Đường dây nóng: 0212.3852.153

Lịch Giảng Dậy

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 17
Hôm qua : 23
Tháng này : 600
Tổng truy cập : 236810
Đang trực tuyến : 1

Tin Tức ››

ÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIA ĐÌNH – NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG TRONG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIA ĐÌNH VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

Cập nhật: 04:10:05 15 / 09 / 2022
Lượt xem: 67

NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIA ĐÌNH –

NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG TRONG  THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIA ĐÌNH VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030

TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

 

 

Gia đình là một thiết chế xã hội đặc biệt quan trọng, là cơ sở, là nền móng để xây dựng và phát triển xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”[1]. Nhận thức đúng vị trí, vai trò và chức năng của gia đình trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, phát huy những giá trị to lớn và bền vững của gia đình, đã ban hành nhiều nghị quyết, luật pháp, chính sách về xây dựng các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Ngày 30/12/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2238/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030. Nhằm tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 18/01/2022 về thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La. Kế hoạch xác định mục tiêu tổng quát “Xây dựng gia đình trên địa bàn tỉnh no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp, thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh và của đất nước”[2] cùng với 06 mục tiêu cụ thể. Để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu đó, tỉnh Sơn La cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nâng cao năng lực quản lý nhà nước về gia đình là nhiệm vụ quan trọng, tác động trực tiếp, điều chỉnh đến gia đình để quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của gia đình đảm bảo đúng mục tiêu, định hướng của Đảng, Nhà nước. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về gia đình không chỉ giúp chính sách về gia đình được thực thi, bộ máy làm nhiệm vụ quản lý về gia đình được vận hành hiệu quả mà còn góp phần thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khác trong công tác gia đình nói chung và quá trình thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 nói riêng.

Trong thời gian qua, tỉnh Sơn La không ngừng quan tâm thực hiện các chiến lược, đề án về công tác gia đình. Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ và đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, công tác gia đình cũng như quản lý nhà nước về gia đình đạt được những kết quả nhất định. Chính quyền các cấp đã xác định công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể giải quyết những thách thức, khó khăn về công tác gia đình; các cấp, các ngành đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể để vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; tổ chức các hoạt động phòng chống các tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã thực hiện tốt công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ, chủ động thông tin tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình. Hằng năm, ngay từ đầu năm UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác gia đình trên cơ sở những chỉ đạo, định hướng của Trung ương và căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh để xác định mục tiêu và những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh cần tập trung thực hiện. Quan tâm triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình…; số vụ bạo lực gia đình giảm qua các năm (năm 2020 có 72 vụ, năm 2021 còn 45 vụ, giảm 27 vụ = 38%)[3].

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về gia đình của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: một số cấp chính quyền chưa thật sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các văn bản về công tác gia đình; số lượng văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác gia đình còn ít, năm 2021 Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Sơn La đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành 08 văn bản thuộc lĩnh vực Nếp sống văn hóa và gia đình, thấp hơn với độ chênh tương đối lớn so với văn bản về lĩnh vực văn hóa (21 văn bản) và lĩnh vực du lịch (18 văn bản); việc tổ chức triển khai thực hiện có nơi còn lúng túng, chưa đề ra được chủ trương, biện pháp cụ thể; chưa ưu tiên tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng gia đình; thực tế mới chỉ lồng ghép với các chương trình, nhiệm vụ về phát triển văn hóa, xã hội. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương có lúc, có nơi chưa đồng bộ một số đơn vị chưa xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Điều kiện, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đề ra trong các chiến lược, đề án, kế hoạch về công tác gia đình chưa được quan tâm, tạo điều kiện, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về gia đình, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược Xây dựng gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, tỉnh Sơn La cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Một là, xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 lồng ghép, phối hợp với việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Thường xuyên rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý nhằm đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện công tác gia đình các cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thống nhất, có sự gắn kết nội dung gia đình với các lĩnh vực có liên quan; phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở.

Hai là, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác gia đình ở cơ sở. Xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhân lực làm công tác gia đình. Đặc biệt quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức văn hoá cấp huyện, cấp xã nhằm nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện công tác gia đình. Trang bị cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình tại cơ sở những kiến thức cơ bản về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; kỹ năng tuyên truyền, xây dựng triển khai công tác giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững tại cơ sở.

Ba là, xây dựng dữ liệu số về gia đình trên địa bàn tỉnh làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước về gia đình theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Đồng thời tăng cường tổ chức học tập các mô hình về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình tại các huyện, thành phố trong tỉnh; các tỉnh, thành phố trong toàn quốc; xây dựng, thực hiện các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về công tác gia đình.

Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ gia đình tiếp cận các nguồn lực xã hội, các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững; hoạch định, tổ chức thực hiện và đánh giá chính sách về gia đình; khuyến khích hoạt động sáng tác các tác phẩm văn học - nghệ thuật về chủ đề gia đình. Xây dựng, phát triển các loại hình dịch vụ gia đình cần thiết như mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn hôn nhân và gia đình, giáo dục về hôn nhân gia đình cho thanh niên trước khi kết hôn; thực hiện bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình, tư vấn, hỗ trợ các trường hợp bạo lực gia đình; hỗ trợ cuộc sống nhằm bảo đảm sự ổn định và an toàn của đời sống gia đình, quan tâm đến các gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm là, tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp liên ngành giữa các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tăng cường triển khai hoạt động cộng tác viên thực hiện công tác gia đình ở các bản, xóm, tổ, tiểu khu để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tư vấn. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật, chính sách về hôn nhân, gia đình, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; Kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật về gia đình như phòng, chống bạo lực gia đình, dân số, bình đẳng giới…

Trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới và tăng cường hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay, sự xung đột giá trị giữa cũ - mới, truyền thống - hiện đại là một tất yếu, đặt ra những yêu cầu mới trong công tác gia đình. Để thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La theo đúng định hướng của Nhà nước, đạt được các mục tiêu đã đề ra, năng lực quản lý nhà nước về gia đình của Sơn La cần được nâng cao hơn nữa, đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ trong công tác gia đình, hướng tới hoàn thành mục tiêu mà Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra: “Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới”./.

GV. Lường Thị  Việt Chi

 Khoa Nhà nước và pháp luật

* Chú thích



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1996, tập 9, tr. 523.

[2] UBND tỉnh Sơn La, Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 18/01/2022 về thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La, tr. 1

[3]Theo Báo cáo số 652/BC-SVHTT&DL ngày 21/12/2021 của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Sơn La.

 


Các tin khác:
Các tin liên quan: