Bài học kinh nghiệm từ Đại thắng mùa xuân 1975 và sự vận dụng của Đảng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là mốc son chói lọi, một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi đó đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên cả nước hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Những bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến nay vẫn giữ nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn để Đảng ta vận dụng vào sự chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chiến lược trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập 11h30 ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu
Tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam, âm mưu của đế quốc Mỹ là nhằm “Tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước của nhân dân ta, thôn tính miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam châu Á; đồng thời lấy miền Nam làm căn cứ tiến công miền Bắc, tiền đồn của hệ thống xã hội thế giới ở Đông Nam châu Á, hòng đè bẹp và đẩy lùi CNXH ở vùng này, bao vây uy hiếp các nước XHCN khác”[1]. Để thực hiện âm mưu đó, đế quôc Mỹ đã đổ vào chiến tranh Việt Nam 676 tỷ USD, huy động lúc cao nhất tới 70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân, 60% không quân; huy động 6,5 triệu lượt binh sỹ Mỹ trực tiếp tham chiến, lúc cao nhất có mặt ở miền Nam hơn nửa triệu quân.
Sau Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 21/1/1973, nhận thấy tương quan so sánh lực lượng đã nghiêng hẳn về phia ta, ngày 7/1/1975, Bộ Chính trị họp “Bàn về tình và nhiệm vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, hạ quyết tâm lịch sử: Giải phóng miền Nam [2]. Bộ Chính trị đã nhất trí thông qua phương án giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976; đồng thời xác định: Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”[3]. Bộ Chính trị đã quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975 với ba Chiến dịch: Tây Nguyên (từ ngày 4/3 đến 3/4/1975), Huế - Đà Nẵng (từ ngày 5/3/1975 đến 29/3/1975) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26/4/1975 đến 30/4//1975). Với tinh thần: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả cho tuyền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mệnh lệnh thiêng liêng của lý trí và trái tim của mỗi người Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, quân và dân cả nước đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kiên cường, sáng tạo, anh dũng chiến đấu, hy sinh, lập nên những chiến công oanh liệt, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975, là thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam; là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam; là thành quả của đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng; thể hiện tài thao lược và sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn của Đảng về thực hiện nhiệm vụ chiến lược. Đại thắng mùa Xuân năm 1975, mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội IV (12/1976) đã khẳng định "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc". Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi, đánh dấu bằng sự kiện lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu, có giá trị to lớn đó là:
Một là, đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ. Đó là đường lối gương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền nhằm một mục tiêu chung là chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên CNXH. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta là nhân tố mang ý nghĩa quyết định đối với Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Hai là, chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược, phương thức chiến tranh cách mạng và nghệ thuật tạo thời cơ và nắm thời cơ, thúc đẩy thời cơ giành những thắng lợi quyết định. Đảng vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân, đó là nghệ thuật tổ chức cả nước cùng đánh giặc, cả nước cùng tiến công và nghệ thuật quân sự chiến tranh toàn dân, xây dựng và phát triển lý luận chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân Việt Nam; phối hợp sức mạnh quân sự, chính trị, ngoại giao… để thực hiện mục tiêu chung là giải phóng miền Nam.
Ba là, Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để chống đế quốc Mỹ. Trên cơ sở sự đoàn kết của dân tộc, Việt nam còn mở rộng sự đoàn kết với các nước láng giềng, bè bạn khắp thế giới, như liên minh với Lào và Camphuchia trên cơ sở Đông Dương là một chiến trường; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới để nhân lên sức mạnh chống Mỹ.
Bốn là, xây dựng căn cứ địa cách mạng, hậu phương kháng chiến vững chắc, phát huy vai trò của hậu phương lớn và hậu phương tại chỗ. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta chủ trương xây dựng miền Bắc vừa là căn cứ địa cách mạng của cả nước, vừa là hậu phương lớn của cuộc kháng chiến, giữ vai trò quyết định nhất cho cách mạng cả nước. Đồng thời, Đảng ta còn xây dựng và mở rộng vùng căn cứ, vùng giải phóng ngay tại chiến trường miền Nam để làm hậu phương tại chỗ; chú trọng xây dựng tuyến đường giao thông, vận chuyển chiến lược thông suốt, chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam.
Năm là, phải luôn chú trọng xây dựng Đảng trong mọi hoàn cảnh, nâng cao sức chiến đấu và phát huy hiệu lực lãnh đạo của Đảng. Xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ, yêu cầu cuộc kháng chiến chống Mỹ. Để hoàn thành trọng trách lịch sử đó, Đảng ta luôn luôn coi trọng công tác Xây dựng Đảng, đào tạo đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, Đảng gắn với nhân dân, với dân tộc với phong trào cách mạng.
Thành tựu 40 năm đổi mới của Việt Nam, Ảnh minh họa
Phát huy tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, cùng ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thuận lợi, thời cơ. Sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; độc lập, chủ quyền quốc gia và môi trường hòa bình được giữ vững, chính trị - xã hội ổn định, kinh tế ngày càng phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững; An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống mọi mặt của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Từ một nghèo, lạc hậu, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế cao (năm 2024 đạt 7,09%, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD). Hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 4.06% năm 2024. Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và nâng cao. Đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu đó là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta”[4].
2. Vận dụng bài học kinh nghiệm Đại thắng mùa xuân 1975 vào thực hiện nhiệm vụ chiến lược trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Đảng xác định, đất nước ta sẽ chính thức bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam từ Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại. Đây là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. “Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao”[5], là kỷ nguyên văn minh hiện đại, là kỷ nguyên giàu có và thịnh vượng.
Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ còn nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Hòa bình hợp tác là xu thế lớn song đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; tranh chấp chủ quyền biển đảo tiếp tục phức tạp. Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ tạo ra cả thời cơ và thách thức mới đối với mọi quốc gia, dân tộc. Ngoài ra vấn đề thiên tai, dịch bệnh…đe dọa sự ổn định của khu vực và đất nước ta. Tình hình trong nước, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để tiếp tục hiện thực khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, những kinh nghiệm quý báu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có ý nghĩa sâu sắc, để vận dụng sáng tạo, phát huy trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam với những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, Đảng tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Thực hiện nguyên tắc đặt lợi quốc gia, dân tộc lên trên hết; giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng lãnh đạo quyết tâm chống nghèo nàn, lạc hậu; quyết tâm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục thực hiện bốn kiên định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Thứ hai, chủ động, nhạy bén, linh hoạt nắm thời cơ, thuận lợi; đẩy lùi nguy cơ, thách thức để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới. Thành công nổi bật về sự chỉ đạo chiến lược của Đảng trong Đại thắng mùa Xuân 1975 là tạo thời cơ, nắm bắt thời cơ, tận dụng thời cơ, thúc đẩy thời cơ, đẩy nhanh cuộc tổng tiến công với tốc độ cao để giành thắng lợi giải phóng miền Nam nhanh chóng so với kế hoạch. Bối cảnh hiện nay, toàn cầu hóa và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam đã đem lại những thời cơ, vận hội, đồng thời cũng làm xuất hiện cả những thách thức, nguy cơ đối với sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam. Trong kỷ nguyên mới, để vận dụng sáng tạo bài học về nắm bắt thời cơ, tận dụng thời cơ vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay đối với Đảng ta là cần nhận diện rõ và kịp thời xây dựng những chiến lược phát triển đất nước hợp lý và tận dụng được những thời cơ, đẩy lùi những nguy cơ để phát triển đất nước nhanh, bền vững, như Tổng Bí thư Tô Lâm xác định: “Tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh”. Đặc biệt là thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đẩy nhanh sự nghiệp đổi mới. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ hiện nay, trong kỷ nguyên mới, Đảng cần sớm ban hành Chiến lược về phát triển khoa học - công nghệ; đồng thời cần thực hiện đột phá đi vào những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số, mà Việt Nam có lợi thế; vào quản trị quốc gia hiện đại trên nền tảng chính phủ số, xã hội số, công dân số, tạo sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Coi đó là yếu tố quyết định để phát triển đất nước; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.
Thứ ba, phát huy hiệu quả sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá trong kỷ nguyên mới. Để thực hiện nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới yêu cầu phải phát huy đến mức cao nhất các động lực phát triển đất nước, nhất là là sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tự lực, tự cường, khát vọng sáng tạo và cống hiến của toàn dân, của con người Việt Nam. Đặc biệt, kỷ nguyên mới đòi hỏi phải phát huy cao nhất tinh thần, ý chí, sức mạnh của nhân dân - Chủ thể đóng vai trò trung tâm của sự nghiệp kiến tạo kỷ nguyên mới. Vận dụng bài học về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, bước vào kỷ nguyên mới, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm và hành động của cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên. Đảng luôn coi trọng và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”[6]. Mỗi cán bộ, đảng viên phải liên hệ mật thiêt với nhân dân, tôn trọng nhân dân theo phương châm: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân hết sức tránh”. Trong mọi quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước phải lấy lợi ích của nhân dân làm cơ sở, cần đem “tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân” và phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; cần giải quyết hài hòa, thống nhất về lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp, giữa các vùng, miền, giữa các dân tộc, tôn giáo nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn xã hội. Để phát huy sức mạnh tổng hợp trong kỷ nguyên mới cần tăng cường đoàn kết trong Đảng, lấy đoàn kết trong Đảng làm nền tảng và hạt nhân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ tư, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy nguồn nội lực, tranh thủ tối đa nguồn ngoại lực là bài học xuyên suốt trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam, quyết định sự thành bại của quá trình xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Bước vào kỷ nguyên mới, Đảng khẳng định: Trong điều kiện mới càng phải coi trọng vận dụng bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế để phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại chính là gắn độc lập, tự chủ với việc chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người quan trọng nhất. Trong bối cảnh hiện nay, việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại phải luôn linh hoạt, thích ứng với các xu thế vận động của thế giới; vừa đối thoại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, giương cao ngọn cờ hòa bình; ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động nắm bắt thời cơ, tiến hành hội nhập quốc tế trên các phương diện: kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh…để Việt Nam hội nhập kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ chiến lược trong kỷ nguyên mới.
Thứ năm, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến lược trong kỷ nguyên mới. Để đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức, dẫn dắt công cuộc đổi mới tiến lên, tiếp tục lập nên những kỳ tích mới, xây dựng thành công một nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đảng phải chú trọng đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, cán bộ, coi đó là khâu then chốt; tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; đồng thời với quyết tâm sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh theo hướng “Tinh, Gọn, Mạnh, Hiệu năng, Hiệu lực, Hiệu quả” đây là một cuộc cách mạng tạo động lực và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước tiến lên trong kỷ nguyên mới. Đảng cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thật sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực và uy tín; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo kỷ luật Đảng; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Sứ mệnh lịch sử của Đảng trong kỷ nguyên mới được nhân dân tin tưởng giao phó; vận mệnh dân tộc đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam biến khát vọng thành hiện thực bằng những nỗ lực, nhiệt huyết trong từng hành động của mình, quyết tâm giành những thắng lợi trong kỷ nguyên mới.
Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn nữa giá trị lý luận và giá trị thực tiễn của những bài học kinh nghiệm đã rút ra trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Những bài học kinh nghiệm đó là cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo giúp chúng ta kiên định, vững vàng và tự tin vượt qua những khó khăn, thách thức mới và hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Bùi Thị Hậu – Phó trưởng phòng TC, HC, TT, TL
[1] . ĐCS VN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H,2004, T.37, tr.478
[2]. Hội nghị BCT họp bàn về chủ trương giai phóng Miền Nam, ngày 7/5/1975, Kết luận “Bàn về tình và nhiệm vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”
[3]. ĐCS VN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H,2004, T36 ,tr.10
[4] ĐCSVN: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H,2021, T1
[5]. GS, TS Tô Lâm: “Cơ sở định vị mục tiêu phát triển và định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, báo Nhân Dân, số 25193, ngày 1-11-2024, tr.2
[6] ĐCSVN: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H,2021, T1, tr 191