Giảng viên Trường Chính trị trong việc góp phần bảo vệ giá trị
và tính thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin
|
|
Xã hội nhân loại chắc chắn không thể tiến đến trình độ giải phóng con người như hiện nay, nếu như không có ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Từ vai trò soi sáng của hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, xã hội nói chung và nhiều quốc gia đã xây dựng đất nước với nhiều ưu việt về mô hình xã hội. Tuy nhiên, do đặt lợi ích của cá nhân lên trên xã hội, lấy tiêu dùng vật chất vô hạn độ và chiếm hữu của cải làm thước đo giá trị của văn minh, hiện nay rất nhiều thế lực đang ra sức chống phá, xuyên tạc hòng phủ nhận giá trị, tính thời đại của chủ nghĩa Mác – Lênin.
Những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lênin
Chủ nghĩa Mác – Lênin là một hệ thống lý luận khoa học thống nhất về mục tiêu, con đường, biện pháp và lực lượng thực hiện sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động, xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản tương lai. Chủ nghĩa Mác – Lênin là thành tựu trí tuệ của loài người, được xuất hiện như một câu trả lời đúng đắn và chắc chắn nhất cho sứ mệnh xoá bỏ triệt để chế độ người bóc lột người, trên những phẩm chất thiên tài của các nhà sáng lập và yêu cầu khách quan của lịch sử đấu tranh giai cấp.
Chủ nghĩa Mác – Lênin không phải là sản phẩm của tư duy thuần tuý, cũng không chỉ là hệ thống tri thức được khái quát của lịch sử xã hội tại thời điểm các nhà sáng lập hoạt động. Mà đó là đỉnh cao của sự kế thừa có phê phán những giá trị của tư tưởng nhân loại và xu thế vận động tất yếu của lịch sử xã hội loài người. Lần đầu tiên trong lịch sử tư duy nhân loại, các ông[1] đã đưa những câu trả lời đúng đắn nhất cho các câu hỏi lớn nhất của lịch sử.
Những tiền đề cho sự ra đời của chủ nghĩa Mác – Lênin như: kinh tế - xã hội; tư tưởng lý luận và khoa học; yêu cầu khách quan của lịch sử đấu tranh giai cấp và phẩm chất thiên tài của cá nhân... đã luận giải sâu sắc trước những sự tấn công hòng phủ nhận cơ sở hình thành chủ nghĩa Mác – Lênin của các thế lực thù địch.
Những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lênin có thể kế đến: Chủ nghĩa duy vật lịch sử; Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội; Học thuyết giá trị thặng dư; Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và Chủ nghĩa xã hội khoa học.[2]
Vai trò, tính thời đại của chủ nghĩa Mác – Lênin trong giai đoạn hiện nay
Với tầm vóc là đỉnh cao của sự kết tinh trí tuệ, tư duy nhân loại, chủ nghĩa Mác – Lênin ra đời đã đánh dấu cho vai trò là chủ thể lịch sử của con người. Hệ thống triết học duy vật biện chứng đã cung cấp thế giới quan khoa học, nhân sinh quan tiến bộ và phương pháp luận biện chứng cho hoạt động nhận thức và cải tạo hiện thực. Học thuyết giá trị thặng dư đã làm sáng tỏ bản chất bóc lột, nguồn gốc của những mâu thuẫn không thể điều hoà của chủ nghĩa tư bản với tính cách là một kiểu kiến trúc thượng tầng dựa trên nền tảng của chế độ sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất, tính tất yếu bị thay thế của chính mình. Chủ nghĩa xã hội khoa học đã mở ra con đường, cách thức, lực lượng giải phóng con người trong thế giới hiện thực, chứ không phải tìm sự giải thoát ở thế giới phi trần thế (của tôn giáo, thần học) hay mức độ tư tưởng (của chủ nghĩa xã hội không tưởng).
Trước sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực giai đoạn 1917-1991 ở Liên Xô, Đông Âu và các nước chủ nghĩa xã hội khác. Các học giả tư sản đã rêu rao khắp nơi rằng chủ nghĩa Mác – Lênin đã bị cáo chung, rằng nền dân chủ tự do phương Tây là xã hội cuối cùng của lịch sử xã hội loài người. Nhưng dù cho họ có cố gắng dùng những lời lẽ tốt đẹp nhất để ca ngợi thể chế chính trị tư sản và ra sức phỉ báng giá trị của chủ nghĩa xã hội hiện thực đến thế nào đi chăng nữa, thì cũng không che đậy được những vấn đề nội tại của nó. Fukuzama – Học giả tư sản người Nhật từng tuyên bố vào năm 1992 rằng: Nền dân chủ tự do phương Tây là giai đoạn phát triển cuối cùng của loài người. Đến năm 2018 trong tác phẩm có tên “Bản sắc” đã phải thừa nhận những thất bại của chủ nghĩa tư bản và sự trỗi dậy của các quốc gia không lấy nền dân chủ tư sản làm chuẩn mực[3]. Sự đang vươn mình lớn mạnh của các Đảng Cộng sản lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng, lý luận để xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa như: Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Triều Tiên... đã minh chứng cho sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực giai đoạn 1917 – 1991, chỉ là một bước thụt lùi trong vòng xoáy ốc của sự phát triển.
Trên một góc nhìn thực tiễn khác, chúng ta thấy ở những nước tư bản phát triển ở Bắc Âu, thể chế chính trị và phương thức vận hành xã hội đang hướng vào giải quyết tốt các vấn đề xã hội, với những khái niệm mới như xã hội phúc lợi, nền kinh tế thị trường xã hội... Ngay như hiện nay, trên bàn cờ lớn của thế giới, nước Nga một trong những quốc gia quan trọng trong hệ thống Liên Xô cũ, dù đang xây dựng đất nước dựa trên thể chế chính trị dân chủ tư sản, nhưng cách quốc gia này giải quyết những vấn đề của thời đại cũng khác hẳn với quan điểm của thế giới phương Tây. Trên quan điểm cá nhân, tác giả thiết nghĩ chính những di sản về sự ưu việt từng đạt đến trong chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, là nguồn năng lượng thôi thúc vị Tổng thống thứ 2 của Liên bang Nga khác so với phần còn lại.
Như vậy, rõ ràng chủ nghĩa tư bản hiện nay đã có nhiều điều chỉnh, thay đổi cách biệt với bản chất vốn có của nó. Hay nói cách khác, chính các nước đang xây dựng đất nước dựa trên nền tảng của chế độ dân chủ tư sản, cũng đang phải vận động theo một quy luật khách quan mà chủ nghĩa Mác – Lênin dự báo: Loài người cuối cùng sẽ tiến đến chủ nghĩa cộng sản, đó là quy luật tất yếu của lịch sử tiến hoá nhân loại.
Trách nhiệm của giảng viên trường chính trị
Giảng viên trường chính trị với nhiệm vụ thực hiện giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng do nhà trường đảm nhiệm khi được phân công; tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đấu tranh chống những quan điểm sai trái, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước...[4].
Có thể thấy, đội ngũ giảng viên các trường chính trị có vai trò rất quan trọng trong góp phần truyền bá những giá trị khoa học, tính thời đại của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến các đối tượng học viên. Để có thể thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình, các giảng viên cần quan tâm một số nội dung sau:
Thứ nhất, nghiên cứu, giác ngộ, thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin, để có thể tự tin giảng dạy các nội dung liên quan đến hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, trước hết giảng viên chuyên môn phải hiểu thật rõ, nắm thật vững bản chất của những vấn đề lý luận được đem ra trao đổi, phải thật sự thấm nhuần, phải cắt nghĩa được những nội hàm căn bản. Khi hiểu và nắm vững được nội hàm của vấn đề lý luận, giảng viên có thể giảm bớt tính chất hàn lâm của các nguyên lý triết học, kinh tế học, chủ nghĩa xã hội khoa học. Từ đó giúp người học hình dung được ý nghĩa căn cốt nhất của những vấn đề lý luận bên trong cách diễn đạt đậm chất hàn lâm, trừu tượng.
Để có thể hiểu rõ, nắm vững được nội dung, các giảng viên, nhất là những giảng viên thâm niên giảng dạy còn ít, kinh nghiệm nghiên cứu chưa nhiều, cần phải tích cực nghiên cứu tài liệu, đọc, hiểu các giáo trình, sách chuyên khảo về các môn khoa học lý luận Mác – Lênin. Với những nội dung trừu tượng, khó hiểu cần mạnh dạn học hỏi, xin định hướng từ lãnh đạo, đồng nghiệp có trình độ, kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu lâu năm và ở cả những đồng nghiệp trẻ để giúp bản thân có được hệ thống tri thức phù hợp và đúng đắn, đủ tự tin để trao đổi trước người học. Bởi muốn giảng cho học viên hiểu, muốn đơn giản hoá các nội dung lý luận, thì một trong những yêu cầu tiên quyết là bản thân phải có tri thức và thấm nhuần vấn đề sẽ đưa ra.
Thứ hai, giảng viên phải tin tưởng vào bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, kiên định vững chắc vai trò là gốc nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động của các Đảng Cộng sản. Trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học cần bảo đảm tính Đảng, tính chiến đấu và tính thuyết phục. Nếu bản thân người giảng dạy, tuyên truyền không tin tưởng vào những điều mình nói, thì không thể thuyết phục được đối tượng người học. Phải quán triệt tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin là đỉnh cao trí tuệ, là kết tinh giá trị tư tưởng, lý luận của lịch sử tư duy nhân loại, là một hệ thống lý luận mở, có vai trò như một chiếc lăng kính màu sáng nhất để chúng ta nhận thức phù hợp với bản chất của sự vật.
Thứ ba, luận giải, làm rõ những vấn đề lý luận phải gắn liền với cung cấp những cứ liệu thực tiễn. Để bài giảng, chủ đề tuyên truyền có được tính thuyết phục cao, quan trọng nhất là đưa ra được những minh chứng thực tiễn cụ thể. Nếu chỉ dừng lại ở những vấn đề lý luận thuần tuý, cùng lắm giảng viên chỉ gây được sự chú ý trong quá trình diễn ra hoạt động giảng dạy, rất khó có thể thuyết phục học viên tin tưởng vào tính khoa học, giá trị, sức sống của những vấn đề lý luận.
Thứ tư, nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa mác – Lênin phải dựa trên quan điểm biện chứng. Chủ nghĩa Mác – Lênin đã trải qua hơn 174 năm tồn tại và phát triển (từ 1848), thực tiễn đời sống xã hội đã có rất nhiều thay đổi so với lúc hình thành. Vì vậy, yêu cầu giảng viên nghiên cứu, giảng dạy cần phải thấy được tính lịch sử cụ thể, bối cảnh ra đời của chủ nghĩa Mác - Lênin; xu thế vận động khách quan của xã hội đương đại... từ đó thấy được: Những nội dung nào của chủ nghĩa Mác – Lênin khẳng định trước đây đúng và đến nay vẫn đúng; những nội dung nào trước đây đúng nhưng đến nay cần phải nghiên cứu, bổ sung thêm cứ liệu hiện thực mới; những nội dung nào trước đây đúng nhưng chúng ta nhận thức chưa đúng. Trên cơ sở đó tiếp tục đào sâu nghiên cứu, tìm hiểu, bổ sung hơi thở mới, góp phần khẳng định cơ sở lịch sử, giá trị, tính thời đại của chủ nghĩa Mác – Lênin trong giai đoạn hiện nay.
ThS. Hoàng Văn Sơn Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở |
[1] Chỉ các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lênin
[2] Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng: Tài liệu tham khảo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.2020, tr.13-17
[3] Theo Phim tài liệu: Mùa đông 1991, do đơn vị Media 21 và Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh hợp tác sản xuất, được công chiếu liên tục từ ngày 17 đến 26/12/2021 trên kênh HTV9
[4] Theo Quy chế giảng viên Trường Chính trị tỉnh Sơn La ban hành kèm theo Quyết định 279-QĐ/TCT ngày 07/10/2019 của Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh