Đường dây nóng: 0212.3852.153

Lịch Giảng Dậy

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 17
Hôm qua : 23
Tháng này : 600
Tổng truy cập : 236810
Đang trực tuyến : 1

Tin Tức ››

Đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái về nguyên tắc tập trung dân chủ của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng

Cập nhật: 08:24:18 11 / 09 / 2023
Lượt xem: 82

Đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái về nguyên tắc tập trung dân chủ của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng

 

Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân, có tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động trên cơ sở những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ thống nhất ý chí và hành động lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”[1].  Tuy nhiên, lợi dụng những hạn chế trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị,... tìm cách đả phá, kêu gọi Đảng ta từ bỏ nguyên tắc này, cổ súy tư tưởng đa nguyên, đa đảng.

Từ khi mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, phong trào cộng sản rơi vào thời kỳ khủng hoảng, suy thoái, đã xuất hiện nhiều ý kiến nghi ngờ, đòi xét lại về nguồn gốc, bản chất, nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ. Thậm chí họ còn quy kết rằng, nguyên tắc này là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Đảng Cộng sản Liên Xô và các đảng cộng sản cầm quyền khác.

Lợi dụng vấn đề đó, cùng những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, các thế lực thù địch rao giảng rằng nguyên tắc tập trung dân chủ nay đã lỗi thời. Chúng tung ra những luận điệu cho rằng nguyên tắc này chỉ phù hợp khi Đảng ta còn hoạt động trong điều kiện bí mật, khi Đảng lãnh đạo đất nước trong điều kiện có chiến tranh, khi Đảng ta chưa giành được chính quyền. Còn hiện nay khi đất nước hòa bình đảng giữ vai trò cầm quyền lãnh đạo xây dựng đất nước thì việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không còn phù hợp mà đòi hỏi phải mở rộng dân chủ tuyệt đối, phát huy tối đa sáng tạo cá nhân. Vì cho rằng là lỗi thời, lạc hậu nên chúng kêu gọi cần phải từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tập trung dân chủ được xác định là nguyên tắc quan trọng nhất có ý nghĩa sống còn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Là bản chất của Đảng nên nó quy định sự vận động, tồn tại và phát triển của Đảng. Đảng có sứ mệnh lịch sử đó là lãnh đạo Nhân dân ta thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xóa bỏ áp bức bóc lột bất công để xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng văn minh, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ to lớn và rất phức tạp, quyết liệt, lâu dài đó Đảng cần phải có tổ chức chặt chẽ tập trung, thống nhất, kỷ luật nghiêm minh đồng thời lại phải có tổ chức dân chủ để phát huy mọi tiềm năng trí tuệ của đảng viên và các tổ chức trong toàn Đảng. Nếu trong tổ chức và hoạt động của mình mà Đảng tổ chức một cách lỏng lẻo và phân tán lại không có dân chủ nữa thì không chỉ xa rời bản chất của một đảng cộng sản mà cũng không đủ sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo Nhân dân làm cách mạng. Và càng không thể có việc Đảng chỉ cần tổ chức chặt chẽ lãnh đạo thống nhất trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, còn trong thời kỳ lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội thì tổ chức và hoạt động không cần tuân theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Thời kỳ đi lên chủ nghĩa xã hội được xác định là một thời kỳ lâu dài với nhiều bước đi với nội dung, tính chất, đặc thù khác nhau, không tránh khỏi phải trải qua nhiều bước ngoặt thăng trầm. Cho nên, để thực hiện trách nhiệm trước nhân dân, trước dân tộc về những quyết định chính trị của mình cho xứng đáng vừa là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân đòi hỏi Đảng phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Muốn vậy phải phát huy trí tuệ tập thể, mở rộng dân chủ, tăng cường đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng. Và điều kiện để đảm bảo điều đó là nguyên tắc tập trung dân chủ. Lúc này chấp hành và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong mọi hoạt động của đảng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, có ý nghĩa quyết định đến sự vận động và phát triển của Đảng. Nên không thể có sự lỗi thời khi Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định lấy nguyên tắc tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.

Kế thừa và phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, Lênin đã khái quát và khẳng định nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên lý xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân về mặt tổ chức. Lênin đã khẳng định thực chất của nguyên tắc này có sự kết hợp hữu cơ giữa chế độ tập trung với chế độ dân chủ triệt để vốn có trong bản chất chính trị - xã hội của giai cấp công nhân bắt nguồn từ những đòi hỏi của nền sản xuất đại công nghiệp là đã tính đến những kinh nghiệm của phong trào công nhân và những điều kiện lịch sử đã thay đổi. Cho nên nếu các thế lực thù địch cố tình chia tách đối lập giữa tập trung và dân chủ, cho rằng hai khái niệm này không thể dung hòa trong một nguyên tắc từ đó đòi hỏi nếu thực hiện dân chủ phải từ bỏ tập trung hoặc ngược lại thu hẹp dân chủ hoặc triệt tiêu dân chủ để thực hiện tập trung thì đó là sự cố tình không hiểu đúng hoặc cố tình lừa dối để hạ bệ nguyên tắc tập trung dân chủ. Chính Lênin cũng khẳng định “chế độ tập trung dân chủ một mặt, thật khác xa về chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa và mặt khác, thật khác xa với chủ nghĩa vô chính phủ”[2]. Cho nên tập trung dân chủ là một nguyên tắc thống nhất, tập trung và dân chủ quy định lẫn nhau, không thể tách rời nhau. Chúng có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, bổ sung cho nhau, thống nhất với nhau làm thành một nguyên tắc hoàn chỉnh. Tùy tình hình nhiệm vụ của đảng trong từng thời kỳ cách mạng mà cách thực hiện cũng như phạm vi áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ có thể có những khác nhau, nhưng điều đó không có nghĩa rằng coi tập trung hay dân chủ là chính và mặt kia là phụ. Đồng thời tuyệt đối hóa bất kỳ một mặt nào đều dẫn đến những sai lầm nguy hiểm, có hại cho sự lãnh đạo và sức mạnh của đảng. Vì vậy, nguyên tắc tập trung dân chủ - một nguyên tắc hoàn chỉnh, thống nhất biện chứng giữa tập trung và dân chủ. Nó không hề lỗi thời trong bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng vô sản.

Và nếu các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc rằng Đảng Cộng sản Liên xô và các nước Đông Âu tan rã là do sai lầm từ việc áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, là chúng đã cố tình bỏ qua cơ sở lịch sử của nguyên tắc này. Mặc dù chưa được gọi tên là nguyên tắc tập trung dân chủ xong những nội dung cốt lõi của nó đã được thể hiện rất rõ trong Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản từ năm 1847 và tiếp tục được khẳng định trong tổ chức Liên minh Công nhân quốc tế (Quốc tế 1). Và nguyên tắc này đã được Lênin khẳng định để xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân phân biệt với các đảng cơ hội trong Quốc tế 2 hồi đầu thế kỷ XX. Thực tiễn lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cho thấy nhiều đảng cộng sản đã xây dựng cho mình đội tiên phong chiến đấu có tổ chức chặt chẽ nên giành được những thắng lợi to lớn trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Thực tiễn cũng đã chứng minh các đảng cộng sản ở Liên xô và các nước Đông Âu tan rã bởi chính vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có một nguyên nhân quan trọng là xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ. Cũng từ những bài học đổ vỡ, tan rã, biến chất đó mà chúng ta thấy rằng ở đâu và khi nào các các lãnh tụ, người lãnh đạo, người đứng đầu của các đảng cộng sản và tổ chức đảng tuyệt đối tuân thủ coi trọng chấp hành thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ thì lúc đó và ở đó đảng cộng sản giữ được vị thế, vai trò sức mạnh lãnh đạo của mình đối với nhà nước và toàn xã hội. Đồng thời, thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng cho chúng ta thấy, nhờ thực hiện nghiêm nguyên tắc này chế độ tập trung, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được giữ vững và dân chủ trong Đảng ngày càng được mở rộng. Do đó, Đảng ta có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam thành công và ngày càng phát triển. Đặc biệt từ khi trở thành Đảng Cộng sản cầm quyền, chính nhờ thực hiện đúng nội dung bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ mà vai trò cầm quyền của Đảng ta được đảm bảo đồng thời cán bộ, đảng viên cũng nhờ đó mà phát huy được bản lĩnh chính trị kiên định nền tảng tư tưởng của mình là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền vì những động cơ mục đích vụ lợi hay “lợi ích nhóm” mà không tôn trọng, buông lỏng, thực hiện không nghiêm, làm méo mó, biến dạng… nguyên tắc tập trung dân chủ, có những sai phạm khuyết điểm kéo dài gây mất đoàn kết nội bộ, khiến cán bộ, đảng viên và nhân dân bất bình, bức xúc… Nhưng chúng ta cũng phải xác định rằng những vi phạm đó chỉ là hiện tượng, không phải là bản chất. Đảng ta cũng đã nghiêm túc xử lý nghiêm minh những vi phạm, đồng thời đặt ra yêu cầu “thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định; thực hành dân chủ gắn liền với tăng cường kỷ luật kỷ cương của Đảng”[3] trong quá trình đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ được nêu trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Như vậy, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ là vấn đề có tính sống còn đối với các đảng cộng sản nói chung. Và do đó, không hề có sự lỗi thời khi Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Từ những luận giải trên, có thể khẳng định: nguyên tắc tập trung dân chủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, không “lỗi thời”, các đảng cộng sản và mỗi đảng viên cộng sản không được phép xa rời, từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là vấn đề sống còn của Đảng. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa thực hiện nghiêm nguyên tắc này trong tổ chức và hoạt động của Đảng, làm cơ sở để đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch.

 

 

Hoàng Hoài Thương- Khoa Xây dựng Đảng

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.5.

[2] V.I.Lê nin, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2005, t.36, tr.185.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, t.II, tr.231.

 


Các tin khác:
Các tin liên quan: