín, năng lực bằng việc trau dồi kỹ năng, tri thức cho chính mình. Phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ. Thông qua con đường học “thầy” (những đồng nghiệp đi trước), tự học và nhiều khi học từ chính học viên của mình với tất cả sự sự tôn trọng, cầu thị.
Đây có lẽ là những khó khăn chung đối với nhiều người trẻ khi mới vào nghề, nhưng với tâm thế luôn lắng nghe, cầu thị, cố gắng không ngừng, tôi và các đồng nghiệp vẫn luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, xây dựng cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng những tiêu chuẩn về đạo đức, về chuyên môn, nghiệp vụ cần có của một người giảng viên trường Chính trị.
Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các đồng chí trong Ban Giám hiệu nhà trường, các đồng chí lãnh đạo và các anh chị đồng nghiệp luôn tận tình chỉ bảo, động viên, giúp đỡ là nguồn cổ vũ lớn để tôi yên tâm công tác và phấn đấu. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đã 5 năm kể từ ngày tôi về công tác tại Trường. Hiện tại, tôi vẫn tiếp tục công việc đã chọn với trách nhiệm cao nhất. Mái trường này đã cho tôi trưởng thành, cho tôi thêm nhiều niềm hạnh phúc, sự tự hào, là một phần không thể thiếu trong bước đường trưởng thành của tôi và thế hệ những giảng viên trẻ chúng tôi. Tôi tự hào về điều đó.
Trường Chính trị Sơn La hôm nay đã 60 năm xây dựng và trưởng thành, nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của nhà trường để mỗi cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường thêm phần tự hào và ý thức trách nhiệm hơn nữa để vun đắp truyền thống của trường. Trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay, Trường đã và đang tiếp tục bồi đắp nên đội ngũ cán bộ, giảng viên có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết, đội ngũ lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm hướng tới đạt các tiêu chí Trường Chính trị chuẩn và xứng đáng là cơ sở uy tín trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà./.
Ths. Trần Thị Long
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở - Trường Chính trị