Đường dây nóng: 0212.3852.153

Lịch Giảng Dậy

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 14
Hôm qua : 23
Tháng này : 597
Tổng truy cập : 236807
Đang trực tuyến : 1

Tin Tức ››

VIỆT NAM – “ĐIỂM GIAO” CỦA NHỮNG “ĐƯỜNG SONG SONG” (Bài đạt giải C cấp tỉnh Cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024)

Cập nhật: 16:05:43 14 / 03 / 2025
Lượt xem: 21

VIỆT NAM – “ĐIỂM GIAO” CỦA NHỮNG “ĐƯỜNG SONG SONG”

(Bài đạt giải C cấp tỉnh Cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng

của Đảng năm 2024)

 

 

Việt Nam gần đây đã trở thành điểm sáng trên mặt trận ngoại giao, xứng đáng trở thành mẫu hình đối ngoại trong bối cảnh quốc tế đa cực, cạnh tranh nước lớn. Đó là thành tựu từ đường lối ngoại giao “Cây tre Việt Nam” vận động theo triết lý “thực lực là chiêng, ngoại giao là tiếng”.

Ảnh minh hoạ (nguồn Internet)

Nội dung:

Trong bối cảnh thế giới diễn biến vô cùng khó khăn, phức tạp, khó lường. Xu thế hoà bình, hợp tác cùng phát triển có những dấu hiệu “chững lại”, thế giới bước vào phân tách. Các nước lớn cạnh tranh chiến lược, gia tăng sức ảnh hưởng, các cuộc xung đột leo thang, tiềm ẩn nguy cơ lan rộng... đe doạ trực tiếp đến hoà bình, ổn định của khu vực và thế giới. Những diễn biến đó đã tác động mạnh mẽ đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trong đó thách thức chọn bên trong ứng xử quốc tế là vấn đề vô cùng khó khăn đối với vận mệnh của mỗi quốc gia, dân tộc.

Nhưng, như một hiện tượng lạ, vượt qua những thử thách vô cùng khó khăn. Những thành tựu nổi bật trên phương diện đối ngoại của Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy, dù là một quốc gia tầm trung đang phát triển, nhưng với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.Việt Nam đã duy trì và thiết lập được sự cân bằng trong quan hệ với các đối tác, trong đó có “những người bạn” ở những giới hạn nhất định là đối thủ, đại kình địch của nhau. Hình tượng ngoại giao đặc biệt “Cây tre Việt Nam”: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, đang dần đưa Việt Namtrở thànhđiểm giao cắt của những đường thẳng song song”, nơi hội tụ những điểm chung của những người bạn quốc tế khác biệt, thậm chí là đối đầu về lập trường,đã và sẽ góp phần tích cực vào thúc đẩy các quốc gia trên thế giới vượt qua sự khác biệt, xích lại gần nhau để cùng xây dựng một cộng đồng thế giới hoà bình, ổn định và phát triển.

Những vấn đề khó khăn nhất của thế giới đã từng được kéo về Việt Nam để giải quyết

           

Mối quan hệ giữa Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Hoa Kỳ, cho đến ngày hôm nay vẫn đang là một trong những vấn đề thường trực, tác động lớn đến tình hình khu vực và thế giới. Dù cho sức nóng từ những sự kiện xung quanh bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, gần đây đang trở nên rất căng thẳng, khi các hoạt động mang thông điệp của đôi bên (giữa một bên là Triều Tiên và một bên là liên minh Hàn Quốc – Hoa Kỳ) đang gia tăng tần suất. Nhưng những tín hiệu tích cực cho sự xích lại gần nhau của hai quốc gia này, đã từng được diễn ra ít nhất 02 lần, với 02 cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ - Triều. Trong hơn 200 quốc gia và vũng lãnh thổ trên thế giới, vào năm 2019, Việt Nam đã trở thành sự lựa chọn của Hoa Kỳ và Triều Tiên cho cuộc gặp giữa 02 vị lãnh đạo đồng cấp, sau Singapore vào năm 2018. Dù cho kết quả sau cuộc gặp gỡ chưa mang lại những thay đổi căn bản về lập trường của mỗi bên. Nhưng dám tin chắc, cả hai phía đều đã kỳ vọng và mong muốn tại Việt Nam, một quốc gia độc lập, thống nhất và khát khao hoà bình, tự do sẽ mang lại cho mỗi bên những điều tốt đẹp nhất.

Vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế ngày càng cao

- Dấu ấn tại các diễn đàn quốc tế:Có rất nhiều sự kiện mang dấu ấn của Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Xoay quanh những vấn đề phức tạp trong quan hệ giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, đã có rất nhiều câu hỏi đến từ nhiều phía về lập trường của Việt Nam. Dù cho với bất kỳ động cơ nào? thì điều đó cũng gián tiếp nói lên giá trị trong tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2019 Việt Namđắc cử ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối;vai trò của Việt Nam tại UNESCO ngày càng được khẳng định khi cùng lúc đảm nhận nhiều vị trí quan trọng: Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, và gần đây là thành viên của Uỷ ban di sản thế giới...

- Lan toả giá trị từ thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cùng chia sẻ với các quốc gia “ít may mắn”: Với phương châm đối ngoại: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Biểu trượng lá cờ đỏ sao vàng (Quốc kỳ của Việt Nam) cùng với những điều tốt đẹp đã xuất hiện ở những nơi cách xa Tổ quốc cả nửa vòng xích đạo.

Việt Nam đã cử lực lượng tham gia gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc; cử lực lượng tham gia cứu nạn ở một số quốc gia bị thảm hoạ... Các doanh nghiệp của Việt Namđã giúp xoá bỏ cách biệt về cơ hội hưởng thụ thành tựu của văn minh nhân loại, khi đem những dịch vụ viễn thông tiện ích, hiện đại đến với các quốc gia châu Phi – một chủ trương đầu tư không chỉ vì lợi nhuận kinh tế, mà đó là sự thể hiện cho nghĩa cử cao đẹp của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam,để góp phần lấp đi những khoảng “lồi lõm” cách biệt trong thế giới phẳng.

Không chỉ Nhà nước, doanh nghiệp, mà đã có không ít những người con đất Việt, vượt qua nhiều rào cản cách biệt về địa lý, màu da, ngôn ngữ, trình độ phát triển... để cùng đồng cảm và chia sẻ với người dân châu Phi. Những công dân mang quốc tịch Việt Nam đang góp phần lan toả giá trị, tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, tạo lập niềm tin của nhân dân, chính quyền quốc gia nơi đến với một nước Việt Nam độc lập, hoà bình và hữu ái.

 

Việt Nam cùng lúc là đối tác chiến lược toàn diện của nhữngsiêu cường thế giới

 

Dư luận quốc tế và bạn bè thế giới đánh giá rất cao những thành tựu trên phương diện đối ngoại của Việt Nam, với những nhận định: Tại sao ai cũng muốn làm bạn với Việt Nam?Tính đến thời điểm hiện nay (5/2024) Việt Nam đã nâng cấp và cùng với đó từng bước nâng tầm quan hệ ở mức cao nhất (đối tác chiến lược toàn diện) với 07 quốc gia: Trung Quốc (2008), Liên bang Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Hoa Kỳ(2023), Nhật Bản (2023) và Australia (2024).

Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới cùng lúc xác lập được mối quan hệ chiến lược toàn diện với cả 3 cường quốc: Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hiện thực này là một hiện tượng chưa có quốc gia nào có thể đạt đến trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược tam giác Mỹ - Nga - Trung trên nhiều phương diện để gia tăng sức ảnh hưởng và củng cố địa vị mỗi bên. Nếu nhìn nhận trên lập trường thông thường “kẻ thù của kẻ thù là bạn; kẻ thù của bạn là kẻ thù của mình”, thì với Việt Nam, từ nhận thức về đối tácđối tượng, cùng với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Việt Nam đã có thể đứng vững, “đứng giữa” và bắt tay hợp tác với các bên, góp phần thúc đẩy các nước lớn vượt qua khách biệt, xích lại gần nhau, cùng hướng đến xây dựng một cộng đồng quốc tế bền vững.

“Thực lực là cái chiêng mà  ngoại giao là cái tiếng”

“Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của công tác ngoại giao trong bài trả lời phỏng vấn của phóng viên các báo về vấn đề đoàn kết ngày 26/12/1945.

Vị thế và uy tín quốc tế mà Việt Nam có được ngày hôm nay không phải đến từ sự may mắn, hay ban phát của bất cứ một lực lượng có vai trò định hình thế giới trong kỷ nguyên mà chúng ta đang sống. Mà đó là thành quả của quá trình vận động tự thân, xây dựng cơ đồ, tiềm lực đất theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trước muôn vàn thử thách, sóng gió của lịch sử và thời đại.

Sự vận động của đường lối đối ngoại đi từ “bị động, đến chủ động và khẳng định vị thế” của Việt Nam qua mỗi giai đoạn, là sự phản ánh tiềm lực, cơ đồ của đất nước. Năm 1991, trong bối cảnh đất nước khủng hoảng kinh tế, bị bao vây cấm vận (Quy mô GDP khoảng 12,5 tỷ USD), chủ trương đối ngoại của Việt Nam từ rất bị động:“Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”[1]. Sau gần 35 năm thực hiện Cương lĩnhxây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, và gần 40 năm đổi mới đất nước. Việt Nam đã có được cơ đồ, tiềm lực“chưa bao giờ có”trong lịch sử dân tộc(Quy mô GDP khoảng 430 tỷ USD),chủ trương đối ngoại của Việt Nam đã đi đến khẳng định vị thế: “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[2].

Kết luận:

Dưới vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và đường lối ngoại giao “Cây tre Việt Nam” gắn với dấu ấn đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đất nước chúng ta sẽ vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa, là nơi hội tụ những điểm chung giữa các quốc gia khác biệt, thậm chí đối đầu, là hạt nhân thúc đẩy xu hướng hoà hợp, hoà bình, hợp tác, cùng phát triển thịnh vượng; là “điểm giao của những đường thẳng song song” góp phần tích cực và xứng đáng vào việc duy trì sự ổn định, tiến bộ vì nhân loại trên khắp hành tinh.

 

 

ThS. Hoàng Văn Sơn- Giảng viên khoa Lý luận cơ sở


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia. H.2007,  t.51, tr.53

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.162.

 


Các tin khác:
Các tin liên quan: