ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRONG GIẢNG DẠY LỊCH SỬ ĐẢNG Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH SƠN LA
Lịch sử Đảng là một bộ phận trọng yếu, chi phối chiều hướng phát triển của lịch sử dân tộc từ khi có Đảng lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam “là cả một pho lịch sử bằng vàng”[1]. Vì vậy, bảo vệ lịch sử Đảng cũng như bảo vệ báu vật, tài sản của quốc gia, là thiết thực để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch tập trung chống phá, xuyên tạc lịch sử Đảng trên mọi phương diện, với âm mưu thâm độc và ngày càng tinh vi hơn, do đó nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ giảng viên của hệ thống các trường chính trị. Đối với Trường Chính trị cấp tỉnh, việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là yêu cầu cấp thiết và có vị trí, vai trò quan trọng.
Trường Chính trị cấp tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức (trưởng, phó phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương); cán bộ được quy hoạch vào các chức danh trên. Đây là đội ngũ cán bộ, đảng viên nòng cốt tại các cơ quan, đơn vị trên phạm vi toàn tỉnh; họ là những người có chức vụ, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác và cuộc sống; họ là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân trong việc tuyên truyền thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, việc nâng cao nhận thức đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch cho học viên là việc làm cần thiết, quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
1. Nhận diện những luận điệu sai trái, thù địch, chống phá, xuyên tạc lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
Sự tấn công của các thế lực thù địch vào lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng Việt Nam diễn ra từ rất sớm. Qua nghiên cứu thực tiễn cho thấy các thế lực thù địch có các loại quan điểm chống phá sự lãnh đạo của Đảng như: tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng; xuyên tạc, phủ nhận Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng; xuyên tạc, bóp méo sự kiện lịch sử Đảng; phủ nhận những thành tựu của Cách mạng Việt Nam; thổi phồng những hạn chế, thiếu sót cả về đường lối và chỉ đạo thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá khứ,…tập trung vào những luận điệu cơ bản như: Xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng cho rằng: Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng là sai lầm, giáo điều; phủ nhận Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, đòi Việt Nam từ bỏ mục tiêu CNXH, chúng cho rằng Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH là một sai lầm lịch sử, đi theo vết xe đổ của Liên Xô. Các thế lực thù địch đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam. Chúng đưa ra những luận điệu xuyên tạc “Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm quyền của dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền”, chúng kêu gọi “phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì đất nước mới phát triển”, chúng cho rằng ở Việt Nam “không có đa nguyên, đa đảng thì không bao giờ có dân chủ”, chúng quy kết: “độc tài, Đảng trị là cái gốc sai chính của nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại”. Các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, bóp méo vai trò lãnh đạo của Đảng, cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều sai lầm trong quá khứ, dù quá khứ có làm được một số việc thì bây giờ chuyển sang thời kỳ mới, Đảng đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ sức để lãnh đạo đất nước”[2].
Các thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo các sự kiện lịch sử Đảng: Chúng cho rằng thắng lợi của Cách mạng 8/1945 là một sự “ăn may” vì Nhật thua trong chiến tranh thế giới lần II tạo khoảng trống quyền lực nên Việt Nam dễ giành độc lập chứ không phải do vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng hạ thấp ý nghĩa thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp (1945-1954); chúng cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975) là “Chiến tranh ủy nhiệm”, cuộc “Nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc”, “Quốc gia miền Bắc xâm lược quốc gia miền Nam”, với mục đích nhằm xuyên tạc tính chất, phủ nhận ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Các thế lực thù địch ra sức chống phá, phủ nhận những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà dân tộc ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng; chúng xuyên tạc, thổi phồng những sai lầm, khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót của Đảng trong quá trình lãnh đạo, gây nhận thức sai lệch đối với hiện thực lịch sử hòng hạ thấp uy tín của Đảng, gây hoang mang dao động, nghi ngờ những thắng lợi mà nhân dân ta đã giành được, nhằm thực hiện âm mưu chống phá vai trò lãnh đạo của Đảng.
Các thế lực thù địch, phản động sử dụng nhiều hình thức chống phá rất đa dạng, chúng triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội (Zalo, Facebook, TikTok…), tận dụng hệ thống phát thanh, báo chí, xuất bản ở nước ngoài, các kênh facebook, youtube… để tung thông tin xấu, độc tuyên truyền quan điểm sai trái, thù địch về vai trò lãnh đạo của Đảng. Đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng là một cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, phức tạp, toàn diện trên các lĩnh vực, các mặt lãnh đạo của Đảng, do đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó, lực lượng làm công tác tư tưởng, công tác nghiên cứu - giảng dạy lịch sử Đảng đóng vai trò nòng cốt.
2. Một số nội dung phản bác các quan điểm sai trái, thù địch qua thực tiễn giảng dạy Lịch sử Đảng ở TCT tỉnh Sơn La
Môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, chương trình TCLLCT được kết cấu 4 bài, thời lượng 48 tiết (Đảng CSVN ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam; Những thành tựu chủ yếu của cách mạng Việt Nam từ 1930 đến nay; Những bài học kinh nghiệm lãnh đạo Cách mạng Dân tộc Dân chủ Nhân dân; Những bài học kinh nghiệm lãnh đạo xây dựng CNXH, công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN). Vậy, để tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào giảng dạy môn Lịch sử Đảng CSVN có hiệu quả giảng viên cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, Trong giảng dạy Lịch sử Đảng, ở mỗi bài học, trong từng phần nội dung, giảng viên cần nhận diện các tri thức lịch sử Đảng mà các thế lực thù địch chống phá, xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận; nhận thức đầy đủ và nắm rõ bản chất những luận điệu sai trái, thù địch về lịch sử Đảng là cơ sở quan trọng để giảng viên lựa chọn nội dung, kiến thức, các căn cứ khoa học để vạch trần tính chất sai trái, thù địch trong các luận điệu của các thế lực thù địch, phản động để phê phán, đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái về Lịch sử Đảng để tích hợp vào giảng dạy nhằm củng cố niềm tin, lý tưởng cho học viên là cán bộ, đảng viên, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ hai, trước những luận điệu của các thể lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng về mục tiêu ĐLDT và CNXH, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Bằng những luận cứ khoa học và thực tiễn của CMVN, giảng viên phân tích và khẳng định: Mục tiêu ĐLDT và CNXH là sự lựa chọn của lịch sử, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và nhân dân ta và thực tiễn đã mang lại độc lập dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trong suốt quá trình lãnh đạo Đảng luôn nhất quán, kiên định mục tiêu ĐLDT và CNXH đây là nhiệm vụ, mục tiêu xuyên suốt, là nguyên tắc chiến lược của CMVN do Đảng lãnh đạo. Đại hội VII (1991) Đảng xác định: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH. Đó là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta. ĐLDT là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở đảm bảo vững chắc cho ĐLDT”[3]. Đến Đại hội XIII, Đảng khẳng định “phải kiên định mục tiêu ĐLDT và CNXH và coi đây là vấn đề có tính nguyên tắc, ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”[4]. Từ khi Đảng ra đời đến nay, tinh thần của Cương lĩnh chính trị đầu tiên cũng như mục tiêu ĐLDT và CNXH vẫn là ngọn cờ dẫn dắt Nhân dân Việt Nam đi lên xây dựng CNXH và đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Thứ ba, Các thế lực thù địch, phản động phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền duy nhất của Đảng CSVN đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam; chúng kêu gọi “phải đa nguyên, đa đảng đối lập thì đất nước mới có dân chủ, mới phát triển,”. Đây là những luận điểm phản động, sai lầm, phi khoa học, mang tính chất mị dân dễ gây nên sự ngộ nhận về nhận thức, sự dao động tư tưởng trong một bộ phận nhân dân, sự hoài nghi, xói mòn niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ta. Trên cơ sở khoa học, thực tiễn cách mạng Việt Nam, giảng viên chứng minh để phản bác lại những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, khẳng định: Ở Việt Nam, Đảng CSVN là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo chính trị, lãnh đạo Nhà nước và xã hội; chế độ một đảng lãnh đạo không cản trở dân chủ và phát triển. Mục tiêu lý tưởng và đường lối của Đảng luôn thống nhất với mục tiêu, lý tưởng của nhân dân và dân tộc Việt Nam. Vì vậy, Đảng CSVN là chính đảng duy nhất lãnh đạo đất nước giành độc lập dân tộc, phát triển không ngừng, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Thứ tư, Để phản bác lại những luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo sự thật về thắng lợi của Cách mạng 8/1945, của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cơ sở tư liệu lịch sử và thực tiễn cách mạng Việt Nam, giảng viên phân tích, khẳng định: Thắng lợi của Cách mạng 8/1945 là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó nhân tố bên trong là quyết định đó là bản lĩnh, trí tuệ, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc dự đoán chính xác về thời cơ, nắm lấy thời cơ và biết chớp thời cơ khởi nghĩa; sự chuẩn bị kỹ lưỡng về xây dựng lực lượng cách mạng và phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” đã giành chính quyền trong cả nước. Tất cả những luận chứng khoa học đó, cho thấy, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng 8/1945 không phải là “sự ăn may” hay “cướp công” nào cả như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Giảng viên khẳng định tính chính nghĩa và ý nghĩa lịch sử to lớn của hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước: Cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của Nhân dân ta là cuộc kháng chiến chính nghĩa, chống lại sự xâm lược của Thực dân Pháp, đòi lại quyền độc lập cho dân tộc; cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam là cuộc tranh chính nghĩa, nhằm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chứ không phải là cuộc “Nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc” như các thế lực thù địch xuyên tạc. Đây là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta, Việt Nam đã được cả thế giới ủng hộ.
Thứ năm, Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, giảng viên minh chứng, làm sáng tỏ những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là thành tựu gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã khẳng định đường lối lãnh đạo của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo để phản bác lại những luận điệu phủ nhận những thành tựu của Cách mạng Việt Nam. Đồng thời, giảng viên cũng khẳng định trong quá trình lãnh đạo Đảng ta có những vấp váp, sai lầm, khuyết điểm nhưng Đảng ta đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ ở thái độ dám thừa nhận và kiên quyết sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, chỉ ra nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, kip thời đề ra biện pháp khắc phục. Đảng lãnh đạo và đưa đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, để hôm nay “đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[5]. Điều đó chứng minh cho tính đúng đắn của nền tảng tư tưởng của Đảng ta được thử thách, kiểm nghiệm qua thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam trong suốt 94 năm qua.
Vậy, để nâng cao hiệu quả lồng ghép, tích hợp nội dung đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở trường Chính trị tỉnh Sơn La, với cương vị là giảng viên đã qua thực tiễn giảng dạy đã không ngừng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; nâng cao bản lĩnh chính trị; tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị. Qua giảng dạy đã truyền đạt đúng các nội dung cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để minh hoạ cho bài giảng bảo đảm tính Đảng, tính khách quan, tính khoa học. Giảng viên cần phát huy tính chiến đấu trong bài giảng, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần, trách nhiệm cho học viên. Qua đó, hình thành thái độ, niềm tin, định hướng tư tưởng cho học viên cách nhìn nhận, đánh giá khi tiếp cận các thông tin đa chiều, đủ sức “đề kháng, miễn nhiễm” với những thông tin xấu, độc, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch./.
Ths Bùi Thị Hậu – Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng
* Tài liệu tham khảo
[1] Bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Ðảng (1960)
2 Ban Tuyên giáo TW: Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017
3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.51, tr. 133-134.
4 ĐCSVN, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Tập I, H. 2021
5 ĐCSVN, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Tập I, H. 2021