Đường dây nóng: 0212.3852.153

Lịch Giảng Dậy

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 11
Hôm qua : 23
Tháng này : 594
Tổng truy cập : 236804
Đang trực tuyến : 1

Tin Tức ››

Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị theo hướng phát huy năng lực người học, gắn với ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý đào tạo

Cập nhật: 11:13:47 04 / 07 / 2025
Lượt xem: 6

Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị theo hướng phát huy năng lực người học, gắn với ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý đào tạo

 

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, các cơ sở đào tạo lý luận chính trị nói chung và Trường Chính trị tỉnh nói riêng cần đề ra các giải pháp chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác đào tạo, phát triển các thế hệ cán bộ có đức, có tài, tận tụy phục vụ nhân dân, Tổ quốc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[1]; “muốn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”[2]. Việc đào tạo, bồi dưỡng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”[3]. Như vậy, để thực hiện mục tiêu này, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là quan trọng, cần thiết.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị gắn với chuyển đổi số trong quản lý, đào tạo đang là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, phát huy năng lực người học, đáp ứng được yêu cầu của thời đại số.

Chuyển đổi số đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, trong đó có đào tạo nhân lực nói chung: Đây là cơ sở dữ liệu lớn cho nghiên cứu và học tập của cá nhân, cơ quan nghiên cứu, đào tạo. Làm thay đổi cách dạy - học, phát huy vai trò trung tâm của người học, người dạy định hướng, dẫn dắt phương pháp luận, truyền cảm hứng; coi trọng quá trình tự học và học tập suốt đời của người học; phát triển nhiều phương thức tổ chức học tập tiện lợi cho người học trên mọi không gian và thời gian khác nhau; phát triển hình thức đào tạo từ xa, trực tuyến có khả năng kết nối người học từ nhiều địa phương khác nhau, tùy thuộc thời gian phù hợp. Công tác quản lý và đào tạo trở nên hiệu lực, hiệu quả, rõ ràng, minh bạch hơn. Các khâu của quá trình quản lý, đào tạo được số hóa và kết nối liên thông hệ thống; việc đánh giá kết quả học tập môn học, chất lượng quá trình trở nên chặt chẽ, đồng bộ.

Trong thời gian tới, việc đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị theo hướng phát huy năng lực người học, gắn với ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và đào tạo cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, đổi mới phương pháp giảng dạy dựa trên nguyên tắc phát huy năng lực người học. Thay vì tiếp cận một chiều, giảng viên cần tạo điều kiện cho người học chủ động tham gia vào quá trình tiếp thu kiến thức thông qua các hoạt động thảo luận nhóm, thực hành, phản biện, giúp họ phát triển tư duy phản biện, sáng tạo và kỹ năng mềm. Phương pháp này khuyến khích người học tự khám phá, liên hệ thực tiễn với lý luận, từ đó nâng cao khả năng vận dụng vào thực tế cuộc sống và công việc.

Thứ hai, tích hợp chuyển đổi số trong quản lý và đào tạo để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Ứng dụng công nghệ số như như hệ thống quản lý học tập (LMS), các nền tảng trực tuyến, phần mềm tương tác giúp giảng viên dễ dàng tổ chức lớp học, theo dõi tiến độ học tập, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người học tiếp cận tài nguyên, tài liệu mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, chuyển đổi số còn giúp phân tích dữ liệu học tập để điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp, từ đó tối ưu hóa kết quả đào tạo, bồi dưỡng.

Về Mô hình chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, Trường Chính trị nói riêng và các cơ sở đào tạo lý luận chính trị nói chung cần quan tâm một số vấn đề sau:

- Xây dựng nội dung học tập lý luận chính trị, cơ sở dữ liệu lớn - số hóa, cập nhật đều đặn và đưa lên mạng internet (dạng chữ, âm thanh, băng hình…) để cán bộ, đảng viên và người có nhu cầu tiếp cận nghiên cứu, học tập, góp phần nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, năng lực lãnh đạo, quản lý.

- Tạo thuận lợi cho cán bộ, đảng viên học tập lý luận chính trị theo hình thức học từ xa, trực tuyến (thiết kế các mô hình phân định theo yêu cầu từng đối tượng học, đánh giá chất lượng...) mà không nhất thiết phải học tập trung tại cơ sở đào tạo. Cán bộ, đảng viên tham gia trên nền tảng số có thể học tập bất cứ ở đâu, khi nào, kết quả được đánh giá khách quan bằng công cụ số hóa trên mạng internet. Tạo thuận lợi cho cán bộ, đảng viên học tập thường xuyên trên môi trường số, tạo nên khả năng tự học và học tập suốt đời.

Về các các giải pháp cơ bản triển khai mô hình chuyển đổi số

Thứ nhất, chuyển đổi nhận thức và cam kết chính trị về chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trước hết cần phải chuyển đổi nhận thức, nhất là người đứng đầu. Đối với đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cần cam kết chính trị mạnh mẽ của các cấp, cơ quan liên quan. Xuất phát từ nhận thức đầy đủ lợi ích của chuyển đổi số, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chiến lược, lộ trình, kế hoạch, phân bổ nguồn lực để chuyển đổi số kịp thời, đồng bộ.

Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học viên trước khi đến lớp học. Nội dung chuyển đổi số phải được chỉ đạo, giám sát, đánh giá định kỳ hằng năm, giữa nhiệm kỳ, 5 năm.

Thứ hai, cụ thể hóa nội hàm Phương thức sản xuất số

Đối với lĩnh vực đào tạo lý luận chính trị, lực lượng sản xuất là sự kết hợp giữa nguồn nhân lực làm công tác đào tạo (nòng cốt là giảng viên) với tư liệu sản xuất liên quan (hệ thống cơ sở vật chất, nền tảng kỹ thuật công nghệ phục vụ dạy và học). Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, “lực lượng sản xuất” trong lĩnh vực đào tạo lý luận chính trị cần phải được ưu tiên phát triển, trong đó nguồn nhân lực cần được đào tạo, đào tạo lại để thích ứng với môi trường giảng dạy số hóa, cơ sở vật chất - kỹ thuật số hóa, đồng bộ như công cụ giảng dạy thông minh, kết nối mạng, giảng đường thông minh, cơ sở dữ liệu lớn về học liệu, thông tin, thư viện, quản trị số...

Đây cũng là sự đổi mới đồng bộ quan hệ sản xuất, bao gồm thể chế quản lý, tổ chức hình thức học tập, điều kiện và tiêu chuẩn chất lượng, đánh giá quá trình giáo dục, đào tạo, xác định tiêu chuẩn điều kiện đầu vào - đầu ra của quá trình đào tạo... Xây dựng các quy định cụ thể đối với các hình thức học tập trên môi trường số, bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, đảng viên tham gia học tập và chế độ, chính sách cho đội ngũ giảng viên làm việc trong môi trường số.

Thứ ba, xây dựng và phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật để phục vụ dạy và học trong môi trường số.

Phát triển hạ tầng số phục vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng. Phát triển nền tảng số thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích rõ ràng cho cán bộ, đảng viên.

Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số ở tất cả các cơ sở đào tạo lý luận chính trị nói chung, Trường Chính trị tỉnh nói riêng, bao gồm hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, chương trình, tư liệu - thư viện, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên..., đồng thời, chuyển đổi số về công tác tổ chức quản lý quy trình, khâu đào tạo, bồi dưỡng. Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để chia sẻ dữ liệu, quản lý mã định danh, xác định người dùng trên môi trường số kết nối, thực hiện số hóa các nguồn lực.

Thứ tư, phát triển đội ngũ giảng viên đủ khả năng làm việc trong môi trường số.

Xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên đủ năng lực làm việc trên môi trường số, bảo đảm yêu cầu về nhân lực chuyển đổi số. Theo đó, đưa ra quy định thống nhất về năng lực số cho người dạy, người học và người quản lý. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng từ xa, trực tuyến tạo ra sự minh bạch, tiện ích cho cán bộ, đảng viên. Tăng cường năng lực, kỹ năng cho đội ngũ giảng viên ứng dụng công nghệ thông tin và các tiến bộ khoa học - công nghệ vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập trung chủ yếu vào chuyển đổi quá trình đào tạo, bồi dưỡng từ học chủ yếu trực tiếp trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng gồm: Dạy và học trực tuyến qua Internet, truyền hình; lớp học ảo; mô phỏng, số hóa bài giảng; các hoạt động xã hội, ngoại khóa... thực hiện số hóa, hình thành cơ sở dữ liệu về tài liệu, bài giảng phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Áp dụng học điện tử và phát huy cơ sở dữ liệu, học liệu, kết hợp các công cụ, phương tiện dạy và học thông minh, quản trị hiệu lực.

Bên cạnh đó, cần xây dựng những chính sách, chế độ phù hợp để bảo đảm cho đội ngũ giảng viên, nhân viên hỗ trợ giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số đồng bộ, như đào tạo, đào tạo lại, khuyến khích về vật chất, tinh thần đổi mới phương pháp giảng dạy, vận dụng kỹ thuật số gắn với nội dung giảng dạy,...

Thứ năm, huy động nguồn lực cho chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng.

Tăng cường huy động nguồn lực từ nhiều “kênh”, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Khuyến khích các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân áp dụng nhiều hình thức để tiến hành hỗ trợ đầu tư đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mở rộng các “kênh” thu hút nguồn kinh phí chi cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Huy động, phân bổ, sử dụng kinh phí và các nguồn lực xã hội nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ năng lực làm việc trong môi trường số. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước, từ tài trợ của tổ chức, cá nhân. Sự kết hợp nguồn lực công và tư giúp cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trở nên đa dạng và linh hoạt, góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra trong quá trình phát triển, chuyển đổi số.

Như vậy, có thể thấy rằng đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị theo hướng phát huy năng lực người học gắn với chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đoàn viên, thanh niên có nhân cách, lý tưởng cao đẹp, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới của đất nước. Để đạt mục tiêu này, cần tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ giảng viên, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương, cùng với chính sách hỗ trợ phù hợp, đồng bộ./.

              Nguyễn Thị Minh Nguyệt

Phó trưởng khoa Lý luận cơ sở

 

 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 309

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 280

[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 187

 


Các tin khác:
Các tin liên quan: