Đường dây nóng: 0212.3852.153

Lịch Giảng Dậy

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 14
Hôm qua : 23
Tháng này : 597
Tổng truy cập : 236807
Đang trực tuyến : 1

Tin Tức ››

Quan điểm về “Chính sách đối ngoại của V.I. Lênin” và vận dụng vào thực tiễn đối ngoại của Việt Nam hiện nay

Cập nhật: 09:05:47 23 / 04 / 2025
Lượt xem: 9

Quan điểm về “Chính sách đối ngoại của V.I. Lênin” và vận dụng vào

thực tiễn đối ngoại của Việt Nam hiện nay

 

Tại Đại hội IX các Xô-viết toàn Nga, trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương các Xô-viết toàn Nga và của Hội đồng Bộ trưởng Dân uỷ, Lãnh tụ Lênin đã thông qua văn kiện “Về chính sách đối nội và đối ngoại của nước Cộng hoà”. Trong đó có nhiều luận điểm quan trọng về thực hiện, chính sách đối ngoại, là cơ sở lý luận cơ bản cho Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng và phát triển trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển hiện nay.

1. Những chỉ dẫn của Lênin về chính sách đối ngoại

* Nguyên nhân để nhà nước Cộng hoà xô-viết có thể tồn tại được trong vòng vây của chủ nghĩa tư bản

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một chế độ xã hội ưu việt và tiến bộ đã ra đời, luận chứng hiện thực cho tính tất yếu bị thay thế bởi một chế độ xã hội tốt đẹp hơn của chủ nghĩa tư bản (với tính cách là chế độ người bóc lột người cuối cùng trong lịch sử). Lo sợ trước sức hấp dẫn của một nền dân chủ mà quyền lực thực sự thuộc về đa số, ngay từ những ngày đầu tiên sau khi nước Nga xô-viết được thành lập, các quốc gia tư bản gồm Anh, Pháp, Đức đã đồng loạt nhất trí đưa hơn 350.000 lượt binh lính đến nước Nga để cùng với quân bạch vệ Nga chống lại chính quyền của cách mạng Tháng Mười trong cuộc nội chiến.

Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, các quốc gia thắng trận đã tổ chức một hội nghị hoà bình ở Véc xay nước Pháp, nhưng có một điều lạ, nước Nga dù là đồng sáng lập phe đồng minh, bước ra khỏi chiến tranh thế giới với tư cách một nước thắng trận, lại không được mời tham dự hội nghị. Trong hội nghị Véc xay người ta thấy vấn đề được các nước đế quốc đem ra bàn luận nhiều nhất chính là vấn đề Nga, là tìm cách để xoá bỏ chính quyền nhà nước Cộng hoà xô-viết. Nên nhận định “dấu mốc khởi đầu Chiến tranh Lạnh đúng ra phải được xác định từ năm 1917”[1] của André Fontaine trong cuốn Lịch sử Chiến tranh Lạnh, về một mức độ nào đó là phù hợp.

Vậy thì điều gì đã giúp cho nước Nga xô-viết có thể tồn tại giữa nanh vuốt của các nước đế quốc? Vị cha đẻ của chủ nghĩa xã hội hiện thực khẳng định có 02 nguyên nhân chính cho sự tồn tại được của chủ nghĩa xã hội ở Nga là sự ủng hộ của công nhân và nhân dân lao động trong nước và sự ủng hộ mạnh mẽ của giai cấp vô sản thế giới:“hai nguyên nhân chính của thắng lợi của chúng ta: một là đảng đã dựa vào sự giúp đỡ của công nhân và nông dân lao động, là những người hiểu rằng mình đấu tranh cho chính quyền của mình, cho ruộng đất của mình, cho một cuộc sống tốt đẹp hơn của bản thân và con cái mình; hai là, giai cấp vô sản quốc tế, để thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình, đã ủng hộ mạnh mẽ nước Nga cách mạng”.[2]

* Quan điểm cùng tồn tại hoà bình giữa hai hệ thống

Chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ bị thay thế bởi một chế độ xã hội tốt đẹp hơn, đó là chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Nhưng trong những điều kiện nhất định của lịch sử, quá trình phủ định hình thái kinh tế - xã hội này bằng một hình thái kinh tế - xã hội khác là cả một quá trình lâu dài, khó khăn và không có giới hạn cụ thể về mặt thời gian. Xét trên bình diện thế giới thì chuyên chính vô sản ở mỗi nước trước tiên là để tái thiết và xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn, sau đó là trấn áp với các thế lực phản động, tàn dư của xã hội cũ và kẻ thù tiến công từ bên ngoài, chứ không phải được xây dựng để tiến hành các hoạt động xâm phạm đến chủ quyền, lãnh thổ và công việc nội bộ của nước khác.

Các quan điểm chỉ đạo của Lênin về đường lối chung trong chính sách đối ngoại của Chính phủ xô-viết là cùng tồn tại hoà bình và thi đua kinh tế giữa hai hệ thống, tức là không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thiết lập những qua hệ kinh tế và văn hoá với tất cả các nước trên cơ sở cùng có lợi, hữu nghị với tất cả các dân tộc. Lênin coi chính sách cùng tồn tại hoà bình là một hình thức đặc biệt của đấu tranh giai cấp giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.[3]

* Tính tất yếu và lợi ích của mở rộng hợp tác với chủ nghĩa tư bản

Lãnh tụ Lênin cho rằng do xuất phát điểm thấp và sự tàn phá của chiến tranh, tự nước Cộng hoà xô-viết không thể xây dựng được những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội được, mà phải biết tiếp thu, kế thừa những giá trị mà nhân loại đã dành được dưới chủ nghĩa tư bản: “Phải tiếp thu toàn bộ nền văn hoá do chủ nghĩa tư bản để lại và dùng văn hoá đó để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải tiếp thu toàn bộ khoa học kĩ thuật, tất cả những kiến thức, tất cả nghệ thuật. Không có những cái đó, chúng ta không thể xây dựng cuộc sống của xã hội cộng sản được”[4]. Lênin còn nhấn mạnh: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài: Chính quyền Xô viết trật tự đường sắt Phổ kĩ thuật và cách tổ chức các Tơrớt ở Mỹ ngành giáo dục quốc dân Mỹ… = Chủ nghĩa xã hội”[5].

Trên cơ sở xu hướng vận động khách quan của quan hệ kinh tế quốc tế trong chủ nghĩa tư bản hiện đại và thực tiễn nước Nga sau cách mạng tháng Mười. V.I.Lênin đã nhận thức rõ sự cần thiết và đề xuất sử dụng kinh tế đối ngoại để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vậy, một câu hỏi được đặt ra là tại sao chủ nghĩa tư bản điên cuồng và thù ghét lại sẵn sàng chấp nhận hợp tác đối ngoại với nước Cộng hoà xô-viết? vì nước Nga những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX vẫn là một quốc gia lạc hậu về kinh tế. Với nhãn quan chính trị và cái nhìn biện chứng về quy luật vận động khách quan của lịch sử, Lênin đã khẳng định chắc chắn: “Có một sức mạnh lớn hơn nguyện vọng, ý chí và sự quyết tâm của bất cứ chính phủ hay giai cấp thù địch nào, sức mạnh đó là những quan hệ kinh tế chung của toàn thế giới, chúng bắt buộc họ phải tiếp xúc với chúng ta”[6].

Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương các Xô-viết toàn Nga và của Hội đồng Bộ trưởng Dân uỷ tại Đại hội IX các Xô-viết toàn Nga, Lênin đã nêu lên những minh chứng cụ thể về kết quả đạt được trong mở rộng hợp tác với chủ nghĩa tư bản, khẳng định việc hợp tác đã góp phần rất quan trọng, và trong những chừng mực nhất định đã quyết định đến sự phát triển của nền công nghiệp nước Nga xô-viết, dù cho việc nhập khẩu những thiết bị công nghệ từ các quốc gia tư bản là rất đắt, nhưng điều đó nói lên rằng nước Nga xô-viết đã tiếp cận được với những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới để xây dựng nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội “Chúng ta mua tất cả những thứ đó với một giá rất đắt... nhưng dù sao... nó nói lên rằng nền đại công nghiệp của các nước tư bản chủ nghĩa giúp chúng ta khôi phục lại nền kinh tế của nước ta... Tình thế của các nước tư bản đó đi đến chỗ là một mặt họ bóc lột chúng ta... nhưng mặt khác họ vẫn giúp nền kinh tế của ta”[7].

* Đề cao cảnh giác, không ngừng tăng cường những ưu việt của xã hội xã hội chủ nghĩa

Khi khẳng định cùng tồn tại hoà bình và thi đua kinh tế giữa hai hệ thống, Lãnh tụ Lênin cũng đồng thời khẳng định chủ nghĩa tư bản dù đang hợp tác với chủ nghĩa xã hội, nhưng chưa lúc nào từ bỏ dã tâm thôn tính và xoá bỏ sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Nên trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, các quốc gia xã hội chủ nghĩa, cần phải hết sức đề cao cảnh giác, không được lơ là trước âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch: “bài học mà tất cả công nhân và nông dân đều phải thấm nhuần, là chúng ta phải cảnh giác, phải nhớ rằng xung quanh chúng ta là những người, những giai cấp và những chính phủ đang công khai tỏ ra cực kỳ căm thù chúng ta. Không nên quyên rằng nguy cơ bị xâm lăng luôn luôn ở sát nách chúng ta. Chúng ta sẽ làm hết sức mình để phòng ngừa tai hoạ đó”[8].

Như đã nhận định ở phía trên, sở dĩ một trong những nguyên nhân làm cho nước Nga xô-viết có thể tồn tại được trong vòng vây giận dữ và thù ghét của chủ nghĩa tư bản, chính là nhờ sự ủng hộ của công nhân, nhân dân lao động và giai cấp vô sản thế giới. Vì vậy, một trong những cách tốt nhất để bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa chính là xây dựng thành công một xã hội ưu việt và tiến bộ hơn chủ nghĩa tư bản, từ đó củng cố tiềm lực quốc gia, sức mạnh niềm tin của quần chúng nhân dân với nhà nước xô-viết và lôi kéo các dân tộc khác trên thế giới đi theo lá cờ của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản:“Chúng ta sẽ dùng sức mạnh của việc nêu gương để lôi cuốn các dân tộc khác đi theo lá cờ của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, sẽ lấy những thành tựu thực tế của công cuộc xây dựng kinh tế của chúng ta để chứng minh tính hơn hẳn của chủ nghĩa xã hội so với chủ nghĩa tư bản”[9].

2. Vận dụng quan điểm đối ngoại của Lênin vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

* Việt Nam luôn xác định quan điểm đối ngoại cùng tồn tại hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau

Từ năm 1946, trong thư gửi kêu gọi Liên hợp quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, bày tỏ thông điệp: Nhân dân Việt Nam rất thiết tha với tự do, hoà bình và muốn làm bạn với tất cả các nước và sẵn sàng mở cửa đón chào các nhà tư bản nước ngoài đến Việt Nam đầu tư: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”[10]; “Việt Nam sẽ giao dịch với tất cả các nước nào trên thế giới muốn giao dịch với Việt Nam một cách thật thà”[11].

Cho đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mà Đảng và Nhân dân ta xây dựng là “Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Xác định một trong những phương hướng cơ bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.

* Chủ trương gác lại quá khứ, hướng đến tương lai, thúc đẩy tương đồng, vượt qua khác biệt

Lãnh tụ Lênin từng khẳng định: “Khi tình hình đã thay đổi và chúng ta phải giải quyết những nhiệm vụ thuộc loại khác, thì không nên nhìn lại đằng sau và sử dụng những phương pháp của ngày hôm qua”[12]. Trong lịch sử chiến tranh thế giới, dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc phải trải qua những gian khổ, kinh hoàng, hy sinh, mất mát nhiều nhất để giành lại được độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Nhưng không vì như vậy mà chúng ta cứ mãi nhìn về những đau thương của quá khứ mà bỏ qua những cơ hội phát triển của ngày hôm nay.

Việc Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương mở cửa hợp tác với các quốc gia trong lịch sử đã từng ở “bên kia chiến tuyến” không phải là sự lãng quên quá khứ. Đảng Cộng sản Việt Nam và các thế hệ người Việt Nam luôn khắc ghi những công lao và sự hy sinh to lớn của các thế hệ đã hiến máu xương, và tên tuổi cho sự trường tồn của đất nước. Nhưng điều quan trọng hơn là làm thế nào để giữ vững thành quả cách mạng và xây dựng một nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Vì vậy chủ trương gác lại quá khứ, hướng đến tương lai, thúc đẩy tương đồng, vượt qua khác biệt là một phương châm ngoại giao để Việt Nam có hoà nhập, bắt kịp và tiến cùng thời đại, để vượt qua nguy cơ “tụt hậu xa hơn nữa về kinh tế”.

* Xác định đối tác và đối tượng để hợp tác xây dựng và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khoá IX đã thay đổi nhận thức từ tư duy “bạn” – “thù” sang “đối tác” “đối tượng”, trong đối tác có đối tượng để đấu tranh và trong đối tượng vẫn có đối tác để hợp tác. Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 khoá XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã xác định quan điểm chỉ đạo: “Vận dụng đúng đắn, linh hoạt quan điểm đối tác, đối tượng: Những ai tôn trọng lợi ích quốc gia - dân tộc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu, hành động chống phá sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của ta đều là đối tượng” và quyết tâm: “bảo đảm cao  nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, bình đẳng, tôn trọng, hợp tác, cùng có lợi, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”./.

ThS. Hoàng Văn Sơn

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở


[1] Xem phim tài liệu “Mùa đông 1991”.

[2] Xem V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2006, t.44, Lời tựa, tr.VII

[3] Xem V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2006, t.44, Lời tựa, tr.VIII

[4] V.I.Lênin, Toàn tập (Tiếng Việt), Nxb Tiến bộ, M.1978, t.38, tr.67

[5] V.I.Lênin, Toàn tập (Tiếng Việt), Nxb Tiến bộ, M.1978, t.36, tr.684.

[6] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị QG-ST, HN.2005, t.43, tr.374

[7] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2006, t.44, tr.371-372

[8] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2006, t.44, tr.364

[9] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2006, t.44, Lời tựa, tr.VIII

[10] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H., 2011, tập 4, tr.523

[11] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H., 2011, tập 6, tr.46

[12] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2006, t.44, tr.398

 


Các tin khác:
Các tin liên quan: