Đường dây nóng: 0212.3852.153

Lịch Giảng Dậy

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 11
Hôm qua : 23
Tháng này : 594
Tổng truy cập : 236804
Đang trực tuyến : 1

Tin Tức ››

Nâng cao trình độ, năng lực chuyển đổi số và nghiên cứu khoa học trong đội ngũ giảng viên Nhà trường

Cập nhật: 11:12:15 04 / 07 / 2025
Lượt xem: 6

Nâng cao trình độ, năng lực chuyển đổi số và nghiên cứu khoa học

trong đội ngũ giảng viên Nhà trường

 

“Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc”[1]. Nhận định trên trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị là sự khẳng định vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số đối với sự phát triển đất nước, nhưng đồng thời là đòi hỏi, yêu cầu bức thiết đối với nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

1. Trường Chính trị tỉnh – cơ sở đào tạo lý luận, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn quan trọng của các địa phương

Nhiệm vụ chính của Trường Chính trị tỉnh là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Với đội ngũ hiện nay gồm 34 viên giảng viên (giảng viên chính 18, giảng viên 16) 02 tiến sĩ, 31 thạc sỹ; 30 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 34/34 giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng bộ Trường Chính trị đã xây dựng được đội ngũ viên chức đáp ứng tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1 theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đây là một nền tảng quan trọng để chúng ta có thể tự tin vào chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh; khả năng đảm nhận thực hiện những nhiệm vụ nghiên cưu khoa học, tổng kết thực tiễn quan trọng của địa phương.

Những số liệu thống kê về kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; các công trình khoa học: đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; số lượng các bài nghiên cứu khoa học đăng trên các báo, tạp trí Trung ương, địa phương; số lượng các tác phẩm đạt giải trong các cuộc thi chính luận... trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã minh chứng sinh động cho năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Sơn La.

2. Nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số trong đội ngũ giảng viên – nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị khẳng định: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”. Đối với giảng viên trường chính trị, công tác giảng dạy lý luận và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là 2 nhiệm vụ chính yếu. Việc nâng cao trình độ chuyển đổi số, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên đang trở thành một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Tính cấp bách của nhiệm vụ này đến từ yêu cầu công việc trong kỷ nguyên số và môi trường bùng nổ của tri thức khoa học, những vấn đề thực tiễn mới nảy sinh và thay đổi với cường độ ngày càng mau chóng. Đòi hỏi đội ngũ giảng viên trường chính trị phải được xây dựng trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt kịp xu thế, đủ khả năng làm chủ công nghệ hiện đại. Sự cấp bách cho thấy tính không thể chậm trễ, không thể đứng ngoài, nếu không chúng ta sẽ không chỉ bị lạc hậu mà bị tụt hậu một cách nhanh chóng. Trước cơ hội và kỷ nguyên vươn mình của đất nước, việc tự cho phép mình đi chậm, hay hài lòng với những kết quả của hiện tại không chỉ là suy giảm chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, mà còn làm chậm tiến trình phát triển của đất nước. Nên đội ngũ giảng viên Nhà trường cần phải được xây dựng và tự xây dựng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và yêu cầu mới của thực tiễn đang đặt ra.

Tính lâu dài, thể hiện vị thế, vai trò của trường chính trị đối với việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho hệ thống chính trị của địa phương. Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030, xác định: “Kiện toàn tổ chức và hoạt động của trường chính trị tỉnh, thành phố; sáp nhập hoặc chuyển nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác (nếu có) về trường chính trị tỉnh, thành phố. Thống nhất ở cấp tỉnh chỉ có 01 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là trường chính trị”. Với mục tiêu và sứ mệnh được xác định theo quan điểm chỉ đạo trên, và thực tiễn yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, đội ngũ giảng viên trường chính trị cũng thường xuyên phải được xây dựng để tương xứng với vị thế, vai trò và yêu cầu nhiệm vụ.

3. Một số gợi ý góp phần thực hiện nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số cho đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Sơn La

Để thực hiện tốt việc nâng cao trình độ, năng lực chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học tổng kết thực tiễn cho đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Sơn La. Trong nhiệm kỳ 2025 – 2030, Đảng uỷ cần quan tâm thực hiện những nội dung cơ bản sau:

- Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả phong trào bình dân học vụ số do Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát động; các kế hoạch, chương trình chuyển đổi số đã ban hành trong năm 2025.

- Mạnh dạn đề ra chỉ tiêu cao về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn các cấp, nhất là đối với các đề tài nghiên cứu khoa học, hội thảo cấp tỉnh, cấp Học viện vào trong nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ mới.

- Xây dựng cơ chế động viên, khuyến khích, khen thưởng đối với các viên chức có nhiều công trình khoa học; lấy số lượng công trình, giờ khoa học thành tiêu chí so sánh trong bình xét mức độ thực hiện nhiệm vụ, danh hiệu thi đua theo nguyên tắc ưu tiên từ cao xuống thấp, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ vượt theo tỷ lệ như hiện nay.

- Thường xuyên cử, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyển đổi số (các lớp tập huấn về sử dụng trí tuệ nhân tạo, khai thác các dữ liệu internet...); các lớp bồi dưỡng về phương pháp nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

- Tăng cường hoạt động phối hợp với các đơn vị trên địa bàn: Trường Đại học Tây Bắc, Trường Cao đẳng Sơn La... thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ...

- Mỗi giảng viên cần phải xác định đi chậm chính là tụt hậu trong thời đại hiện nay. Nên cần hết sức nỗ lực, thường xuyên tự học hỏi, nâng cao trình độ sử dụng công nghệ. Phải chuyển tư duy từ nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ chính yếu phải thực hiện sang coi nghiên cứu khoa học là đam mê, quyền lợi từ đó hăng say nghiên cứu, từng bước nâng cao chất lượng, sản phẩm nghiên cứu.

 

 

ThS. Hoàng Văn Sơn

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

 



[1] Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

 

 


Các tin khác:
Các tin liên quan: