VIẾT TIẾP TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG, PHỤ NỮ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH SƠN LA NGÀY CÀNG KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ TRONG GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
Vào cuối thế kỷ XIX, khi Chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ, nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng bọn chủ tư bản trả lương rất rẻ mạt, giờ giấc làm việc không hạn định, cốt sao thu được nhiều sản phẩm. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 08/3/1857, các công nhân ngành dệt đứng dậy chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại thành phố New York. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Hoa Kỳ trong hãng dệt thành lập công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi.
Khoảng 50 năm sau, ngày 08/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York đòi tăng lương, giảm giờ làm và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Đến ngày 08/3/1910, tại Hội nghị phụ nữ Thế giới được tổ chức tại Copenhaghen (Đan Mạch), các đại biểu đã đề nghị chọn một ngày làm ngày Quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 08/3 hằng năm làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”. Từ đó, ngày 08/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, biểu dương ý chí của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi và hạnh phúc của phụ nữ, nhi đồng.
Phụ nữ Việt Nam vốn sinh ra trong một đất nước có nền văn minh nông nghiệp, dựa trên nền tảng nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp nên phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng lao động chính. Bên cạnh đó, trong lịch sử dựng nước và giữ của của dân tộc, đất nước ta thường xuyên bị kẻ thù xâm lược, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, vất vả. Từ thực tế đó mà người phụ nữ Việt Nam luôn có nét bản sắc, phong cách riêng: Họ là những chiến sĩ chống ngoại xâm kiên cường dũng cảm; là người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh; là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hoá dân tộc; là những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu đã sản sinh ra những thế hệ anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Lịch sử dân tộc Việt Nam còn mãi ghi đậm dấu ấn chói ngời của những nữ anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu sống đời nô lệ, dũng cảm đứng lên chống giặc ngoại xâm, đó là: Bà Trưng, Bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân, bà Nguyễn Thị Định, chị Út Tịch... Từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ Việt Nam đã tham gia đông đảo phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du... Nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia và các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế...
Trong hai cuộc chiến tranh ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà còn là những chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất, những nữ dân quân du kích, nữ thanh niên xung phong mở đường, tải gạo, tải đạn với ý chí quật cường, chịu đựng gian khổ với tinh thần lạc quan cách mạng, họ chăm sóc thương binh, đồng đội bằng tất cả tấm lòng yêu thương. Đó chính là chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu, chị Lê Thị Hồng Gấm, chị Nguyễn Thị Định, Anh hùng liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm... Còn có biết bao người phụ nữ thầm lặng, dung dị, mộc mạc; họ cống hiến cho đất nước những người con, người chồng vô cùng yêu quý; họ đã từng mòn mỏi chờ đợi người thân trong chiến tranh, để rồi họ cũng không còn đủ nước mắt khi những người thương yêu của họ không bao giờ trở về; họ chính là những người mẹ, người bà, người chị của chúng ta. Họ là những người mẹ Việt Nam anh hùng.
Phụ nữ Sơn La nói chung và phụ nữ Trường Chính trị tỉnh Sơn La nói riêng, rất vinh dự và tự hào được sống trên quê hương giàu truyền thống cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, phụ nữ Sơn La đã có những đóng góp quan trọng góp phần vào thành tích chung của tỉnh nhà.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), nhiều chị em đã tích cực tham gia xây dựng, tổ chức chính quyền cách mạng, tuyên truyền các chính sách mới của Mặt trận Việt Minh đến mọi tầng lớp nhân dân; tích cực tham gia du kích đánh giặc, vận động gia đình, họ hàng đi tản cư theo chủ trương của Chính phủ, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng; vận động gia đình tự nguyện đóng thuế, trồng nhiều rau xanh cung cấp cho mặt trận, tích cực di dân phục vụ cho chiến trường. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng đã kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh gian khổ nhưng vô cùng anh dũng của dân tộc ta, trong đó có sự hy sinh không nhỏ của Phụ nữ các dân tộc Sơn La.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975): Phụ nữ các dân tộc Sơn La đã tích cực thực hiện các phong trào do Hội phụ nữ Khu Tây Bắc kêu gọi, như: “Phụ nữ miền Bắc thi đua với phụ nữ miền Nam”, ra sức cùng chống kẻ thù chung, giải phóng đất nước; phong trào “Ba đảm đang”, “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, phong trào “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, “Trống Bắc Lý” trong giáo dục; phong trào “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Qua các phong trào thi đua, phụ nữ các dân tộc Sơn La đã có đóng góp không nhỏ vào công cuộc khai hoang, phục hóa, tăng diện tích canh tác, thay đổi tập quán làm ăn lạc hậu, chuyển sang thâm canh, tăng vụ. Nhờ vậy, năng suất cây trồng và sản lượng đều tăng, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng Sơn La phát triển mạnh mẽ.
Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc. Sơn La là một trong những địa bàn trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ nhằm cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch và chặt đứt nguồn chi viện cho chiến trường Lào của quân và dân ta. Thực hiện khẩu hiệu “xe chưa đi qua thì cột nhà không tiếc”, tiểu đội nữ dân quân Yên Châu đã cùng bà con dân bản góp công, góp sức đem theo tre, gỗ, cột làm nhà để phục vụ sửa chữa cầu, đường, lấp hố bom, đảm bảo cho xe qua. Dưới làn mưa bom bão đạn, tiểu đội nữ dân quân Yên Châu vẫn ngày đêm luyện tập, sử dụng thành thạo vũ khí, bố trí trận địa, trực chiến máy bay. Ngày 02/9/1965, máy bay Mỹ ném bom hòng đánh sập cầu Tà Vài, cả tiểu đội nữ đã bám trụ cùng bộ đội pháo cao xạ bắn hạ chiếc F-105 của Mỹ và bắt sống viên phi công. Chiến công của các chị đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sỹ Trọng Loan sáng tác bài ca “Người Châu Yên em bắn máy bay”.
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nhiều chị em phụ nữ đã ngã xuống trong những cuộc chiến ác liệt. Trên mặt trận sản xuất, phụ nữ các dân tộc Sơn La đã cùng phụ nữ cả nước hăng hái lao động, chiến đấu góp phần to lớn cùng cả nước tạo nên sức mạnh tổng hợp, đánh bại hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Lịch sử đã ghi nhận công lao to lớn của các mẹ, các chị là những tấm gương sáng ngời để con cháu noi theo. Đúng như lời đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”./.
Cùng với thành tích chung đó, trong lịch sử cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay, phụ nữ Trường Chính trị tỉnh Sơn La đã có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng đất nước và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho tỉnh nhà. Trong những năm qua, cùng với truyền thống xây dựng và phát triển của Trường Chính trị, đội ngũ nữ cán bộ, giảng viên và người lao động đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, khẳng định uy tín, vị thế trên từng vị trí công tác, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.
Tính đến nay, Trường Chính trị tỉnh có 29 cán bộ, viên chức nữ tham gia ở các lĩnh vực, từ công tác lãnh đạo, quản lý đến bộ phận giảng dạy, hành chính, phục vụ. Trong đó, có 22 nữ đoàn viên là giảng viên và giảng viên chính, đội ngũ nữ giảng viên không ngừng được nâng cao về trình độ. Nếu như năm 2012, nhà trường mới chỉ có 3 giảng viên nữ có trình độ thạc sĩ, thì đến nay, toàn trường đã có 01 giảng viên nữ có trình độ tiến sĩ, 20 nữ đoàn viên có trình độ thạc sĩ và nhiều đồng chí có hai bằng đại học. Các giảng viên nữ tâm huyết, yêu nghề, có trình độ chuyên môn, lý luận, nghiệp vụ vững vàng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong từng giai đoạn. Nhiều nữ cán bộ, viên chức của nhà trường tham gia công tác lãnh đạo, quản lý. Từ khi thành lập trường đến nay, đã có 7 nữ cán bộ, viên chức tham gia Ban Giám hiệu, 6 nữ cán bộ, viên chức tham gia trong Ban Chấp hành Đảng bộ trường, nhiều chị đã và đang giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt ở các khoa, phòng và đoàn thể. Từ năm 2010 đến nay, đã có 07 giảng viên nữ được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh công nhận là Giảng viên dạy Giỏi cấp Quốc gia, trong đó có 01 nữ giảng viên đạt danh hiệu Giảng viên dạy giỏi xuất sắc. Nhiều chị đã được nhận Bằng khen, giấy khen của các cấp các ngành trong tỉnh.
Ban nữ công được quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thể hiện vai trò nòng cốt trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng chochị em nữ công; tạo điều kiện để chị em có nhiều cơ hội phát huy trí tuệ, thể hiện năng lực, sở trường, thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, trong đó nổi bật là phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, ngày càng khẳng định vị trị của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Phát huy thành tích đã đạt được trong những năm qua, trong thời gian tới nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu trong lao động và học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng phát triển, phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, đúng như 08 chữ vàng: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” mà Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã lựa chọn./.
Th.s, GVC Nguyễn Thị Minh Nguyệt
Phó trưởng khoa Lý luận cơ sở