Đường dây nóng: 0212.3852.153

Lịch Giảng Dậy

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 14
Hôm qua : 23
Tháng này : 597
Tổng truy cập : 236807
Đang trực tuyến : 1

Tin Tức ››

Từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh giản bộ máy nhà nước đến cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy ở nước ta hiện nay

Cập nhật: 15:24:25 14 / 05 / 2025
Lượt xem: 23

Từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh giản bộ máy nhà nước đến cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy ở nước ta hiện nay

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng và đặt nền móng cho việc tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Hồ Chí Minh đã để lại hệ thống tư tưởng, quan điểm sâu sắc, toàn diện về tinh giản tổ chức bộ máy nhà nước. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh giản bộ máy nhà nước là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam tiếp tục soi đường cho Đảng, Nhà nước ta kế thừa, vận dụng và phát triển trong quá trình xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn ở Việt Nam. Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đang là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Đây là đòi hỏi tất yếu nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đáp ứng yêu cầu xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, vì sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

 

1. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh giản bộ máy nhà nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên phác thảo, khởi xướng và đặt nền móng cho việc đổi mới và tinh giản bộ máy nhà nước, hướng đến mục tiêu hiệu lực, hiệu quả lấy chất lượng và tinh thần phục vụ nhân dân lên trên hết. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc tinh giản bộ máy nhà nước là vấn đề cần thiết, phải làm mạnh mẽ và triệt để, vì các lý do: (1) Nhằm xây dựng cơ quan nhà nước hoạt động ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, mang lại lợi ích cho đất nước; (2) Tránh được hiện tượng rườm rà, cồng kềnh trong các hoạt động của bộ máy Nhà nước, thực hiện chủ trương nhanh, gọn và tiện lợi; (3) Góp phần giảm bớt chi phí ngân sách cho Nhà nước và mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân, tránh phiền hà, sách nhiễu, nhũng nhiễu Nhân dân.

Ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng, Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ về tầm quan trọng, tính cấp thiết, nội dung và phương thức tinh giản bộ máy. Theo Hồ Chí Minh, triệt để và đồng bộ giảm bớt những tổ chức, khâu trung gian và cá nhân không cần thiết là biện pháp trước mắt để tiết kiệm nguồn lực cho phát triển đất nước, đặc biệt trong điều kiện bộ máy quản lý hành chính còn cồng kềnh, hoạt động thiếu hiệu quả, tốn kém ngân sách. Người cho rằng: “Các cơ quan chính quyền và đoàn thể cần phải triệt để giản chính”[1]. Theo Người, giản chính tức là “chính quyền và đoàn thể tìm mọi cách để giảm bớt những cơ quan và những nhân viên không cần thiết lắm, để tiết kiệm sức người và của, để thêm sức vào việc sản xuất. Đồng thời tìm mọi cách để nâng cao năng suất của những nhân viên và các cơ quan”[2].

         Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vấn đề tinh giản bộ máy nhà nước, nhằm xây dựng một nhà nước hoạt động ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, góp phần giảm đáng kể gánh nặng về chi phí và ngân sách vận hành bộ máy, theo quan điểm “thà ít mà tốt”. Khi bàn về tinh giản bộ máy nhà nước, Người khẳng định: “Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh càng, thừa người, phải sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là năng suất lên cao, làm cho mau, cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”[3]. Bác chỉ rõ việc tinh gọn phải diễn ra trong toàn hệ thống chính trị chứ không chỉ trong các cơ quan hành chính: “Các cơ quan chính quyền và đoàn thể, các cơ quan kinh tế và các ủy ban, cần phải nâng cao năng suất, giảm bớt số người (tinh, gọn)…”[4]. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Về biên chế – từ các bộ, các ngành và các địa phương, bộ máy đều quá cồng kềnh và càng ngày càng phình ra. Vì vậy mà sinh ra quan liêu, lãng phí”[5]. Như vậy, vấn đề giảm biên chế đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra một cách quyết liệt với mục tiêu không chỉ “cắt bỏ cơ học” lao động dôi dư mà còn là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Theo Người công tác giảm biên không chỉ ở góc độ kinh tế mà còn ở góc độ văn hóa và đạo đức khi nó buộc cán bộ phải hoàn thiện mình về mọi mặt, phải nâng mình ngang tầm nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu của tổ chức, mong muốn của nhân dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ máy nhà nước phải lấy gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động làm đầu, làm cốt, tránh việc cơ cấu thành nhiều bộ, ngành, lực lượng, sinh ra bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, gây phiền nhiễu cho Nhân dân và lãng phí tiền của Nhà nước. Với chủ trương “thà ít mà tốt”, còn hơn là nhiều, dẫn đến hoạt động nhũng nhiễu, sinh ra đùn đẩy lẫn nhau; hướng đến mục tiêu tinh giản bộ máy nhà nước là bảo đảm bộ máy được vận hành một cách trơn tru, nhịp nhàng theo dây chuyền thống nhất, hiệu quả, không thừa, không thiếu, không yếu một bộ phận nào trong quy trình lãnh đạo, quản lý. Người nhấn mạnh: “Tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy. Thiếu một người nào hay có một người không làm tròn nhiệm vụ là hỏng cả”[6]. Tinh gọn tức là không có ai thừa ra trong bộ máy đó, đồng bộ tức là hoạt động của một người, một bộ phận sẽ tác động đến sự vận hành của cả một bộ máy, hiệu quả tức là ít người mà làm được nhiều việc - đó là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về tinh giản tổ chức bộ máy: chỉ để lại những bộ, cơ quan thực sự cần thiết trong công tác quản lý xã hội, còn lại đều phải tiến hành tinh giản thật gọn nhẹ, tránh cồng kềnh, lãng phí. Việc tinh giản bộ máy nhà nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra từ rất sớm và tiến hành quyết liệt, với tinh thần cương quyết, triệt để, quyết tâm cắt bỏ dư thừa, nhằm xây dựng một nhà nước thật gọn nhẹ. Việc tinh giản bộ máy nhà nước phải luôn gắn liền với tính hiệu lực, hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Người chỉ rõ:“Thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất[7]. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cần xác định, sắp xếp một bộ máy khoa học, sử dụng nhân lực một cách hiệu quả”, “Tổ chức phải gọn gàng. Nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải quy định rõ ràng. Các cấp và các cán bộ lãnh đạo phải giúp đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải kiểm tra chặt chẽ”[8].

       Như vậy, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh giản bộ máy nhà nước vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; tiếp tục trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước ta kế thừa, vận dụng và phát triển một cách sáng tạo trong thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị gọn nhẹ, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.     

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy ở nước ta hiện nay

        Trong quá trình đổi mới đất nước, đặc biệt trải qua hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn những hạn chế. Trong bài viết của Tổng Bí thư – Tô Lâm đã chỉ rõ: Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, đầu mối; phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vẫn còn trùng lắp, chồng chéo; phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, thiếu hợp lý; việc sắp xếp chưa thực sự gắn với xác định vị trí việc làm, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hạn chế, bất cập đó đã kìm hãm sự phát triển, giảm tính chủ động, sáng tạo, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, ảnh hưởng đến cơ hội phát triển của đất nước. Nguyên nhân là do quá trình thực hiện còn những hạn chế, bất cập, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Những hạn chế, yếu kém, tồn tại đã được Đảng, Nhà nước chỉ rõ, thẳng thắn thừa nhận. Việc triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy được làm trước hết từ Trung ương đã thể hiện rõ tính nêu gương, tiền phong gương mẫu từ trên xuống. Do vậy, với thực trạng về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị Việt Nam như hiện nay rất cần phải thực hiện cuộc cách mạng vì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”[9]. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu: việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu tất yếu trong quá trình đổi mới và phát triển của đất nước; chúng ta xác định đây là một cuộc cách mạng tạo động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Để thực hiện hiệu quả cuộc Cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy cần thực hiện một số giải pháp sau: 

Thứ nhất, Cần phải làm tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác tuyên truyền về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn bộ máy. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong hệ thống Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về mô hình tổ chức bộ máy mới. Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong việc giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức. Chính vì vậy, cần làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, công tác tuyên truyền trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn bộ máy đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Các cấp ủy cần quán triệt, triển khai nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là quan điểm “Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” do Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra đã trở thành kim chỉ nam quan trọng cho việc xây dựng một bộ máy nhà nước tinh gọn, phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về sự cần thiết, yêu cầu, nội dung và tính cấp bách của việc tinh giản bộ máy nhà nước và xem đây là một trong những giải pháp quan trọng, cần được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả. Qua đó, làm cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc về tầm quan trọng của việc thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ để nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị.

Thứ hai, thống nhất cao trong nhận thức, kiên trì và quyết tâm cao hành động. Chủ trương về thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy đã được Đảng ta đề ra từ Đại VI (1986) đến nay, trọng tâm là giai đoạn 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Việc thực hiện cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay so với các đợt sắp xếp tổ chức trước đây có điểm khác biệt cơ bản, đó là được tiến hành trong cả hệ thống chính trị, trong mọi ngành, mọi lĩnh vực và được tiến hành từ Trung ương đến cơ sở. Sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là công việc rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của mỗi người trong từng tổ chức, nhất là trong việc đề xuất giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức. Để vượt qua được rào cản, khó khăn trước hết phải có tinh thần mạnh mẽ, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu “phải có quyết tâm chính trị cao, thống nhất về tư tưởng, hành động quyết liệt”, dám dũng cảm, dám hy sinh vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức”. Do vậy, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động trước hết từ trong Đảng là nhân tố nòng cốt, trung tâm để tạo sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị và toàn dân. Qua đó để có sự thống nhất, đoàn kết thực chất, bền vững, tin tưởng và ủng hộ, đồng hành với chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, đây sẽ là yếu tố then chốt để vượt qua những rào cản và hiện thực hóa những mục tiêu của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy. Nếu không có quyết tâm chính trị cao thì việc tinh giản tổ chức bộ máy sẽ rất khó thực hiện vì nhiệm vụ này đã đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ nhưng kết quả vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu. Hơn nữa, tinh giản tổ chức bộ máy sẽ đụng chạm đến cả hệ thống và đến lợi ích của từng người. Chính vì vậy, thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy rất cần sự quyết tâm, lòng dũng cảm và cả sự hy sinh về quyền lợi của một số cán bộ, công chức, viên chức. Là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy do đó, phải được thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Thứ ba, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn không đơn thuần là cắt giảm số lượng, mà còn phải chú trọng cải thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ, bảo đảm mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải có đủ trình độ chuyên môn, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc; có đầy đủ phẩm chất đạo đức, tâm huyết, trách nhiệm. Cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ; sẵn sàng học hỏi, tiếp thu kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm mới để có thể nâng cao chất lượng, kết quả thực thi nhiệm vụ, công vụ trong môi trường có nhiều thay đổi như hiện nay. Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ gắn với tinh giản biên chế; đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và giữ lại những cán bộ, công chức có năng lực thực sự, đáp ứng yêu cầu công việc; đồng thời trọng dụng nhân tài, không để chảy máu chất xám, bảo đảm duy trì và giữ chân cán bộ, công chức, viên chức tốt, có năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ. Có cơ chế, chính sách hợp lý để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, thực tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và có phẩm chất đạo đức tốt vào làm việc cho cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị.

Thứ tư, đổi mới tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cần mở rộng sự tham gia và vai trò giám sát của người dân; tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết với nhân dân, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Nhà nước tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tổ chức có hiệu quả, thực chất việc Nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.  Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng, chống việc lợi dụng chủ trương sắp xếp bộ máy để tiêu cực, tham nhũng và xuyên tạc việc thực hiện tinh gọn bộ máy. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm, kịp thời trường hợp lợi dụng việc sắp xếp tổ chức để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực. Hiện nay các thế lực thù địch, phản động chống phá công cuộc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trên không gian mạng rất thâm độc, xảo trá; gây mất đoàn kết nội bộ, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cơ quan, tổ chức; làm lung lạc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phá hoại cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước ta. Do vậy, việc nhận diện và ngăn chặn âm mưu của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để xuyên tạc, chống phá có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, ngành tuyên giáo và dân vận, các cấp mặt trận, đoàn thể tăng cường tuyên truyền về tính tất yếu, khoa học, hiệu quả của công cuộc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là cấp thiết hiện nay để góp phần đánh bại những luận điệu xuyên tạc, thù địch của các thế lực phản động, cơ hội chính trị trên không gian mạng.

  Tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh giản bộ máy nhà nước là chủ trương, đường lối có tính chiến lược được Đảng và Nhà nước kế thừa, phát huy, vận dụng sáng tạo và hiệu quả trong quá trình cách mạng. Từ thực tiễn đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị hiện nay, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy là tất yếu khách quan. Đây là cuộc cách mạng đầy khó khăn, thách thức, phức tạp, cam go và có cả sự cản trở, đòi hỏi bản lĩnh, ý chí, trí tuệ, đoàn kết, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để việc triển khai được tiến hành nhanh, tích cực và hiệu quả. Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm mạnh mẽ, chắc chắn cuộc cách mạng đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” sẽ thành công, góp phần vì một đất nước Việt Nam hùng cường, nhân dân Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc./.

Bùi Thị Hậu – Phó trưởng Phòng TC, HC, TT, TL

 



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.489

[2] Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 477.

[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, 432.

[4]. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 432

[5]. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 314.

[6] 10 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 219, 132.

[7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr.367,

[8].Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 122.

[9].Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 284.

 


Các tin khác: