(Kỷ niệm 204 năm ngày sinh Ph.Ăngghen (28/11/1820 – 28/11/2024))
Những cống hiến vĩ đại của Ph.Ăngghen đối với sự nghiệp giải phóng nhân loại toàn thế giới
Lịch sử nhân loại chắc chắn sẽ chưa thể đạt đến trình độ phát triển như ngày hôm nay, và chủ nghĩa xã hội sẽ chưa thể trở thành khoa học (vào tháng 2/1848) mà chỉ dừng lại là một học thuyết không tưởng. Một trong hai vĩ nhân đã xây dựng nên một di sản đồ sồ và vĩ đại (chủ nghĩa Mác), tạo động lực góp phần quan trọng vào thay đổi bản đồ chính trị thế giới và thúc đẩy bánh xe lịch sử theo hướng tiến bộ, đó chính là Ph.Ăngghen, ông không chỉ là một thiên tài trí tuệ, mà còn là một biểu tượng cao đẹp, sáng ngời về tinh thần chiến đấu, cống hiến và hy sinh trọn đời vì sự nghiệp giải phóng nhân loại cần lao trên toàn thế giới.
Nhân dịp kỷ niệm 204 năm ngày sinh của Ph.Ăngghen, việc cùng ôn lại về cuộc đời, về những cống hiến vĩ đại, công lao to lớn và đức hy sinh của Người, sẽ tiếp tục khắc sâu lòng tri ân của hậu thế đối với bậc vĩ nhân của nhân loại, và nhắc nhở các cán bộ, đảng viên chúng ta tiếp tục kiên định và vận dụng sáng tạo những di sản của chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong sự nghiệp xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Về cuộc đời: Ph.Ăngghen sinh ngày 28/11/1820 tại Barmen, tỉnh Ranh, Vương quốc Phổ trong một gia đình chủ xưởng dệt. Năm 14 tuổi ông học ở trường tại thành phố Barmen, đến tháng 10 năm 1834 chuyển sang học ở Trường trung học Elberfelder. Năm 1837, theo yêu cầu của bố, Ph.Ăngghen buộc phải rời bỏ trường học khi chưa tốt nghiệp để bắt đầu công việc buôn bán ở văn phòng của bố ông. Trong thời gian này Ph.Ăngghen đã tự học các ngành sử học, triết học, văn học, ngôn ngữ và thơ ca. Tháng 9 năm 1841, Ph.Ăngghen đến Berlin và gia nhập binh đoàn pháo binh, ở đây ông được huấn luyện quân sự, nhưng ông vẫn thường xuyên tới Trường Đại học Tổng hợp Berlin để nghe các bài giảng triết học, tham dự các hội thảo về lịch sử tôn giáo. Mùa xuân năm 1842, Ph.Ăngghen bắt đầu cộng tác với tờ Nhật báo tỉnh Ranh.
Tháng 10 năm 1842, Ph.Ăngghen mãn hạn phục vụ trong quân đội, ông trở lại Barmen, tháng 11 năm đó ông sang Anh thực tập buôn bán, trên đường sang Anh ông đã ghé thăm trụ sở tờ Nhật báo tỉnh Ranh ở Kioln và ông đã gặp C.Mác lúc đó là Tổng biên tập tờ báo. Từ cuộc gặp gỡ này không những đã xây dựng tình bạn của hai ông vì mục tiêu chung, mà bằng công việc của mình, các ông đã hỗ trợ nhau rất nhiều khiến thiên tài và trí tuệ của mỗi người bổ sung cho nhau một cách rất kỳ diệu. Ph.Ăngghen đã ở lại Anh 2 năm, trong thời gian này ông đã viết bài báo “Tình cảnh giai cấp công nhân ở Anh” và nhiều tác phẩm khác. Từ tháng 2 năm 1845 Ph.Ăngghen đã cùng với Mác cho ra đời những tác phẩm phê phán chủ nghĩa duy tâm và những hạn chế trong chủ nghĩa duy vật trước Mác, đồng thời bắt đầu xây dựng những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đến năm 1848 Ph.Ăngghen đã cùng với Mác viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” theo uỷ nhiệm của Đại hội II Liên đoàn những người cộng sản. Trong thời gian sống ở Pari Ăngghen quan tâm nhiều đến hoạt động của Liên đoàn những người cộng sản và trở thành Uỷ viên ban lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Liên đoàn những người cộng sản.
Tháng 4 năm 1848 Ph.Ăngghen cùng với Mác trở về Đức để tham gia cách mạng Đức. Tháng 10 năm 1848 ông sang Bỉ để tránh lệnh truy nã của chính quyền Phổ sau đó sang Pari rồi Thuỵ sỹ. Đến tháng Giêng năm 1849 ông trở về Đức và tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia thành lập quân đội và trực tiếp tham gia vào bốn trận đánh lớn. Sau khi cách mạng bị đàn áp, ông sang Thuỵ Sỹ, rồi sang nước Anh, đến tháng 11 năm 1850, Ăngghen phải chuyển đến Manchester bắt đầu lại công việc ở văn phòng thương mại để có điều kiện giúp đỡ vật chất cho C.Mác và hoạt động cách mạng. Ph.Ăngghen đặc biệt quan tâm nghiên cứu các môn khoa học tự nhiên, môn quân sự và chính sách quốc tế. Ông cùng với C.Mác lãnh đạo Quốc tế cộng sản I, tự mình sáng lập và lãnh đạo quốc tế xã hội chủ nghĩa.
Trái tim của của nhà bác học, người thầy lỗi lạc bậc nhất, lãnh tụ thiên tài của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã ngừng đập và vĩnh viễn ra đi vào ngày 5 tháng 8 năm 1895.
Những cống hiến vĩ đại: Lịch sử xã hội nhân loại đã vận động qua hơn 200 năm kể từ ngày sinh của Ph.Ăngghen, và gần 180 năm ra đời của chủ nghĩa Mác – Lênin. Bụi thời gian và thực tiễn có thể che lấp và xoá nhoà đi mọi thứ, nhưng những di sản mà Ph.Ăngghen đã góp công cùng với C.Mác xây dựng vẫn còn nguyên giá trị, tính thời đại, là ngọn cờ tư tưởng, vũ khí lý luận cho các Đảng Cộng sản và phong trào vì sự tiến bộ của nhân loại trên khắp hành tinh. Những cống hiến vĩ đại của Ph.Ăngghen là không thể kể hết, ở đây tác giả chỉ xin điểm lại một vài nét cơ bản sau:
Trên phương diện lý luận: Ph.Ăngghen đã cùng với C.Mác xây dựng nên những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin với ba bộ phận cấu thành là triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học. Trên cơ sở đó đã cung cấp cho nhân loại thế giới quan duy vật, phương pháp luận khoa học và nhân sinh quan tiến bộ, để chúng ta có thể nhìn nhận sự vật gần đúng nhất với bản chất của nó. Kinh tế chính trị Mác – Lênin đã làm sáng tỏ bản chất, quy luật của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và tính tất yếu bị thay thế bởi một chế độ xã hội khác tiến bộ hơn của chế độ tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội khoa học đã chỉ ra lực lượng, cách thức, con đường thực hiện xoá bỏ vĩnh viễn chế độ người bóc lột người, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới.
Tác phẩm “Tình cảnh giai cấp công nhân ở Anh” được Ăngghen viết năm 1842 khi ông sống ở nước Anh, đã phân tích sự khốn cùng của những người lao động và sự đốn mạt của giai cấp tư sản. Ông cùng C.Mác viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (năm 1848) – Tác phẩm đánh dấu cho sự ra đời của chủ nghĩa Mác, đồng thời là tác phẩm đánh dấu cho học thuyết về chủ nghĩa xã hội đã từ không tưởng trở thành khoa học. Ph.Ăngghen cũng đã có công rất lớn trong việc giúp C.Mác biên soạn bộ “Tư bản” và cho xuất bản tập II và tập III sau khi C.Mác mất. Các tác phẩm “Chống Đuyrinh” (năm 1878), “Biện chứng của tự nhiên” (năm 1873-1883), “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” (năm 1884) và “Lút vích Phơ bách và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức” (năm 1886) và nhiều tác phẩm khác của Ph.Ăngghen, đã xác định rõ vấn đề cơ bản của triết học và những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, góp phần to lớn vào việc hoàn thiện lý luận của chủ nghĩa Mác. Ph.Ăngghen chú ý phê phán những quan điểm tầm thường về chủ nghĩa duy vật lịch sử, làm sáng tỏ mối quan hệ biện chứng giữ kinh tế và tư tưởng, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng.
Trên phương diện thực tiễn: Ph.Ăngghen đã trực tiếp dấn thân vào các cuộc đấu tranh vũ trang, luôn gần gũi với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Trong những ngày khó khăn nhất của cách mạng, ông vẫn giữ vững sợi dây liên lạc với những người lãnh đạo phong trào công nhân các nước. Ông cùng với C.Mác tham gia Quốc tế thứ I và đấu tranh chống lại các trào lưu tư tưởng phi vô sản, nhiệt liệt ủng hộ và tích cực giúp đỡ các chiến sĩ của Công xã Pari (năm 1871), sáng lập Quốc tế thứ II và khôi phục lại sự đoàn kết giữa các đảng xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
Đức hy sinh và lòng cao thượng vĩ đại: Chúng ta đều biết, chủ nghĩa Mác – Lênin là kết tinh trí tuệ của ba lãnh tụ thiên tài bậc nhất trong lịch sử tư tưởng nhân loại và phong trào cộng sản thế giới: C. Mác (1818 -1883), Ph.Ăngghen (1820 – 1895) và V.I.Lênin (1870 – 1924). Các Đảng Cộng sản và thế giới hiện nay dù gọi tên là chủ nghĩa Mác, hay chủ nghĩa Mác – Lênin đều biết rất rõ vai trò của cả ba vĩ nhân sáng lập và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin là không thể so sánh và tách biệt, và không thể đong đếm công lao của ai hơn ai. Nhưng chúng ta biết chắc chắn một điều không có C.Mác thì không có Ph.Ăngghen và ngược lại không có Ph.Ăngghen thì không có C.Mác, và cũng không có toàn bộ di sản đồ sộ và vô giá cho nhân loại từ hai ông. Tình bạn giữa hai bậc vĩ nhân ấy đã được Lênin nhận định: là tình bạn vượt lên trên tất cả các câu truyện hay nhất về tình bạn trong lịch sử.
Ph.Ăngghen – Người luôn tâm niệm “hành trang lớn nhất của đời người là sự khiêm tốn và giản dị”. Bản thân ông là một thiên tài và bách khoa tri thức, nhưng với tấm lòng cao thượng vĩ đại, Ph.Ăngghen đã dâng tất cả cho C.Mác, như dâng hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng nhân loại cần lao. Trong điếu văn tiễn biệt C.Mác, Ph.Ăngghen nói: Chủ nghĩa, học thuyết của chúng tôi chỉ cần mang tên một mình Mác là đủ, Mác là một thiên tài, còn tôi cùng lắm chỉ là người có tài mà thôi. Được làm cây đàn thứ hai bên cạnh cây đàn mang tên Mác đã là hạnh phúc lớn lắm rồi. Trước lúc đi xa, Ph.Ăngghen di nguyện sau khi mất, thi hài được đốt đi và rắc tro xuống biển, để linh hồn ông được hoà quyện với linh hồn của nhân loại đau khổ trên khắp thế gian.
Đã 204 năm kể từ ngày Ph.Ăngghen sinh ra, thực tiễn lịch sử xã hội nhân loại đã vận động và phát triển khác xa rất nhiều so với thời kỳ của các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác – Lênin sống. Nhưng những cống hiến, di sản vĩ đại của Ph.Ăngghen và C.Mác vẫn còn nguyên giá trị, tính thời đại và là ngọn cờ tư tưởng, vũ khí lý luận cho giai cấp công nhân và loài người tiến bộ trong hành trình đấu tranh xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh. Cùng với C.Mác, V.I.Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ph.Ăngghen sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta và trong trái tim của nhân loại ưa chuộng hoà bình.
Th.s Hoàng Văn Sơn - Giảng viên Khoa lý luận cơ sở