GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHONG TRÀO CÁCH MẠNG THẾ GIỚI
Với những cống hiến vĩ đại của V.I. Lênin và Đảng Bônsêvích Nga, sau tiếng súng đại bác của chiến hạm “Rạng Đông”, Cách mạng tháng Mười năm 1917 đã nổ ra và giành thắng lợi. Đây là sự kiện lịch sử có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng, làm rung chuyển, đảo lộn trật tự thế giới. Những giá trị mà Cách mạng tháng Mười Nga đem lại không chỉ là ánh hào quang của quá khứ mà còn hiển hiện mãi như những giá trị trường tồn, soi tỏ thêm những “khúc quanh” của thế giới đương đại.
Thứ nhất, Cách mạng tháng Mười Nga đã mở đầu cho sự ra đời và phát triển của Phong trào Cộng sản quốc tế. Sau khi Ph.Ănghen qua đời (8-1895), cơ quan lãnh đạo của Quốc tế thứ Hai dần dần rơi vào tay các phần tử cơ hội chủ nghĩa. Họ phủ nhận chuyên chính vô sản, liên minh công nông và tư tưởng về chuyển cách mạng dân chủ tư sản lên cách mạng XHCN; đồng thời trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã công khai đứng về phía giai cấp tư sản, ủng hộ cuộc chiến tranh đế quốc phi nghĩa. Vì thế khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Quốc tế thứ Hai đã không còn đủ uy tín và khả năng lãnh đạo phong trào công nhân quốc tế và bắt đầu bị phân hóa, tan rã.
Để đáp ứng tình hình, ngay từ năm 1914, V.I. Lênin đã nhận thức rõ sự cần thiết phải thành lập một tổ chức quốc tế mới. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, khi nhận thấy những điều kiện thành lập Quốc tế cộng sản đã chín muồi, Lênin và Đảng bônsêvích Nga đã tích cực tiến hành tập hợp lực lượng cách mạng, tiến tới thành lập một tổ chức Quốc tế mới của giai cấp vô sản. Tháng l-1919, ở Moskva hội nghị của các đại biểu 8 đảng Mácxít Nga, Ba Lan, Hungaria, Đức, Áo, Látvia, Phần Lan và Liên hiệp cách mạng Bancăng đã họp dưới sự lãnh đạo của Lênin[1] (đây được coi như Hội nghị trù bị cho đại hội thành lập).
Đại hội thành lập Quốc tế cộng sản được tổ chức ở Moskva từ ngày 2 đến 6-3-1919. Tham dự Đại hội có các đại biểu của 19 đảng và nhóm, có quan sát viên 15 nước. Mặc dù bị cản trở, nhưng đông đảo các đảng phương Tây đều cử đại biểu đến dự và lần đầu tiên có sự tham dự của đại biểu các đảng phương Đông như Trung Quốc, Triều Tiên[2]. Sự có mặt của các đại biểu các nước phương Đông tuy không nhiều nhưng đã chứng tỏ Quốc tế cộng sản không chỉ là tổ chức của giai cấp công nhân các nước tư bản chủ nghĩa, mà còn là tổ chức của quần chúng công nhân và nhân dân lao động các nước thuộc địa và phụ thuộc.
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, cùng sự ra đời Quốc tế Cộng sản, nhiều Đảng Cộng sản đã được thành lập ở Đức, Áo, Hung, Ba Lan, Phần Lan, Áchentina, Hy Lạp, Mỹ, Anh, Pháp, Bungari, Hà Lan, Mêhicô, Nam Tư, Braxin, Tây Ban Nha, Inđônêxia, Thổ Nhĩ Kỳ, Tiệp Khắc, Rumani, Trung Quốc, Thái Lan, nhật Bản, Bỉ, Thụy Điển, Italia và một số nước khác[3]. Việc thành lập các Đảng Cộng sản đã đem lại những khả năng thực tế cho cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể đấu tranh giành thắng lợi ở những nước này.
Thứ hai, Cách mạng tháng Mười Nga đã đưa CNXH từ khoa học trở thành hiện thực phổ biến. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã biến chủ nghĩa Mác từ khoa học thành hiện thực, từ “bóng ma ám ảnh châu Âu” trở thành hệ tư tưởng chính thống của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; biến chủ nghĩa xã hội khoa học từ lý tưởng thành hiện thực hiện thực phổ biến.
Sau Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa xã hội được biết đến không chỉ là một học thuyết mà còn là một chế độ xã hội mới tốt đẹp. Cách mạng Tháng Mười thực hiện công cuộc giải phóng triệt để những người vô sản và nông dân nghèo khổ khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, của chế độ phong kiến, nâng họ lên hàng những người chủ thực sự của chế độ xã hội mới. Sức sáng tạo của hàng triệu triệu quần chúng cách mạng là cội nguồn sức sống của Cách mạng Tháng Mười, của chủ nghĩa xã hội hiện thực và những biến đổi căn bản lịch sử phát triển của nhân loại trong thế kỷ XX. Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, còn làm xuất hiện những khả năng mới về sự phát triển không ngừng của cách mạng ở các nước thuộc địa, các dân tộc chậm phát triển tự quyết định con đường phát triển đất nước gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và “sự phát triển rút ngắn” của học thuyết Mác đã được Đảng Bônsêvích Nga và V.I.Lê-nin vĩ đại sáng tạo và thể nghiệm thành công qua Chính sách kinh tế mới (NEP) trong những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, cung cấp những bài học kinh nghiệm quý báu cho các nước chậm phát triển quá độ gián tiếp lên chủ nghĩa xã hội với những bước “quá độ dần dần”; biết “lợi dụng chủ nghĩa tư bản” để xây dựng chủ nghĩa xã hội...
Thứ ba, Cách mạng Tháng Mười Nga đã để lại những bài học mẫu mực về chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng; về sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản; về khối liên minh công nông và nghệ thuật chớp thời cơ để giành thắng lợi cho Phong trào Cộng sản quốc tế. Những nguyên lý của C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã được V.I.Lênin vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ là sự cổ vũ mạnh mẽ phong trào Cách mạng của giai cấp công nhân Quốc tế, mà còn để lại những bài học quí báu, chỉ ra cho Phong trào Cộng sản quốc tế con đường đi tới thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản.
Cách mạng tháng Mười Nga thực sự là điểm khởi đầu cho sự “quá độ phát triển” theo học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của C.Mác trên toàn thế giới. Các Đảng Cộng sản đã nhận được những bài học từ Cách mạng tháng Mười để ứng phó với sự đối đầu giữa hai mô hình phát triển xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Toàn bộ hệ thống luật pháp quốc tế của thời Chiến tranh Lạnh hay hiện nay đều được định hình từ chính sự đối lập này. Hầu hết các đặc điểm như tùy thuộc lẫn nhau, hợp tác - liên kết hay xung đột - chiến tranh khu vực v.v. của thế giới đương đại đều được định hình bắt đầu từ mối quan hệ giữa Liên Xô với phần còn lại của thế giới.
Đặc biệt, cách thức Nhà nước xô viết (giai đoạn đầu) xử lý các vấn đề kinh tế như tăng trưởng, thương mại, đầu tư; những vấn đề xã hội như công bằng, dân chủ, an sinh, môi trường, giáo dục; những vấn đề về quản lý từ vĩ mô đến vi mô v.v. đều là những bài học quí cho các Đảng Cộng sản trong quá trình xây dựng CNXH ở nước mình.
Những bài học từ Cách mạng tháng Mười đã và đang được các Đảng Cộng sản, nhất là các đảng cầm quyền, lãnh đạo công cuộc đổi mới, cải cách, ở các nước XHCN nghiêm túc tiếp thu, bổ sung, cho phù hợp với những biến động phức tạp hiện nay, đưa khu vực này trở thành “điểm sáng thành công nhất” trong Phong trào Công sản quốc tế kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
Thứ tư, từ CNXH ở Liên Xô, Phong trào Cộng Sản quốc tế đã tiến hành xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa tại nhiều không gian địa chính trị trọng yếu, thu được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Chủ nghĩa xã hội trở thành một hệ thống thế giới, đối trọng trên nhiều lĩnh vực với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, quần chúng lao động và các lực lượng cách mạng khác đã xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở 15 quốc gia thuộc châu Âu, châu Á và cả ở châu Mỹ; cộng với nhiều quốc gia định hướng xã hội chủ nghĩa ở Á, Phi và Mỹ La tinh. Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên thành công trên một đất nước rộng lớn với diện tích gần một phần sáu địa cầu, trải dài từ Âu sang Á, có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng. Ở đó, Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới và đã tiến tới thành lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, thành trì vững chắc cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941 1945 ), Liên Xô đã đập tan chủ nghĩa phát xít, giải phóng dân tộc mình; đồng thời góp phần chủ yếu cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa phát xít, tạo điều kiện cho một loạt nước ở Đông Âu và châu Á, sau đó là Tây bán cầu tiến hành thắng lợi cách mạng giải phóng và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong hơn 70 năm (1917 1991) xây dựng và phát triển, đất nước Liên Xô, từ một nước tư bản trung bình nhanh chóng khẳng định sức sống mãnh liệt của một chế độ xã hội mới, ưu việt, liên tiếp lập nên nhiều kỳ tích vẻ vang. Tăng trưởng kinh tế đã từng phát triển với tốc độ bình quân hằng năm hàng chục phần trăm và trong nhiều năm là cường quốc kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Liên Xô cũng từng chiếm lĩnh nhiều đỉnh cao đáng tự hào, đặc biệt là về công nghệ hạt nhân, chinh phục vũ trụ, văn hóa xã hội chủ nghĩa - một nền văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc đã từng chinh phục khối óc, trái tim của hàng triệu triệu con người trên trái đất.
Từ ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười, Phong trào Cộng sản quốc tế mà nòng cốt là các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trong gần 50 năm tồn tại đã giành được nhiều thành tựu vẻ vang, tạo nên sức mạnh tổng lực hùng cường, đưa tới sự cân bằng lực lượng trên thế giới và chủ nghĩa xã hội đóng vai trò là một trong những nhân tố quyết định xu hướng vận động của thế giới trong thế kỷ XX.
Hiện nay, kiên định con đường và phát huy những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, Phong trào Cộng sản quốc tế đang từng bước phục hồi và phát triển. Sự phát triển của thế giới trong thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI dù đầy biến động, cũng không thể phủ nhận giá trị lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười. Bất chấp những thăng trầm của lịch sử, thắng lợi của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, sự chấm dứt chế độ thuộc địa, sự ủng hộ của cộng đồng thế giới đối với giá trị nhân văn tiến bộ, dân chủ, tự do, bình đẳng, sự phục hồi kỳ diệu của một số nước xã hội chủ nghĩa sau khủng hoảng, sự lớn mạnh của trào lưu cánh tả Mỹ Latinh v.v... đã chứng tỏ vai trò mở đường của Cách mạng Tháng Mười hướng nhân loại tới một tương lai tươi sáng hơn. Tiếp tục cuộc đấu tranh xoá bỏ mọi sự lạc hậu, lỗi thời, áp bức bất công cũng chính là sự tiếp tục sự nghiệp cao cả của Cách mạng Tháng Mười.
Từ cuối thế kỷ XX đến nay, các Đảng cộng sản đang cầm quyền tại các nước xã hội chủ nghĩa cùng các Đảng Cộng sản khác trên thế giới đã tích cực đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và cải cách chính sách phát triển trên mọi lĩnh vực. Những nguyên lý và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin được nhận thức đúng đắn hơn; những kinh nghiệm thành công và những hạn chế, vấp váp của chủ nghĩa xã hội được xác định một cách chân thực hơn; những xu thế vận động của thế giới hiện đại được lĩnh hội kịp thời, khách quan hơn. Nhờ vậy, các quốc gia xã hội chủ nghĩa không những thoát khỏi khủng hoảng, mà còn đạt nhiều bước tiến lớn chứng minh sức sống và tính ưu việt của chế độ.
Với tính chất là sản phẩm của Cách mạng Tháng Mười Nga, Phong trào Cộng sản quốc tế hiện nay vẫn là một lực lượng chính trị, quân sự, kinh tế, tinh thần không thế lực nào có thể bỏ qua trong những tính toán chiến lược toàn cầu. Không thể phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười đối với Phong trào Cộng sản quốc tế và cả loài người tiến bộ. Theo nhận định của Đảng ta: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”[4]./.
Th.s Bùi Trọng Thanh - Trưởng phòng TC, HC, TT, TL
Th.S Trần Hoài Nam - Giảng viênPhòng QLĐT và NCKH
[1] Theo “Lịch sử PTCS và CNQT trong thế kỷ 20” http://reds.vn/index. Thứ sáu, 30 Tháng 11 2012
[2] “Lịch sử PTCS và CNQT trong thế kỷ 20” http://reds.vn/index. Thứ sáu, 30 Tháng 11 2012
[3] Phong trào cộng sản, công nhân và giải phóng dân tộc quốc tế, Tập 6, Nxb Sách Giáo khoa Mác - Lênin, Hà Nội, 1981, tr.197.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 69.