TỪ Ý CHÍ “RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC”
CỦA THANH NIÊN NGUYỄN TẤT THÀNH ĐẾN TINH THẦN
DÁM NGHĨ DÁM LÀM CỦA THẾ HỆ TRẺ HÔM NAY
1. Từ ý chí “ra đi tìm đường cứu nước” của thanh niên Nguyễn Tất Thành
“Khi tôi còn là hạt bụi, người đã lên tàu đi xa
Khi quê hương còn chìm nổi, người đã lên tàu đi xa
Khi tôi còn là hạt bụi, người đã lên tàu đi xa
Khi bến Nhà Rồng đầy nước mắt, bước chân Bác đặt chốn này”.
Đó là bốn câu trong bài thơ “Dấu chân phía trước” của nhà thơ Hồ Thi Ca, về sau được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc thành bài hát cùng tên nói về một sự kiện cách đây hơn 111 năm, vào ngày 5 tháng 6 năm 1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, người Thanh niên 21 tuổi – Nguyễn Tất Thành, với ý chí cứu nước mãnh liệt và lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Amiral La Touche De Tréville. Trong hơn ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã đi khắp năm châu bốn bể, từ Á sang Âu, từ Mỹ sang Phi để đến năm 1941, Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc, bốn năm sau đó – Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đọc “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Người đã hoàn thành một sứ mệnh lịch sử cao cả là đem lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Dân tộc Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đang chìm trong bóng tối của chế độ thực dân phong kiến, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân dưới nhiều hình thức và khuynh hướng khác nhau, nổ ra mạnh mẽ và quyết liệt nhưng đều thất bại. Trong hoàn cảnh “nước mất nhà tan” đó, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Ngay từ sớm, anh đã có ý chí đánh đuổi thực dân Pháp và phong kiến tay sai để mang lại độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào. Tháng 4 năm1908, anh tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân tỉnh Thừa Thiên, khởi đầu cho cuộc tranh đấu suốt đời Người vì quyền lợi của nhân dân lao động. Chính những hoạt động ban đầu này, cùng với sự mẫn cảm chính trị đặc biệt, đã giúp cho Người nhận ra được vòng luẩn quẩn không lối thoát của cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX và những đòi hỏi khách quan của tình hình mới. Mặc dù, Người rất khâm phục tinh thần của các vị tiền bối như cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào.
Nhìn nhận thực tiễn đó, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có nhận thức rất quan trọng: “phải tìm con đường khác, con đường mới; phải đi ra nước ngoài nhưng theo một hướng khác”. Đó là kết luận của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành với lòng yêu nước mãnh liệt và một cách suy nghĩ táo bạo, một trí tuệ hết sức minh mẫn, quyết khám phá bằng được con đường đi đến giải phóng cho đồng bào. Hành động đầu tiên chứng minh điều đó là Nguyễn Tất Thành đã từ chối ý định của cụ Phan Bội Châu đưa anh sang Nhật mà anh chọn con đường cứu nước khác là sang Pháp và các nước phương Tây.
Tại sao Người lại chọn con đường sang các nước phương Tây? Trong một lần trả lời nhà báo, nhà thơ Nga ÔXip Mandenstan, Nguyễn Ái Quốc đã nói rằng: “Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ TỰ DO - BÌNH ĐẲNG - BÁC ÁI. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”[1]. Người chú ý đến nước Pháp vì thực dân Pháp là kẻ đang trực tiếp thống trị và bóc lột nhân dân An Nam, và muốn tới chính “hang ổ của kẻ thù”, nói như tờ báo tiếng Pháp đương thời ở Sài Gòn lúc đó: “Con đường đến nước Pháp cũng chính là con đường chống Pháp”[2].
Hành trình từ Nghệ An vào miền Nam là bước khởi đầu cho chuyến đi thế kỷ của người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Lúc đó, gia đình, quê hương của Người cũng ở thời điểm đặc biệt, đúng nghĩa “nước mất nhà tan”. Ông cụ thân sinh đỗ đại khoa nhưng quan lộ ngắn ngủi, gia đình ly tán, quê hương bị khủng bố, bản thân ông cũng trôi dạt vào Nam Kỳ.
Trên đường đi từ Huế vào Sài gòn, Nguyễn Tất Thành theo cha vào huyện Bình Khê thuộc tỉnh Bình Định (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) nhân dịp ông Nguyễn Sinh Sắc được cử nhận chức tri huyện ở đó. Để tiếp tục việc học tập, từ tháng 9 năm 1909, Nguyễn Tất Thành được cha gửi đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ dạy tại Trường tiểu học Pháp - bản xứ Quy Nhơn theo chương trình lớp cao đẳng. Ông Phạm Ngọc Thọ kính trọng quan thừa biện Nguyễn Sinh Huy và rất mến Tất Đạt, Tất Thành. Đây là thời gian Nguyễn Tất Thành có điều kiện để học tiếng Pháp và tìm hiểu nền văn minh Pháp. Vào một ngày đầu thu (tháng 8 năm1910), Nguyễn Tất Thành tạm biệt Quy Nhơn đi vào Nam, lần theo ven biển đi đến Phan Rang, anh thấy một cảnh tượng đau lòng mà mấy năm sau, anh còn nhắc lại với một người bạn: những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo. Ở đâu chúng nó cũng thế. Ở ta, tôi cũng thấy chuyện như thế xảy ra ở Phan Rang. Bọn Pháp cười sặc sụa trong khi đồng bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa da vàng hay da đen cũng không đáng một đồng xu.
Từ nửa sau tháng 9 năm 1910 đến trước tháng 2 năm 1911, Nguyễn Tất Thành dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết). Thời gian đầu, thầy Thành ở nhờ nhà cụ Hồ Tá Bang, sau chuyển ra ở cùng với học sinh nội trú của trường tại nhà Ngư trong vườn cụ Nguyễn Thông. Thầy Thành được phân công dạy chữ Hán và chữ quốc ngữ cho học sinh lớp nhì. Thầy dạy rất tận tâm, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh. Thầy đã trao đổi tâm tư về thân phận người dân mất nước và nhiệm vụ cứu nước của mỗi người dân Việt Nam, trước hết là thanh niên có học thức với các thầy giáo và học sinh. Vấn đề thầy Thành đặt ra cũng là nỗi băn khoăn chung của thầy và trò, nên đã có ngay được sự đồng cảm sâu sắc, cùng nhau đào sâu chí căm thù và bồi dưỡng lòng tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc, bày mưu tính kế đánh đuổi quân thù.
Sau mấy tháng dạy học ở trường Dục Thanh, Nguyễn Tất Thành kết nối với những nhân vật của Hội Minh Tân ở Sài Gòn như với ông nghè Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Trần Lê Chất... chính họ đã tạo điều kiện để anh Thành có mặt ở Sài Gòn lần đầu tiên ngày 19.9.1910. Được một người trong Liên Thành giới thiệu, ngày 02.6.1911 Nguyễn Tất Thành tìm đến vị thuyền trưởng của con tàu La Touche De Tréville, đậu tại bến Nhà rồng. Đây là con tàu buôn và chở khách của hãng “Chargeurs” (Công ty Vận tải Hợp Nhất) còn gọi là hàng Năm Sao vì trên ống khói có hình năm ngôi sao. Với vốn tiếng Pháp ban đầu được tích luỹ thủa niên thiếu, Nguyễn Tất Thành đã thuyết phục được vị thuyền trưởng này chấp nhận làm một chân phụ bếp trên tàu. Ngày 03 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành chính thức xuống tàu làm việc với tên mới là: Văn Ba. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành từ cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc bắt đầu chuyến ra đi lịch sử.
Người thanh niên 21 tuổi ấy, ra đi với mục đích mà trong một lần trả lời nhà văn Mỹ Anna Luy Xtirông, Người nói: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường hỏi nhau ai là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[3, tr.13]. Khi rời bến Nhà Rồng ra đi tìm một con đuờng mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[4, tr.94]. Ý chí sắt đá và lòng quyết tâm cháy bỏng đi ra nước ngoài tìm con đường cứu nước, cứu dân còn được thể hiện trong câu chuyện đơn giản nhưng vô cùng lớn lao, khí phách. “Khi người bạn hỏi lấy đâu ra tiền mà đi, anh Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay: Đây, tiền đây... chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”[5, tr.39].
Chuyến đi của thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi vào lịch sử, viết lên lịch sử với những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Sau khi tìm thấy nguồn sáng cho tương lai, đọc được “Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin (tháng 7 năm 1920), Người đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam và xây dựng các tổ chức cách mạng, tạo tiền đề cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (03.02.1930). Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối đấu tranh của cách mạng Việt Nam, là nhân tố quan trọng hàng đầu để lãnh đạo các phong trào đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, trước yêu cầu mới của tình hình và được Quốc tế Cộng sản chấp nhận, ngày 28 tháng 1 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc lên đường về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” đã viết:
“Kìa Bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”
2. Đến tinh thần dám nghĩ dám làm của thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và tin tưởng ở thế hệ trẻ Người viết: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh phần lớn là do các thanh niên”[6, tr.216]. Không những đặt niềm tin mà Hồ Chí Minh thường khuyên thế hệ trẻ: “Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và nghị lực của mình, phải làm việc và chuẩn bị cho cái tương lai đó”[7, tr.372]. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động, sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[8].
Thế hệ trẻ hôm nay được sống, học tập, làm việc và cống hiến trong thời kỳ hòa bình và phát triển, chúng ta có cơ hội giao lưu học hỏi, được hội nhập văn hóa với khu vực và phát triển, chúng ta có lịch sử dân tộc làm điểm tựa, có văn hóa dân tộc làm nền tảng, có biết bao tấm gương anh hùng trẻ tuổi mãi mãi được lưu truyền trong sử sách, trong tâm khảm của mọi thế hệ thanh thiếu niên, mà tiêu biểu là Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Lê Mã Lương, Nguyễn Thái Bình, Đặng Thùy Trâm, Mười cô gái thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc… đem sức trẻ của mình xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, lấy tuổi xuân và máu mình tô thắm màu cờ Tổ quốc, với suy nghĩ “là người xin một lần ngã xuống, nhìn anh em đứng lên cắm cao ngọn cờ”, viết nên bản hùng ca bất diệt của tuổi trẻ, góp phần xứng đáng làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975 để thanh niên ngày nay soi mình vào đó.
Tiếp bước các thế hệ cha anh đi trước, thế hệ trẻ hôm nay luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân mình, không ngừng học hỏi, tìm tòi, tiếp cận với những chân trời tri thức mới. Trong hành trình đến với “con chữ” ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương đoàn viên, thanh niên nỗ lực vượt khó, chinh phục những đỉnh cao mới của tri thức nhân loại. Họ tự tin bước lên những đài cao mà thế giới dựng nên để tôn vinh trí tuệ. Họ kiêu hãnh ngẩng cao đầu hát vang quốc ca và mang về rất nhiều vinh quang, những giải thưởng quốc tế danh giá cho Tổ quốc. Hình ảnh Giáo sư Ngô Bảo châu nâng cao giải thưởng Fields, hay kỳ thủ Lê Quang Liêm hai lần vô định cờ vua thế giới,… đó là những biểu tượng xứng đáng của tuổi trẻ Việt Nam, thôi thúc các thế hệ kế tiếp phấn đấu, chinh phục những đỉnh cao sáng tạo, góp phần đổi mới và thúc đẩy đất nước, xã hội phát triển. Tô đậm thêm lịch sử hào hùng của dân tộc nói chung và của tuổi trẻ Việt Nam nói riêng. Ghi nhận lịch sử hào hùng của tuổi trẻ Việt Nam tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn (26.3.1931 - 26.3.2021) do TƯ Đoàn tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kỳ vọng: “Lịch sử nước ta đã từng dành những trang chói lọi cho tuổi trẻ nước ta. Tiền đồ xán lạn của dân tộc đang nằm trong tay và chờ đón tuổi trẻ nước ta”.
Để xứng đáng với biết bao thế hệ đàn anh đi trước, chúng ta không thể không trang bị cho mình một kiến thức sâu rộng về chuyên môn nghiệp vụ, về những trải nghiệm cuộc sống và những kỹ năng sống cần thiết, để chúng ta tự tin hơn trong suy nghĩ, lời nói và việc làm, chúng ta hành động và sáng tạo hơn với những ý tưởng mới mẻ, những hoài bão lớn lao. Và điều quan trọng nữa mà mỗi bạn trẻ chúng ta cần phải có đó là bản lĩnh, nghị lực ý chí, tính quyết đoán để có những đột phá, tạo dấu ấn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và mang lại những thành công mới, hơn thế nữa là khẳng định được bản thân mình trong tập thể và xã hội. Để được sống và dâng hiến như câu hát vang lên “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, những năm tới, trong bối cảnh tình hình mới trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo của thanh niên “Để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước, cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo của thanh niên với tư cách là lực lượng xã hội đông đảo, trẻ tuổi, giàu tiềm năng”[9].
Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thanh niên với tư cách là lực lượng xã hội đông đảo, trẻ tuổi, giàu tiềm năng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, người thanh niên cần quan tâm mấy vấn đề sau đây:
Một là, nghiêm túc học tập, quán triệt, tuyên truyền và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thông qua những việc làm thiết thực để chung tay cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, mỗi thanh niên phải nuôi dương, rèn luyện lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đặc biệt là nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng xây dựng đất nước và nhận thức rõ sứ mệnh, trách nhiệm của mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bản thân mỗi thanh niên phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, cầu tiến bộ; dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn. Ra sức đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, lối sống thực dụng, ích kỷ; chống tâm lý ngại khó, ngại khổ.
Ba là, thanh niên phải xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp, phát huy vai trò quan trọng trong phát triển bền vững đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Thanh niên phải là những người xung phong đi đầu trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; phải là những người đầu tiên, tích cực nhất trong hội nhập sâu rộng với thế giới. Cần tiếp tục nêu cao tinh thần tình nguyện, chia sẻ cùng cộng đồng, chăm lo cho thiếu nhi; xung phong đến với những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đến với những người nghèo, người yếu thế...
Hơn 111 năm nhìn lại sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước và ôn lại lịch sử hào hùng của tuổi trẻ Việt Nam. Thế hệ trẻ hôm nay càng “nung nấu” và “đốt cháy” hơn nữa những ý chí và hoài bão lớn lao. Thật đẹp biết bao khi chúng ta cùng bàn về hình ảnh của người thanh niên ở hai thế kỷ khác nhau, hơn 111 năm về trước, với niềm tin và nghị lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường giải phóng, làm rạng ngời dân tộc. Ngày nay - hơn 111 năm sau, thế hệ trẻ hôm nay cùng nhìn lại và tưởng nhớ về vị lãnh tụ kính yêu của dân, với tinh thần nguyện cùng Người sẽ mãi mãi vững tin bước tiếp con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn. Nguyện cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho quê hương, đất nước từ những việc làm đơn giản nhất, nhỏ bé nhất, nhưng có ích cho đời, như lời dạy của Người “Đâu cần thanh niên có; việc gì khó, có thanh niên”[10, tr.144].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Ái Quốc trả lời nhà báo Nga ÔXip Mandenstan, năm 1923.
2. Tờ báo tiếng Pháp ở Sài Gòn: La Courrier de Sai Gon
3. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1976.
4. Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 1993.
5. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, 2006, Tập 1.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, Tập 5.
7. Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1980.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
9. Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021).
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, Tập 13.
Th.s Trần Hoài Nam - Khoa Lý luận cơ sở