Đường dây nóng: 0212.3852.153

Lịch Giảng Dậy

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 14
Hôm qua : 23
Tháng này : 597
Tổng truy cập : 236807
Đang trực tuyến : 1

Tin Tức ››

“NÓI ĐÚNG TRIỆU CHỨNG, BẮT TRÚNG BỆNH, TIÊU TRỪ TẬN GỐC MẦM MỐNG UNG NHỌT” LÀ NHỮNG CHỈ DẪN TRONG CUỐN SÁCH[1] CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG (Bài đạt giải C cấp tỉnh Cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2023)

Cập nhật: 10:48:37 10 / 03 / 2025
Lượt xem: 20

“NÓI ĐÚNG TRIỆU CHỨNG, BẮT TRÚNG BỆNH, TIÊU TRỪ TẬN GỐC MẦM MỐNG UNG NHỌT” LÀ NHỮNG CHỈ DẪN TRONG CUỐN SÁCH[1]

CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

(Bài đạt giải C cấp tỉnh Cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2023)

 

KỲ II

Khi “ngọn lửa” phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta liên tục bùng cháy và lan rộng. Đã xuất hiện quan điểm cho rằng, nếu chống quyết liệt như vậy thì sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” cán bộ sáng tạo, đột phá, suy giảm động lực phát triển. Các thế lực thù địch thì xuyên tạc, quy chụp đây chỉ là những cuộc thanh trừng phe nhóm trong Đảng... Đó chẳng qua chỉ là lời nguỵ biện của những kẻ đã nhúng chàm, hay có ý định tư lợi, và của bọn bất hảo mang dã tâm xoá bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Từ khoá: Triệu chứng, cuốn sách của Tổng Bí thư, tham nhũng, tiêu cực...

 

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là người cộng sản kiên trung, giữ trọn niềm tin, lời thề với Đảng và trách nhiệm với nhân dân, với Tổ quốc. Cả cuộc đời đi theo Đảng, trực tiếp chứng kiến những thành tựu vĩ đại và sự kết thúc đầy đáng tiếc của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Đồng chí đã khắc sâu bài học về mối hiểm hoạ của giặc nội xâm đối với phong trào cộng sản và công nhân thế giới.

Trước sự sụp đổ đầy đau thương, nhưng cũng đầy những bài học đích thực của Liên Xô. Năm 1992, trong bài viết “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?” đăng trên Tạp chí Cộng sản. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra một trong năm nguyên nhân chính là: “Không xác lập đúng đắn sự lãnh đạo của Đảng, buông lơi công tác xây dựng Đảng”[2]. Nên từ văn kiện Đại hội XIII, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng về “tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức”. Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng Đảng về “cán bộ”, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu.

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” là tập hợp những trăn trở, quyết tâm, quan điểm chỉ đạo nhất quán, quyết liệt, mang tính chỉ dẫn của đồng chí Tổng Bí thư, để thực hiện đến cùng sự nghiệp đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực:

1. Rèn luyện thân thể - xây dựng mẫu hình người cộng sản để “không muốn”, “không cần” tham nhũng.

“Suy cho cùng mọi thành bại đều do con người và tất nhiên sự nghiệp cách mạng thành bại cũng chủ yếu do cán bộ, đảng viên”[3].

So với các loại kẻ thù và hiểm hoạ chống chủ nghĩa cộng sản và phong trào công nhân quốc tế, thì giặc “nội xâm” là kẻ thù nguy hiểm nhất, bởi nó không thể nhìn thấy bằng mắt, nó có ở khắp mọi nơi, ẩn náu trong bất kỳ ai. Nó phá hoại cách mạng từ bên trong, là thứ giặc ở trong lòng, kéo con người xuống dốc không phanh. Đảng là tổ chức của những đảng viên, mà đảng viên là con người, mà đã là con người thì nhân vô thập toàn, ai cũng có tham, sân, si. Nên nếu không thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, không phải là “thép đã tôi qua lửa đỏ và nước lạnh”, thì rất khó có thể vượt qua được những thử thách và cám dỗ được nảy sinh từ quyền lực.

Chúng ta đẩy mạnh đấu tranh chống các thế lực thù địch công kích từ bên ngoài, mà không tự tăng cường sức đề kháng từ bên trong, thì sớm muộn cơ thể cũng sẽ bị phơi nhiễm, hoặc tự phát bệnh mà suy kiệt. Nên đồng chí Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh đến việc “tự soi, tự sửa”, tự rèn luyện suốt đời, nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu.

Phải xây dựng người cộng sản, sống cống hiến, lấy chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao quý, là lẽ sống. Phát biểu chỉ đạo các Hội nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò của đạo đức “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, của danh dự: “cái quý nhất của con người là sự sống”; “danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”; “tiền bạc chết có mang theo được đâu”...

Vì vậy, các cấp uỷ Đảng cần quan tâm làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện, thấm nhuần đạo đức cách mạnh: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải học tập và noi gương, làm theo đạo đức, tác phong của Bác Hồ. Phải xứng đáng với danh hiệu cao quý của người cộng sản, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.

2. Nói đúng triệu chứng, bắt trúng bệnh – thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân, biểu hiện và thực trạng diễn biến của giặc nội xâm trong Đảng và hệ thống chính trị, để “không thể” tham nhũng.

Muốn trị bệnh thì phải bắt trúng bệnh, để bắt đúng bệnh thì phải nói đúng triệu chứng. Những nội dung trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, đã thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân, những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực để tăng cường thanh tra, kiểm tra. Chỉ rõ những biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.

Theo đó, cái gốc của nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực là sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, bắt nguồn từ sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có chức, có quyền: “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc, cái nguy hiểm nhất, dẫn đến tham nhũng, hư hỏng”[4].

Tập trung đấu tranh ở những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, cơ chế kiểm soát tài sản thu nhập trong các lĩnh vực: tổ chức cán bộ; thanh tra; xây dựng pháp luật; điều tra; truy tố; xét xử; tài chính; đấu thầu; đấu giá; quy hoạch; quản lý đất đai; tài sản công... Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cả trong các đơn vị thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đưa ra công luận những biểu hiện của suy thoái, tham nhũng, tiêu cực. Trong bài đăng trên tạp chí Cộng sản năm 1990, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã rất đau xót, trăn trở khi nhận định: “...những năm gần đây, hình ảnh người cộng sản dường như không còn sức hấp dẫn, dường như đã bị phai mờ... hình ảnh người cộng sản dường như chỉ còn là một vầng hào quang, một ký ức hoặc một giấc mơ đẹp. Đối với những thanh thiếu niên mới lớn, hình ảnh người cộng sản dường như quá xa xôi, lạ lẫm. Người ta truyền nhau câu cửa miệng: “đảng viên nhan nhản, cộng sản hiếm hoi...[5] Những thủ đoạn ăn chặn, rút ruột của công đã được lột tả một cách công khai trong các bài viết: “Bệnh sợ trách nhiệm” (1973), “Móc ngoặc” (1978), “Của công của riêng” (1978), “Làm xiếc) (1985)...

Cho đến những năm gần đây, khi đất nước đã vươn mình phát triển, có thế và lực mới. Những “mầm mống ung nhọt”, “con sâu của chế độ” vẫn không ngừng đục khoét, tàn phá Đảng và sự nghiệp quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Các hành vi tham nhũng, hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, cánh hẩu... vẫn xảy ra. Hiện tượng chạy theo lợi nhuận đơn thuần, nhạt Đảng, xa rời chính trị... diễn ra không chỉ trong xã hội mà ngay trong Đảng. Không ít đảng viên đã bị đồng tiền cám dỗ làm tha hoá, biến chất. Nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang đều gục ngã trước danh vọng, tiền tài và địa vị.

Với quyết tâm đưa ra ánh sáng những hành vi xấu xa của cán bộ và các hoạt động đi ngược lại với xu thế phát triển của đất nước. Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương, đã liên tục đưa ra ánh sáng công luận, công lý các vụ đại án, sai phạm. Điều tra đến đâu, công khai kết quả đến đó, không dấu diếm, không bỏ lọt, không khoan nhượng, thoả hiệp với hành vi tham nhũng, tiêu cực.

3. Quyết tâm tiêu trừ tận gốc mầm mống ung nhọt –  đấu tranh không có vùng cấm, không có ngoại lệ; thi hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự để “không dám” tham nhũng.

Từ nhận định: Tham nhũng, tiêu cực là “kẻ thù hung ác”, đe doạ đến sự tồn vong của chế độ. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhất quán phương châm chỉ đạo: “Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai để “không dám” tham nhũng, tiêu cực”[6]. Kết quả trên thực tiễn cho thấy, Đảng ta đã đưa ra ánh sáng nhiều đại án tham nhũng có liên quan đến những cán bộ cao cấp của Đảng, tướng trong lực lượng vũ trang và chủ các tập đoàn lớn, trong đó có những nơi mà trước đây có thể coi là bất khả xâm phạm. Tiến hành thi hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự.

Tuy nhiên, một vấn đề trăn trở và đáng suy ngẫm mà đồng chí Tổng Bí thư đặt ra với toàn Đảng và hệ thống chính trị: “tại sao chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm như vậy mà sai phạm vẫn cứ tiếp diễn”[7]. Nên trong thời gian tiếp theo, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, quyết tâm loại bỏ đến cùng những mầm mống ung nhọt, những con sâu đang làm suy giảm uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân. Vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì sinh mệnh của Đảng và trách nhiệm với nhân dân. Chúng ta phải kiên quyết, kiên trì xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiêu trừ tận gốc rễ mầm hoạ diệt vong nội tại này.

4. Nhân văn - trị bệnh cốt để cứu người; ai đã trót “nhúng chàm” thì tự giác “rửa tay”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên hành trình ra đi tìm đường giải phóng cho dân tộc, đã đúc kết: “trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”[8]. Nói như vậy để thấy được rằng, giữa những người cộng sản với nhau chỉ có tình yêu thương, đoàn kết, chứ không có thù địch, oán ghét. Không ai muốn kỷ luật đồng chí, đồng nghiệp, vì đây là việc làm rất đau xót và cay đắng.

Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo: “Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”[9]. Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kịp thời phát hiện sai phạm chưa đến mức phải xử lý kỷ luật là tốt. Vì mục tiêu đấu tranh không chỉ là câu chuyện về tài sản vật chất, mà là vấn đề ở đời và làm người, làm cán bộ “mất tiền bạc là chuyện nhỏ, mất cán bộ, mất người mới là nguy hiểm”.

Đảng ta cũng chủ trương nêu cao tinh thần tự giác: ai thấy bản thân không còn xứng đáng thì nên tự động xin rút lui; có trót sai phạm thì chủ động nhận lỗi, giao nộp tài sản phi pháp mà có, khắc phục hậu quả thì được hưởng chính sách khoan hồng. Nhưng không có nghĩa không thượng tôn pháp luật, bỏ lọt tội phạm, mà sai phạm đến đâu, xem xét, xử lý nghiêm minh đến đó. Có như vậy mới thể hiện được sự nhân văn của Đảng, tính nghiêm trị với tội phạm, tính răn đe với những người đang có ý định “nhúng chàm”.

Tóm lại, tham nhũng, tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, đặc biệt trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Vấn đề làm sao để xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có mối quan hệ biện chứng với nhau.

“Ngọn lửa” soi sáng góc khuất, vùng tối của Đảng, Nhà nước ta do đồng chí Tổng Bí thư “nhóm lên” sẽ chưa thể ngừng cháy, chừng nào vẫn còn “củi đốt”. Những quan điểm chỉ đạo trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” sẽ luôn là ngọn đèn pha chỉ dẫn cho công tác đấu tranh “không nghỉ”, “không ngừng”, để đi đến “xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để “không cần” tham nhũng, tiêu cực”[10].

Chúng ta, những cán bộ, đảng viên, dù đang ở cương vị công tác nào, cùng cần phải xúc động trước hình ảnh một người chiến sỹ cộng sản kiên trung, tuổi đã 80, mà vì trách nhiệm trước Đảng, trước dân và lời thề son sắt với Đảng, vẫn ngày đêm tận sức vì sự trong sạch của Đảng, vững mạnh của Nhà nước, thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Mỗi chúng ta hãy từ bây giờ và thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện theo lý tưởng, con đường mà các thế hệ cha anh và đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chọn:

“Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương

Nếu là chim hãy là chim câu trắng

Nếu là đá hãy là đá kim cương

Nếu là người hãy là người cộng sản!”[11].

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Báo Quân đội nhân dân (điện tử): 30 năm Liên xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.2021.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.2011, t.1.

4. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 khoá XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

5. Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật.

 

 

ThS. Hoàng Văn Sơn

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

 

 

 

 

 

 

 



[1] “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”

[2] Báo Quân đội nhân dân (điện tử): 30 năm Liên xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam, (kỳ I)

[3] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, tr.465

 

[4] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, tr.124

[5] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, tr.511

[6] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, tr.25

[7] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, tr.42-43

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.2000, t.1, tr.266

[9] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, tr.24

[10] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, tr.37

[11] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, tr.511

 


Các tin khác:
Các tin liên quan: