VẬN DỤNG NHỮNG NỘI DUNG CỦA TÁC PHẨM “XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM TIÊN TIẾN ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC” CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG VÀO BÀI QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ, THỂ THAO,GIÁO DỤC Y TẾ Ở CƠ SỞ - PHẦN D.I. QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC – CHƯƠNG TRÌNH TCLLCT
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức biên soạn, xuất bản.
Cuốn sách gồm 928 trang, tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, trong đó bài viết sớm nhất là năm 1968. Nội dung các bài phát biểu, bài viết thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn, phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập; tạo nguồn lực nội sinh, huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Cuốn sách cũng tuyển chọn hơn 90 bức ảnh tư liệu quý, ghi lại những hình ảnh của Tổng Bí thư trong các hoạt động văn hóa; các chuyến đi thăm, làm việc với các địa phương, các cơ quan, đơn vị trong ngành Văn hóa; các buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ, trí thức trên mọi miền Tổ quốc.
Sự ra đời của tác phẩm là một sự kiện văn hóa đặc biệt trọng một giai đoạn đặc biệt của đất nước. Tác phẩm đó thể hiện một tư tưởng, một tình yêu dân tộc và sứ mệnh của người đứng đầu đất nước với sự tồn vong và phát triển của dân tộc, với hạnh phúc của nhân dân.
Trong cuốn sách quan trọng này, các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dựng lên một hệ thống lý luận đầy tính khoa học có tính nền tảng về văn hoá và dân tộc, về truyền thống và hiện đại, về phẩm giá con người và lý tưởng. Từ đó đã làm hiện lên tư tưởng của Tổng Bí thư về văn hoá một cách thực tiễn nhất, khoa học nhất và nhân văn nhất. Khẳng định về văn hoá là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định mục đích sống, giá trị sống và nhân cách sống của một con người cũng như của một dân tộc. Qua quá trình nghiên cứu tác phẩm này, tôi thấy cần vận dụng một số nội dung của tác phẩm của Tổng Bí thư vào bài 6 – Phần DI. Quản lý hành chính nhà nước – chương trình TCLLCT như sau:
Nội dung vận dụng thứ nhất: Quan niệm về văn hoá
Trong bài 6 các tác giả biên soạn đã đưa ra rất nhiều quan niệm, định nghĩa về văn hoá như: quan niệm về văn hoá theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII (1998). Sau khi nghiên cứu bài viết này của Tổng Bí Thư giảng viên dạy có thể cần bổ sung quan điểm về Văn hoá của Tổng Bí thư vào bài giảng như sau: “Văn hoá có thể hiểu theo hai nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, văn hóa là trình độ phát triển về tinh thần và vật chất của nhân loại trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định (thời kỳ đồ đá, thời kỳ đồ đồng, văn hóa Đông Sơn, văn hóa lúa nước...). Nghĩa hẹp, văn hóa là những hoạt động tinh thần của một xã hội, gồm có những lĩnh vực: giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức (lối sống, cách cư xử, ứng xử giữa người với người...). Văn hóa cũng bao gồm cả văn hóa vật thể (các di tích lịch sử, các công trình văn hóa, di sản văn hóa, những sản phẩm văn hóa: Kim tự tháp, đình, chùa, miếu thờ...) và phi vật thể (ca dao, dân ca, hò vè, lễ hội; các phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi địa phương...). Văn hóa chúng ta bàn ở đây chủ yếu là theo nghĩa hẹp”[1].
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ. Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.
Nội dung vận dụng thứ 2: Bổ sung quan điểm của cố Tổng Bí thư về vai trò của văn hoá trong phần 1.2 bài Quản lý hoạt động văn hoá thể thao, giáo dục, y tế ở cơ sở
Trong phần 1.2 - Vai trò của quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế - Giáo trình đã nêu lên 4 vai trò, đó là: (1)Tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, con người; (2) Đảm bảo quyền tiếp cận và thụ hưởng thành quả văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế của người dân,thể hiện bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa; (3) Tăng cường mối quan hệ bền chặt giữa nhân dân với Đảng, chính quyền; (4) Góp phần xây dựng môi trường văn hoá xã hội lành mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi tiêu cực, đảm bảo an ninh con người, an ninh xã hội.
Bốn nội dung nêu trên giáo trình đã giải thích tầm quan trọng của nhà nước trong quản lý về văn hoá, thể thao, giáo dục nói chung, tuy nhiên để trọn vẹn hơn, giảng viên cần cập nhật những quan điểm của Cố Tổng Bí thư vào từng nội dung để làm rõ những vấn đề lý luận về vai trò của quản lý nhà nước trong 4 lĩnh vực trên.
Cụ thể trong phần 1.2.1. Quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao giáo dục, y tế tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, con người. Giảng viên có thể trích dẫn đến lời nhấn mạnh của Tổng Bí thư trong phần đầu của tác phẩm về vai trò của văn hoá đó là: “Nhắc lại một cách vắn tắt như vậy để khẳng định rằng: Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”.[2]
Từ quan điểm của người đứng đầu Đảng ta cho thấy hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, y tế đều là sự cụ thể hoá những quan điểm của Đảng và người đứng đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam qua các thời kỳ. Chính vì quan điểm đúng đắn này của Cố Tổng Bí thư cho nên mọi hoạt động của các lĩnh vực này đều được nhà nước ta quan tâm đầu tư theo chiều hướng rất tiến bộ và khoa học.
Tổng Bí thư đã phân tích, kiến giải và chỉ đạo những nội dung quan trọng về đặc trưng, bản chất, vị trí, vai trò, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; để phát huy vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong tác phẩm được rút ra từ thực tiễn phong phú, khẳng định tầm nhìn xa, rộng, sự chỉ đạo sâu sát, toàn diện, đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư; góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa của văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh, lành mạnh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người... Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới”[3]
Trong lĩnh vực giáo dục, Tổng Bí Thư cũng đã nhắc đến vai trò rất quan trọng của giáo dục và nêu lên những quan điểm của người về giáo dục, Giảng viên nên nhấn mạnh đến quan điểm của Tổng Bí thư về vai trò của giáo dục đào tạo, từ đó lý giải vì sao trong hoạt động quản lý nhà nước lại có nhiều sự quan tâm, đầu tư từ phía nhà nước do vậy lĩnh vực giáo dục luôn được ưu tiên quan tâm hơn hẳn so với các ngành và lĩnh lực khác.
Giảng viên cần trích dẫn những quan điểm của Cố Tổng Bí thư như sau: “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là công việc vừa có tính chiến lược, vừa mang tính cấp bách của toàn Đảng, toàn dân, trước hết là trách nhiệm của các nhà trường, của ngành giáo dục - đào tạo”[4]. Nhiệm vụ của giáo dục - đào tạo là “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân,... làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách”[5]. Đó chính là việc đào tạo “người có văn hóa”, sống có nghĩa có tình, có trước có sau, có nhân cách, có bản lĩnh, có lòng yêu nước, thiết tha gắn bó với nhân dân, sẵn sàng đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng và bảo vệ đất nước. Luôn hy vọng vào tương lai thế hệ trẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: “Cha ông đã để lại cho chúng ta một đất nước Việt Nam giang sơn gấm vóc vô cùng tươi đẹp. Trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau là phải làm cho non sông nước Việt ngày càng giàu đẹp, hùng cường”[6].
Nội dung vận dụng thứ 3. Trong Phần 3. Mục tiêu và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động văn hoá, giáo dục y tế ở cơ sở của bài 6 – Quản lý hoạt động văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế ở cơ sở - phần DI – Quản lý hành chính nhà nước
Giảng viên cần chỉ ra những thực trạng về hoạt động văn hoá, thể thao, giáo dục y tế ở cơ sở, những ưu điểm và hạn chế qua đó mới chỉ ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của hoạt động văn hoá.Trong tác phẩm, Tổng Bí Thư đã đề cập đến nhiều giải pháp hướng đến các lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục”. VD như: đối với lĩnh vực thể thao có bài viết: “Phát triển phong trào thể dục thể thao gắn với xây dựng đời sống văn hóa[7]”. Đối với lĩnh vực Giáo dục có rất nhiều giải pháp được đề cập đến trong nhiều bài viết, tiêu biểu: “Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc phát triển Giáo dục – Đào tạo – là quốc sách hàng đầu”, hoặc những giải pháp được đề cập đến trong bài viết: “Phát huy truyền thống, vượt qua mọi khó khăn đẻ phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo”[8]. Có thể nói phần nội dung thứ 2 của cuốn sách là một loạt những giải pháp giải đáp những khó khăn vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động các lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục, theo tôi giảng viên cần tìm hiểu và đọc kỹ những bài viết trong phần 2 của tác phẩm để vận dụng giảng nội dung Phần 3. Mục tiêu và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động văn hoá, giáo dục y tế ở cơ sở của bài 6, phần DI.
Trên đây là một nội dung về việc vận dụng tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào nội dung giảng dạy bài 6. Quản lý hoạt động văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế ở cơ sở - Phần DI. Quản lý hành chính nhà nước.
Ths: Đỗ Thị Hải
GV Khoa Nhà nước và Pháp luật
[1] Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr 32.
[2] Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr 37..
3: Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 38
4,5,6: Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng: : Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Sđd, tr. 529 - 530, 60, 445
[7] Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr 307.
[8] Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr 538.