“NÓI ĐÚNG TRIỆU CHỨNG, BẮT TRÚNG BỆNH, TIÊU TRỪ TẬN GỐC MẦM MỐNG UNG NHỌT” LÀ NHỮNG CHỈ DẪN TRONG CUỐN SÁCH[1]
CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
(Bài đạt giải C cấp tỉnh Cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2023)
KỲ I
Khi “ngọn lửa” phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta liên tục bùng cháy và lan rộng. Đã xuất hiện quan điểm cho rằng, nếu chống quyết liệt như vậy thì sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” cán bộ sáng tạo, đột phá, suy giảm động lực phát triển. Các thế lực thù địch thì xuyên tạc, quy chụp đây chỉ là những cuộc thanh trừng phe nhóm trong Đảng... Đó chẳng qua chỉ là lời nguỵ biện của những kẻ đã nhúng chàm, hay có ý định tư lợi, và của bọn bất hảo mang dã tâm xoá bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Từ khoá: Triệu chứng, cuốn sách của Tổng Bí thư, tham nhũng, tiêu cực...
1. Tham nhũng, tiêu cực – khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, kẻ thù của mọi chế độ chính trị
Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Chừng nào còn quyền lực nhà nước và cán bộ còn thiếu tu dưỡng, rèn luyện; bản lĩnh chính trị không vững vàng, thì chừng đó còn nguy cơ phát sinh và hình thành tham nhũng. Đó là những việc làm của đội ngũ cán bộ, nhất là những người có chức, có quyền đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Hiểu ngắn gọn, thì tham nhũng là hành vi ăn cắp của công, là một thứ giặc nội xâm vô cùng nguy hại và khó đánh bại. So với tham nhũng, thì tiêu cực rộng hơn, là những hành vi xấu xa, gây tổn hại đến lợi ích, uy tín của Đảng, Nhà nước, đoàn thể và bản thân người thực hiện. Có nguồn gốc sâu xa từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Khoảng 5 năm trước, trong nghị trường Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương của Thành phố Hồ Chí Minh đã nói: Đất nước có nhiều Hoà thân, thì dân chúng lấy gì mà ăn. Nhận định trên đã lột tả sâu sắc thêm sự nguy hại của tội ác tham nhũng đối với nhân dân và sự tồn vong của chế độ.
Lịch sử xã hội nhân loại đã, đang trải qua 5 hình thái kinh tế - xã hội, với với xu hướng tiến lên. Các chế độ xã hội, các thời đại có thể khác nhau rất nhiều về trình độ phát triển, thời gian tồn tại, bộ máy, người đứng đầu... nhưng chắc chắn có một điểm chung, là khi gian thần lộng hành, quan chức đục khoét ngân khố, bộ máy thống trị mục ruỗng, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân... thì đều đi đến một cái kết đắng: sự tan rã của chế độ.
Bàn về sự nguy hại của thứ giặc nội xâm, Lênin đã chỉ rõ: Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất, có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa. Có thể hiểu lý luận trên đây của Lênin là: Không có một kẻ thù nào dù là hung bạo nhất, có thể chiến thắng được chủ nghĩa cộng sản, trừ khi những người cộng sản tự giết chính mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng dạy: Tôi không sợ bọn đến quốc, bọn phản động, đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, kẻ phá hoại cách mạng nguy hiểm nhất chính là những người ấy, vì trong mắt đồng bào họ là Đảng, là nhà nước. Với Người, một đảng quang minh, chính đại vì dân, vì nước mà đấu tranh thì không có gì phải sợ. Nhưng Người sợ cán bộ làm liều, dân oán, dân gét thì mất hết. Nên Người luôn đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư... Để mỗi cán bộ, đảng viên thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Thực tiễn sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực giai đoạn (1917 – 1991) ở Liên Xô và các nước Đông Âu, là bài học xương máu không bao giờ được phép quên đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, trên hành trình lãnh đạo đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nếu Đảng của Lênin chỉ có hơn ba trăm nghìn đảng viên đã lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Mười (1917), hiện thực hoá lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học. Cũng với hơn năm triệu đảng viên, Liên Xô đã làm nên cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, trở thành thành trì hoà bình của thế giới và cứu toàn thể nhân loại thoát khỏi thảm hoạ phát xít.
Thế nhưng, trong nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, sau những thập niên 70 với nhiều thành công kỳ vĩ trên nhiều lĩnh vực. Trong bộ máy Đảng Cộng sản Liên Xô, đã dần hình thành một tầng lớp đặc quyền, xa rời lý tưởng Cộng sản, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm các nguyên tắc xây dựng đảng... Họ (một bộ phận lớn cán bộ cấp cao đã tha hoá của Đảng Cộng sản Liên Xô) thay vì cùng với nhân dân tìm cách vực dậy đất nước thoát khỏi khủng hoảng, lại tìm mọi cách để đục khoét công sản, đỉnh cao lao dốc của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, ngả sang phương Tây, đẩy đất nước đến cơn co giật cuối cùng và sụp đổ vào cuối năm 1991, khi trong Đảng có khoảng 20 triệu đảng viên.
Trên thế giới, các quốc gia đạt được trình độ phát triển cao hiện nay, đều là những chính phủ trong sạch, liêm chính. Singapore là một minh chứng điển hình về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “không thể, không muốn, không dám, không cần” tham nhũng. Bộ máy liêm chính là một trong những nhân tố có vai trò quyết định, tạo nên sự phát triển kỳ diệu nơi quốc đảo nhỏ về diện tích và dân số này.
Nhận thức được mối hiểm hoạ của nạn tham nhũng, tiêu cực đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng ta, trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng luôn quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (1994) đã nhận diện: “nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội” là một trong bốn nguy cơ đe doạ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đến nay (Đại hội XIII) tham nhũng, tiêu cực được Đảng nhấn mạnh “vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ”[2].
Để hiện thực hoá khát vọng “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[3]. Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đang hơn lúc nào hết, quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn, làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược”[4]. Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” để đi đến thực hiện được bốn không: “không dám”, “không thể”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.
2. Có phải sự nghiệp “đốt lò” của Đảng đang làm “nhụt chí”, “chùn bước” cán bộ, làm chậm nhịp độ phát triển của đất nước; là những cuộc “thanh trừng phe nhóm”?
Từ năm 2013, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Đến nay Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập đến cấp tỉnh. Từng bước thực hiện lời hiệu triệu “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” của đồng chí Tổng Bí thư trong phòng, chống và tiêu diệt giặc nội xâm.
Kết quả trong 10 năm hoạt động (2012 - 2022) cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã đưa ra ánh sáng và thi hành kỷ luật đối với nhiều tổ chức đảng, cán bộ có hành vi sai phạm.[5] Chúng ta không chỉ phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực công mà còn trong cả lĩnh vực ngoài nhà nước, làm trong sạch thị trường và xã hội[6]. Những kết quả thực tiễn từ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, đã tạo nên một phong trào chính trị rộng khắp trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và xã hội. Được quần chúng nhân dân tin tưởng, ủng hộ và bạn bè quốc tế đánh giá cao, từng bước góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, có nhiều người vì những động cơ không trong sáng hoặc hạn chế về nhận thức. Cho rằng việc Đảng ta đẩy mạnh tiến công tham nhũng, tiêu cực sẽ tạo ra phản ứng ngược: làm “nhụt chí”, “chùn bước” những cán bộ dám nghĩ, dám làm, đột phá. Vì sợ sai phạm nên sẽ không làm, hoặc làm cầm chừng để tránh sai phạm, thậm chí có những người còn quả quyết là không thể làm mà không có sai phạm... Nguy hại hơn, là xu hướng lan rộng của tư tưởng cho sự nghiệp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta chỉ là những cuộc đấu đá nội bộ giữa các phe nhóm trong Đảng.
Đó chẳng qua chỉ là những lời nguỵ biện của những ai đã trót nhúng chàm, hoặc đang có ý định lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi. Những người đang nhận quyền lực được uỷ quyền từ nhân dân, đã cá nhân hoá quyền lực. Thay vì làm người lãnh đạo và đầy tớ của nhân dân, họ lại muốn trở thành quan cách mạng, lừa dối cấp trên, muốn đè đầu, cưỡi cổ cấp dưới và nhân dân như thời phong kiến. Họ hoặc tự cho mình có quyền lợi hơn người, hoặc đó là những đặc quyền đương nhiên được hưởng với vị trí công tác của mình. Nếu không sớm chỉnh, đốn thì sớm muộn họ sẽ trở thành “ung nhọt”, “sâu mọt” của Đảng, Nhà nước, hiểm hoạ của chế độ. Còn với những cán bộ thực sự vì lợi ích chung mà dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo, thì Đảng đã có chủ trương và ban hành các cơ chế để bảo vệ.
Trên thực tế “...Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân”.[7] Từ những kết quả tích cực của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, ngày càng tin tưởng hơn vào vai trò lãnh đạo của Đảng, càng thấy được và thấm nhuần bản chất giai cấp, tính dân tộc và tính nhân dân của Đảng. Từng bước xua đi những đám mây mù ảm đạm của tư tưởng “đảng viên nhan nhản, mà cộng sản thì chẳng thấy ai” mà các thế lực thù địch đang gieo rắc. Vị thế, uy tín của Đảng đang được củng cố, bồi đắp, thực sự trở thành ngọn đuốc sáng, dẫn đường cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam cập bến thắng lợi.
Không khó, thậm chí là rất phổ biến, tràn lan trên các mạng, you tobe... những tin, video, quan điểm do các thế lực chống phá dàn dựng, quy chụp rằng sự nghiệp “đốt lò” của Đảng chỉ là các cuộc đấu đá nội bộ, thanh trừng phe nhóm trong Đảng. Trong dân chúng đang ít nhiều bị lung lay, thậm chí có người tin rằng đó là bản chất thật sự của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Đúng! Nếu như họ đã khẳng định đây là những cuộc đấu tranh phe nhóm, thì đây quả là thanh trừng phe nhóm đấy! Nhưng đó là cuộc đấu tranh giữa một bên là những người cộng sản chân chính, một lòng vì dân, vì nước, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, với một bên là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; là những hành vi xấu xa của cán bộ đang hàng ngày, hàng giờ ngăn cản, phá hoại sự nghiệp và lý tưởng cộng sản trên đất nước Việt Nam.
Nếu quả thực là đấu tranh phe nhóm, tranh giành quyền lực: phe của đồng chí Tổng Bí thư mạnh hơn nên thắng thế... như thế lực xấu xuyên tạc. Thì phe nhóm đối lập (nếu có) có để cho đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Đảng và nhân dân tin tưởng, giao trọng trách vinh dự và nặng nề nhất từ nhiệm kỳ Đại hội XI đến nay hay không?
Bởi không phải đợi đến khi có được vị trí đứng đầu Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới phát động nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mà từ rất sớm khi còn là cán bộ biên tập của Tạp chí Cộng sản, đồng chí đã dũng cảm, thẳng thắn chỉ rõ, và yêu cầu cần phải nghiêm trị những biểu hiện tiêu cực, móc ngoặc, rút ruột của công diễn ra trong các cơ quan, đơn vị. Có thể kể đến những bài viết như: “Bệnh sợ trách nhiệm” (1973), “Móc ngoặc” (1978), “Của công của riêng” (1978), “Làm xiếc) (1985)... Tất các các bài viết và quan điểm chỉ đạo của đồng chí đã nhất quán phương châm “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Để khẳng định cho những tín hiệu tích cực từ kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng thời gian qua. Tác giả xin được dẫn nguyên nhận định của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “...những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phấn chấn trong nhân dân. Đây chính là nguồn động lực to lớn để chúng ta hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Không phải như một vài ý kiến lo ngại rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm “chùn” sự chỉ đạo hay làm “chậm” sự phát triển, mà ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh - quốc phòng, đối ngoại”[8].
Tài liệu tham khảo
1. Báo Quân đội nhân dân (điện tử): 30 năm Liên xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.2021.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.2011, t.1.
4. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 khoá XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
5. Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật.
ThS. Hoàng Văn Sơn
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
[1] “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.2021, t.I, tr.93.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.2021, t.I, tr.57.
[4] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, tr.13
[5] Xem: Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, tr.117-118: Có 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 29 ủy viên Trung ương. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng.
[6] Điển hình như các vụ xảy ra ở: Công ty Việt Á, AIC, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,..
[7] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, tr.14
[8] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, tr.75