Kỷ niệm 71 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024)
BÀI HỌC VỀ PHÁT HUY HẬU CẦN TẠI CHỖ TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ VỚI PHÁT HUY TIỀM LỰC, PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG TÂY BẮC TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Chiến dịch Điện Biên Phủ được mở màn từ ngày 13/3/1954, trải qua 55 ngày đêm chiến đấu anh dũng và mưu trí, quân dân Việt Nam đã giành thắng lợi vào chiều ngày 7/5/1954. Đây chẳng những là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà còn là thắng lợi của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Sự kiện lịch sử trọng đại này đã tạo ra một chấn động sâu sắc khắp 5 châu, có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với cách mạng Việt Nam mà còn đối với cả cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
1. Tây Bắc với nhiệm vụ hậu cần tại chỗ trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954
Dưới con mắt của các nhà chỉ huy quân sự Pháp - Mỹ, Điện Biên Phủ có vị trí chiến lược hết sức lợi hại. Là một thung lũng ở phía Tây khu Tây Bắc, Điện Biên Phủ sát biên giới Việt - Lào; cách biên giới các nước Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan từ 150 đến 300km; cách Hà Nội 300km và hậu phương chính của ta (Việt Bắc, Khu IV) từ 300 -500 km đường bộ. Đây là trung tâm của những con đường nối liền các biên giới của Lào, Thái Lan, Miến Điện, Trung Hoa; là một cánh đồng rộng lớn, trù phú, đông dân nhất vùng Thượng du Bắc Bộ. Sản lượng lúa ở vùng này có thể đảm bảo nuôi sống từ 20.000 đến 25.000 người trong mấy tháng. Với sân bay sẵn có ở Điện Biên Phủ, có thể thiết lập một cầu hàng không nối liền với đồng bằng và khi cần có thể mở rộng gấp 2 - 3 lần. Coi như đã tìm được giải pháp hữu hiệu để đối phó với cuộc tiến quân của ta lên hướng Tây Bắc, Bộ Chỉ huy quân sự Pháp quyết định cho quân chốt giữ Điện Biên Phủ, nơi đây trở thành mối quan tâm hàng đầu của Pháp - Mỹ. Theo tính toán của tướng lĩnh Pháp: quân của tướng Giáp đã không đánh được các cứ điểm phòng ngự Hòa Bình, Nà Sản thì đương nhiên không thể nào đánh được Điện Biên Phủ vì Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”, “chiếc cối nghiền thịt”. Học giả Mỹ Maicơn Mắc Clia cũng khẳng định: "Bộ chỉ huy Pháp nghĩ rằng Việt Minh không có xe tải, không có phương tiện vận chuyển vũ khí, lương thực và các đồ dùng khác để chiến đấu ở cách xa hậu phương đến như vậy. Điều đó hoàn toàn không phải là ngớ ngẩn. Đó là một ý nghĩ rất hợp lý". [1]
Sau khi giành được những thắng lợi bước đầu rất to lớn trên các chiến trường trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và ngay sau khi quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, ta khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch. Tổng Quân ủy nhận định: “Để tiến hành chiến dịch này, ta có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là cung cấp mà chủ yếu là về đường sá”. Đây là sự phân tích, đánh giá khách quan, thực tế tình hình lúc đó. Bởi vì Điện Biên Phủ ở xa hậu phương tới 500-600 km, chủ yếu là địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, mưa nắng thất thường. Đặc biệt, đường cơ giới duy nhất lên Tây Bắc là con đường 41 từ Hoà Bình qua Mộc Châu, Sơn La, Tuần Giáo lên Lai Châu. Con đường này lòng đường hẹp, cầu yếu, nhiều đoạn sụt lở và ngang qua những khu vực địa hình hiểm trở, núi cao, suối sâu. Từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ dài 89 km, mặt đường vốn đã nhỏ lại men theo sườn núi, phần lớn một bên núi cao, một bên suối sâu.
Vì vậy, bảo đảm hậu cần là một mặt trận trở nên hết sức nóng bỏng và quyết liệt. Nó quyết liệt ở chỗ hai bên đều biết rõ điểm yếu chí mạng của nhau là phải vận chuyển một khối lượng vật chất lớn đến một chiến trường xa hậu phương mà đường tiếp vận thì độc đạo. Phía Việt Nam chỉ có một trục đường bộ chủ yếu từ Sơn La vào Điện Biên, còn phía Pháp cũng chỉ có một phương thức tiếp tế duy nhất là đường không. Chính vì thế cả hai phía đều tập trung sức mạnh để khắc phục điểm yếu của mình, đánh vào điểm yếu của đối phương nhằm hạn chế, loại trừ khả năng tác chiến của đối phương.
Bộ chính trị và Đảng ta nhận định: Chúng ta tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mới đập tan được âm mưu kéo dài, mở rộng chiến tranh của để quốc Pháp - Mỹ; mới mở ra một cục diện mới cho cuộc kháng chiến của Nhân dân ta. Trong Chỉ thị gửi đồng chí Tổng Tư lệnh, Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những đối với trong nước mà đối với cả quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được. Ngày 6/12/1953, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra nhật lệnh kêu gọi, động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ nêu cao quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Bảo đảm hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn nhưng cũng là một kỳ tích của dân tộc Việt Nam. Để giành toàn thắng cho chiến dịch, ta phải sử dụng một lực lượng đủ mạnh. Riêng ở tuyến chiến đấu lúc cao nhất có tới hơn 87.000 người gồm 53.830 quân và 33.300 dân công[2]. Lượng gạo cần cho chiến dịch là 16.000 tấn. Muốn có số lượng gạo đó phải huy động từ hậu phương lên tuyến chiến dịch 25.000 tấn. Theo tổng kết của Tổng cục cung cấp ngay sau chiến dịch Tây Bắc (1952), dùng dân công gánh bộ chuyển 5.000 tấn gạo từ Yên Bái lên Cò Nòi (cách Điện Biên Phủ 220km) chỉ còn 400 tấn. Nếu đi tiếp 40km nữa đến Sơn La thì lượng gạo chỉ còn 200 tấn. Nghĩa là để có 1 kg gạo đến đích phải có 24 kg tiêu thụ và tổn thất dọc đường. Vậy ở chiến dịch này nếu cũng vận chuyển hoàn toàn bằng dân công gánh bộ, muốn có số gạo trên, phải huy động từ hậu phương hơn 600.000 tấn gạo (khoảng 1 triệu tấn thóc)[3]. Giả sử có được số lương thực nói trên cũng không thể vận chuyển lên kịp vì đường quá xa, phải huy động một lực lượng dân công khổng lồ và nếu là thóc cũng không có cách nào xay giã kịp. Để giải bài toán hóc búa này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị và Tổng Quân uỷ đã đề ra những giải pháp hết sức khoa học, cách mạng và sáng tạo. Đó là động viên nhân dân Tây Bắc dốc sức đóng góp tại chỗ. Mặt khác đẩy mạnh việc làm đường, sửa đường, sử dụng tối đa số ô tô vận tải hiện có, huy động tối đa các phương tiện vận chuyển thô sơ của nhân dân như ngựa thồ, xe đạp thồ, thuyền mảng... phục vụ chiến dịch nhằm giảm đến mức tối đa lượng lương thực thực phẩm tiêu thụ và tổn thất dọc đường do phải đưa từ xa tới.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng cung cấp mặt trận trung ương giao nhiệm vụ cụ thể cho Tây Bắc (chỉ tính riêng 3 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu) huy động 6.963 tấn gạo, 310 tấn thịt, 3.000 dân công bảo đảm giao thông trên đường số 13 và 41, 1.600 dân công ra hỏa tuyến; ngoài ra còn gồm nhiều ngựa thồ, thuyền mảng ở vùng mới giải phóng bắc Lai Châu phục vụ cho tuyến Ba Nặm Cúm; Lai Châu bảo đảm giao thông vận tải thường xuyên thông suốt trên đường số 13 và 41.
Đoàn xe đạp thồ vận chuyển lương thực trên đường vào tiền tuyến (tư liệu)
Nhân dân các dân tộc Tây Bắc vốn có lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, một lòng tin tưởng ở Đảng và Bác Hồ sẵn sàng tự nguyện tham gia đóng góp cho kháng chiến. Kết quả các chỉ tiêu Trung ương giao cho đều vượt cả về số lượng, chất lượng và thời gian; gạo 7.310 tấn (vượt 347 tấn), thịt 389 tấn (vượt 79 tấn). Với khẩu hiệu: ‘tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng” phấn đấu hoàn thành mức giao của Khu, Lai Châu đã tập trung mọi khả năng huy động 2.666 tấn gạo (vượt 64 tấn), 226 tấn thịt (vượt 48 tấn), rau xanh 210 tấn, 16.973 dân công (bằng gần 571.210 ngày công), 348 ngựa thồ, 58 thuyền mảng, hơn 20.070 cây gỗ các loại để chống lấy, làm đường cho xe, pháo và bộ đội hành quân.
Để ngăn cản việc tiếp tế của ta, địch tập trung sức phá đường giao thông. Chúng cho máy bay ném bom các đoạn đường xung yếu, đèo cao, bến phà, thả chông sắt xuống mặt đường, dùng chất hóa học làm mưa nhân tạo… Nhưng với khẩu hiệu: “Không để một đêm nào lỡ kế hoạch vận chuyển”, quyết không để mạch máu giao thông bị đứt, các đoàn tiếp vận vẫn bảo đảm cho bộ đội.
Lửa đạn, gian khổ khó khăn không ngăn cản được bước tiến của các đoàn dân công, đoàn vận tải ngày đêm vận chuyển lượng thực, thực phẩm, đạn dược đến Điện Biên Phủ cho bộ đội đánh giặc. Nhân dân Tây Bắc mới được giải phóng còn thiếu thốn trăm bề vẫn hăng hái góp phần lượng thực còn lại cho bộ đội. Nhiều đoàn xe đạp thồ đã nâng mức trọng tải mỗi xe lên hàng tạ, có khi đến 3 tạ.
Sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục, đến ngày 07/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Thời gian phục vụ của hậu cần không chỉ là 55 ngày đêm, mà đã kéo dài tới 6 tháng liền và phải bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia Chiến dịch, trong đó lực lượng chiến đấu là 53.830 người và dân công là 333.000 người với 12 triệu ngày công phục vụ chiến dịch. Trong Chiến dịch này, ngành Hậu cần đã dốc toàn lực bảo đảm hơn 20.000 tấn vật chất, gồm: 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu, 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác, gấp gần 3 lần so với dự kiến ban đầu.
Công tác hậu cần đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày trên địa bàn xa hậu phương, góp phần quyết định vào thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thành công của công tác hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý.
71 năm đã đi qua, song âm vang của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn vang vọng mãi. Ý nghĩa to lớn và bài học về xây dựng và phát huy sức mạnh của hậu phương trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn giữ nguyên giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam.
2. Vận dụng kinh nghiệm công tác hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm phát huy tiềm lực phát triển kinh tế vùng Tây Bắc hiện nay
Tây Bắc là vùng miền núi phía Tây của miền Bắc, gồm 06 tỉnh là Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái, với diện tích trên 5,64 triệu ha và dân số trên 4,7 triệu người. Vùng Tây Bắc với địa hình đồi núi là chủ yếu, cơ cấu xã hội với đa dạng thành phần dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao 63% (cao nhất trong cả nước), với 21 dân tộc thiểu số, hình thành sự đa dạng trong ngôn ngữ và văn hoá các tộc người của vùng. Với những đặc điểm trên, các tỉnh Tây Bắc gặp nhiều khó khăn trong phát triển kết cấu hạ tầng, tổ chức sản xuất và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại cũng như khó khăn trong tổ chức đời sống dân cư, cung ứng dịch vụ xã hội cơ bản, xây dựng và triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội. Quá trình đổi mới và hội nhập của Tây Bắc vì thế gặp nhiều khó khăn, các tiềm năng phát triển chưa được khai thác, tận dụng triệt để. Cho đến nay, khó khăn lớn nhất của vùng Tây Bắc là kinh tế chậm phát triển, hiện vẫn là vùng nghèo nhất trong cả nước, khoảng cách về thu nhập của người dân so với các vùng khác có chiều hướng ngày càng rộng thêm. Trong đó, Điện Biên, Lai Châu và Sơn La là các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, khoảng 1/3 số hộ gia đình ở các địa phương này. Nhiều địa phương trong vùng chưa có khả năng tự cân đối ngân sách. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thiếu vững chắc, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém.[4] Điều này đặt ra cho các tỉnh Tây Bắc những yêu cầu trong xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cần tập trung kha thác tiềm lực, thế mạnh về kinh tế - yếu tố quan trọng, quyết định phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng.
Kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm quý về công tác bảo đảm hậu cần Chiến dịch Điện Biên Phủ vào phát huy tiềm lực, phát triển kinh tế vùng Tây Bắc, Đảng bộ, nhân dân các tỉnh Tây Bắc thường xuyên quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW của Bộ Chính trị và các nghị định của Chính phủ về xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc. Xây dựng hậu phương đất nước, hậu phương tại chỗ từng địa phương toàn diện cả thế trận và tiềm lực, lấy “thế trận lòng dân” làm cơ sở nền tảng, lấy tạo nguồn, khai thác tiềm năng tại chỗ là cơ bản. Duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược nhằm tạo thế, tạo lực hậu cần, sẵn sàng bảo đảm trong các tình huống; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 96-NQ/CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các nghị quyết đại hội Đảng bộ các tỉnh Tây Bắc…
Từ tiềm năng, lợi thế về diện tích đồi rừng rộng lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú cùng với tăng cường thu hút đầu tư, các địa phương Tây Bắc đang tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng tăng năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8-9%/năm vào năm 2030. Trong những năm gần đây các tỉnh Tây Bắc đang tập trung đẩy mạnh phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế-xã hội đó là:
Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đây là một trong những điểm nhấn ở Tây Bắc trong nhiều năm qua, là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương
Trong những năm qua, Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong Vùng; đồng thời với sự tiến bộ về đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư kết hợp áp dụng công nghệ mới, cách làm sáng tạo trong triển khai xây dựng đã góp phần đạt được những thành tựu đáng kể về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc; đã xây dựng, nâng cấp, sửa chữa được 1.916 km đường bộ, 296 km đường sắt, 115 km đường thủy nội địa. Tổng khối lượng vận tải toàn Vùng đạt trên 404 triệu lượt khách và 506 triệu tấn hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,56%/năm đối với vận tải hành khách và 10,1%/năm đối với vận tải hàng hoá.[5]
Đặc biệt tại tỉnh Điện Biên, Dự án đầu tư xây dựng và mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên Phủ, tại tỉnh Hòa Bình, Sơn La khởi công dự án tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La) là những dự án trọng điểm về phát triển hạ tầng giao thông trong Vùng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh - quốc phòng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Khai thác, phát triển thế mạnh của vùng theo hướng bền vững và xuất khẩu các mặt hàng chủ lực để “thoát nghèo”
Thay đổi toàn diện hướng canh tác trong sản xuất nông nghiệp, các tỉnh Tây Bắc đang gặt hái rất nhiều “quả ngọt” nhờ phát huy thế mạnh về đất đai rộng lớn của mình. Sơn La là tỉnh điển hình nhất khi trở thành “thủ phủ cây trái” của Việt Nam. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra ước đạt 85.050 ha (đứng thứ hai cả nước về diện tích trồng cây ăn quả); trong đó, gần 22.500 ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; toàn tỉnh có 29 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 02 sản phẩm được bảo hộ tại Châu Âu và Thái Lan... xuất khẩu và giới thiệu 17 sản phẩm nông sản sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ.
Thu hoạch trái xoài ở Sơn La
Nằm trong vùng lòng chảo Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh lớn nhất vùng Tây Bắc có chiều dài trên 20km, chiều rộng trung bình 6km, tổng diện tích sản xuất lúa nước 2 vụ hơn 4.000ha. Xác định lúa là loại cây trồng chủ lực, Điện Biên đã tập trung triển khai nhiều giải pháp phát triển toàn diện như: Sắp xếp, kiện toàn lại các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, thực hiện tốt các khâu cung ứng dịch vụ và chỉ đạo, hướng dẫn nông dân đầu tư sản xuất. Trong bức tranh kinh tế chung của tỉnh, ngành kinh tế nông nghiệp Điện Biên tiếp tục phát triển với tổng giá trị sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản (GRDP theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 2.432,4 tỷ đồng; so với năm 2022 tăng 3,01%. Sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 285,5 nghìn tấn (đạt 101,34% kế hoạch năm); sản lượng cà phê nhân gần 4.400 tấn (đạt 141,25% kế hoạch); sản lượng chè búp tươi 164 tấn (đạt 126,15% kế hoạch); sản lượng mủ cao su 5.144 tấn (tăng 363 tấn so với năm 2022).[6]
Thực hiện đồng bộ các biện pháp tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Bắc. Sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc để củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Hiện nay, sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã và đang đặt ra những yêu cầu mới. Các tỉnh Tây Bắc nỗ lực thực hiện quan điểm phát triển gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, nâng cao dân trí, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững, tạo nền tảng tinh thần, vật chất, kỹ thuật vững chắc cho xây dựng, củng cố quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, các tỉnh Tây Bắc tiếp tục đa dạng hoá nguồn lực, phân bổ đầu tư hợp lý cho phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, quan tâm đến đối tượng con em đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, đảm bảo an dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc… Nhà nước và các địa phương cần có kế hoạch, chính sách tạo lập môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư và đẩy mạnh liên kết vùng bằng các mô hình, loại hình liên kết, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của Tây Bắc. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện bền vững, nhất là về đất ở, đất sản xuất, sinh kế, để đồng bào định canh, định cư, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, khắc phục tình trạng di dịch cư tự do, tự cung, tự cấp. Đặc biệt, chú ý đúng mức việc xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn kinh tế - quốc phòng, hoạt động tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của các đơn vị Quân đội trên địa bàn.
Thắng lợi oanh liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đã khẳng định vai trò to lớn của hậu phương và công tác bảo đảm hậu cần của quân dân ta. Có thể nói sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Khu ủy Tây Bắc đã biến Tây Bắc vốn còn nhiều khó khăn, gian khổ trở thành hậu phương tin cậy. Nhân dân đoàn kết một lòng trên tinh thần “mỗi bản mường là một trận địa, mỗi người dân là một chiến sĩ” - nhân tố vô cùng quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954.
Thành công của công tác hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý. Đó là, bài học về quán triệt sâu sắc quyết tâm chiến lược, chiến dịch; kết hợp hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân; phát huy vai trò của hậu phương, khai thác triệt để các nguồn lực, vận dụng linh hoạt các phương thức, bảo đảm hậu cần sáng tạo, hiệu quả; tổ chức, bố trí hậu cần hợp lý, tập trung giải quyết thành công khâu trung tâm là công tác vận tải; vừa bảo đảm, bảo vệ hậu cần, vừa chủ động chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo./.
Th.s Bùi Trọng Thanh- Trưởng Phòng Tổ chức, Hành chính, TT, TL
[1] Mai cơn Mắc Clia, Việt Nam cuộc chiến tranh mười ngìn ngày, Thames Methuen, 1981 Trung tâm KHKTQS dịch, 1984, trang 75.
[2]Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập I (1944-1954) Nxb QĐND, H, 1995, tr 289
[3] Tỉnh ủy, UND tỉnh Điện Biên, Bộ Tư lệnh Quân khu II – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2009), Chiến Thắng Điện Biên Phủ sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc bài học và giá trị lịch sử (Kỷ yếu Hội thảo khoa học) – Hậu phương hậu cần, nhân tố quyết định thắng- bại của Trận Điện Biên Phủ.
[4]http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/5352-phat-trien-nguon-nhan-luc-vung-tay-bac-thuc-trang-va-giai-phap.html
[5]https://mt.gov.vn/vn/tin-tuc/40049/day-manh-phat-trien-ha-tang-gtvt-vung-tay-bac.aspx.
[6]https://nhandan.vn/nong-nghiep-dien-bien-vuot-kho-giu-nhip-tang-truong-ben-vung-post789628.html.